Đó là nội dung nổi bật được thể hiện qua các báo cáo về thị trường tuyển dụng do Navigos Search và Vietnamworks (thuộc Navigos Group) thực hiện.
Nhân lực ngành CNTT tại Việt Nam còn nhiều bất cập so với nhu cầu của thị trường lao động |
Cụ thể, năng lực tiếng Anh của người tìm việc vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu của nhà tuyển dụng. Trong lĩnh vực CNTT, khi nhu cầu tuyển dụng các kỹ sư CNTT rất lớn thì nguồn cung nhân lực không thể đáp ứng đủ, cả về số lượng và chất lượng. Thị trường thiếu lao động, đặc biệt thiếu cả những lao động giỏi về chuyên môn và giỏi ngoại ngữ. Trong một thông tin mà Navigos Search mới cung cấp gần đây, do quá cần kỹ sư CNTT giỏi ngoại ngữ mà nhiều doanh nghiệp nước ngoài phải thay đổi cả quy trình tuyển dụng, khi ưu tiên tuyển kỹ sư giỏi tiếng Anh trước rồi mới đến tuyển về chuyên môn.
Bên cạnh đó, khi Việt Nam chính thức gia nhập Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC), hiện tượng “chảy máu chất xám” bắt đầu có xu hướng trở nên mạnh mẽ hơn, đặc biệt đối với nguồn nhân sự cấp trung và cấp cao. Ngày càng có nhiều nhân sự giỏi trong một số ngành như CNTT, kế toán/kiểm toán có những cơ hội dịch chuyển việc làm tốt tại các nước trong khu vực, nhất là Singapore.
Tại Hội thảo “Tương lai việc làm và tác động đối với thị trường lao động” trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Đối thoại Chính sách cao cấp APEC 2017 về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, vừa diễn ra tại Hà Nội, bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành của Navigos Search, đã đưa ra một số đề xuất với Chính phủ nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Trong đó, đáng chú ý là đề xuất về các quy định để hỗ trợ doanh nghiệp trong chính sách đào tạo nhân viên, xây dựng các hướng dẫn về định hướng và khuyến khích chuyển dịch lao động trong cộng đồng Kinh tế ASEAN, cùng các đề xuất khác liên quan đến định hướng giáo dục và tư vấn tuyển dụng cho các doanh nghiệp.
Mặc dù có nhiều tiềm năng, nhưng lao động nữ trong lĩnh vực CNTT vẫn chưa có được vị trí tương xứng |
Lĩnh vực công nghệ thông tin tạo nhiều cơ hội việc làm cho lao động nữ. Tuy nhiên, do những hạn chế của nội dung và phương thức đào tạo, cũng như những hạn chế nội tại của lực lượng lao động, nên thời gian qua, tỷ lệ lao động nữ được tuyển dụng trong lĩnh vực này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, số nhân sự trung – cao cấp là phụ nữ hiện chỉ chiếm tỷ lệ dưới 20%. Thực trạng đó cần phải sớm thay đổi bằng nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó cần quán triệt sâu sắc các nguyên tắc về bình đẳng giới trong đào tạo và tuyển dụng.