pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lập hồ sơ di sản Mo Mường và Lễ hội Vía Bà chúa Xứ Núi Sam trình UNESCO
Mo Mường là tên gọi một loại nghề nghiệp, một loại hình di sản văn hóa có tính nguyên hợp bao gồm hoạt động tín ngưỡng dân gian; diễn xướng văn hóa - văn nghệ dân gian đặc biệt. Mo Mường bao gồm 3 lĩnh vực chính cấu thành: Lời mo và diễn xướng, môi trường diễn xướng và con người thực hành diễn xướng mo (tức là nghệ nhân mo). Di sản này được thực hành trong tang lễ và một số nghi lễ tín ngưỡng, nghi lễ vòng đời của người Mường ở tỉnh Hòa Bình.
Mo Mường là sự kết tinh những kinh nghiệm trong lao động sản xuất, ứng xử văn hóa, triết lý nhân sinh, thể hiện thiết tha tình yêu cuộc sống, yêu con người, yêu quê hương xứ sở, thể hiện khí phách, cốt cách của con người và vùng đất miền núi bản Mường ở Hòa Bình.
Trải qua nhiều thế kỷ, đến nay, Mo Mường vẫn có sức sống bền bỉ với dân tộc Mường. Giới nghiên cứu cũng khẳng định, Mo Mường đã góp phần hình thành, nuôi dưỡng cốt cách, tâm hồn của bao thế hệ nhân dân giàu truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc Mường và vùng đất Hòa Bình.
Lễ hội Vía Bà chúa Xứ Núi Sam diễn ra từ ngày 22 đến 27/4 âm lịch hàng năm. Lễ hội được công nhận là Lễ hội cấp Quốc gia từ năm 2001. Phần lễ được thực hiện theo nghi thức truyền thống, gồm: Lễ phục hiện rước tượng bà từ đỉnh núi Sam xuống miếu thờ, lễ Tắm bà, lễ Thỉnh sắc thần ông Thoại Ngọc Hầu và 2 vị phu nhân, lễ Túc yết, lễ Xây chầu, lễ Chánh tế và lễ Hồi sắc. Phần hội gồm các chương trình sân khấu, tuần lễ văn hóa - thể thao, trò chơi dân gian, trình diễn văn nghệ dân tộc, múa lân sư rồng…