Nụ cười người nông dân trồng hoa (nguồn ảnh: tghinhanhdep) |
Báo cáo “Kết quả khảo sát thực trạng và nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực nữ chất lượng cao ở miền Bắc Việt Nam” được công bố mới đây do Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Đại học Chung Ang (Hàn Quốc) thực hiện khảo sát với hơn 1.000 lao động nữ thuộc 5 tỉnh/thành phía Bắc.
TS. Dương Kim Anh, Trưởng khoa Giới và Phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam, Trưởng nhóm khảo sát, cho biết: Trung bình một lao động nữ phải làm việc 54 giờ/tuần. Thực trạng trên cho thấy thời gian làm việc một tuần của lao động nữ đều ở mức rất cao, vượt xa mức tiêu chuẩn là 40 giờ/tuần.
Trong đó, số giờ phải làm trong tuần của lao động nữ địa phương cao hơn khoảng 5 giờ so với lao động nữ trong doanh nghiệp (56,38 giờ so với 51,49 giờ). Không chỉ vậy, lao động nữ địa phương có số ngày phải làm thêm giờ cao hơn so với lao động nữ trong doanh nghiệp là 3,48 ngày so với 2,3 ngày.
Lý giải về điều này, bà Dương Kim Anh cho biết: Thời gian làm việc tại khu vực nông thôn thường thiếu chính xác, thường xuyên bị ảnh hưởng hoặc xen kẽ các công việc nhà, các công việc cộng đồng, tham gia các hoạt động sinh hoạt gia đình…
Tuy thời gian làm việc nhiều nhưng thu nhập bình quân tháng của lao động nữ trong nghiên cứu này là gần 3 triệu đồng. Theo bà Dương Kim Anh, có sự khác biệt rõ ràng trong thu nhập bình quân của 2 nhóm lao động nữ này. Thu nhập bình quân của lao động nữ trong doanh nghiệp cao gấp hơn 2 lần so với lao động nữ địa phương (gần 4,1 triệu đồng so với 1,85 triệu đồng).
Một nghịch lý không nhỏ là thời gian làm việc nhiều, thu nhập thấp, nhưng khi được hỏi về mức độ hài lòng với cuộc sống, đa phần lao động nữ ở cả 2 nhóm này cho rằng hài lòng một phần (chiếm 71,3%). Có 28% lao động nữ hài lòng hoàn toàn với cuộc sống. Đặc biệt là không có ai cho rằng mình không hài lòng với cuộc sống.
Không chỉ vậy, nhóm lao động nữ địa phương, với mức thu nhập trung bình chỉ có 1,85 triệu đồng/tháng, thời gian phải làm việc dài hơn, nhưng nhóm này cho rằng mình hoàn toàn hài lòng với cuộc sống cao hơn so với nhóm lao động nữ trong doanh nghiệp (33,1% so với 25%). Bà Dương Kim Anh cho rằng “đây là vấn đề rất đáng quan tâm thấu đáo hơn”, bởi đang có một nghịch lý: Lao động nữ trong doanh nghiệp với đa phần tuổi trẻ hơn, học vấn và chuyên môn cao hơn, thậm chí thu nhập cao hơn 2 lần so với lao động nữ địa phương nhưng mức độ hoàn toàn hài lòng với cuộc sống lại có phần thấp hơn với lao động nữ địa phương.