Chị Bùi Thu Hương (Chung cư Định Công, Thanh Trì, Hà Nội) mới kết hôn được hơn 2 năm nhưng cuộc sống gia đình “chẳng được mấy ngày vui”. Bởi chồng Hương là con một trong nhà. Bố mẹ thì vẫn còn sống theo nếp cũ, coi con trai như quý tử, báu vật. Từ khi còn bé cho đến tận bây giờ đã cưới vợ nhưng chồng Hương hầu như không phải chạm tay vào bất cứ một việc gì. Từ cái ăn, cái mặc, giấc ngủ và thậm chí đến tận khi 16 tuổi, anh vẫn còn được mẹ gội đầu cho.
Hồi mới yêu, Hương không hề biết rằng việc hai người hẹn hò ở đâu, mua quà tặng gì, cãi nhau thì xử lý thế nào, anh cũng đều nhờ mẹ bày cách. Về sau, biết anh là con trai một được cưng chiều, nhưng vẫn cảm thấy anh ga lăng, chiều chuộng mình thì Hương cũng có phần yên tâm.
Nhưng khi về ở chung nhà, Hương mới nhận ra “bản tính con người là khó thay đổi nhất”. Vợ đi đâu về muộn, chồng hậm hực dỗi mấy ngày. Vợ làm món ăn không được vừa miệng, chồng buông đũa giữa chừng, đứng lên. Đêm, chồng dứt khoát không chịu mắc màn dù vợ đã có lời nhờ tử tế. Nếu vợ không mắc, chồng sẽ giận rồi gọi mẹ vào làm giúp. Phòng ngủ của hai vợ chồng lúc nào cũng bừa bộn vì nếu vợ không dọn thì chồng không bao giờ động tay vào...
Thời gian đầu, Hương cũng thấy khó xử với gia đình nhà chồng mỗi khi hai vợ chồng giận nhau. Mẹ thì cứ ra sức dặn con dâu phải nín nhịn, phải cố gắng hiểu tính chồng, chiều chồng. Thế nên nhiều khi, dù rõ ràng chồng sai, chồng vô lý nhưng người làm lành trước vẫn phải là Hương.
Mới đây, cuối giờ làm, điện thoại của Hương rung lên. Em trai cô không may bị tai nạn giao thông rất nặng. Hương tức tốc phóng đến viện để lo các thủ tục cho em. Tận khi xong việc, cô nhận ra là đã khá khuya. Trở về nhà, vừa thấy Hương, mẹ chồng đã mắng té tát, cho biết là Quân đã giận và bỏ nhà đi đâu mất. Bà yêu cầu Hương phải đi tìm chồng về bằng được. Mệt mỏi, tức giận, Hương không còn kìm chế được. Cô nói với mẹ chồng: “Anh ấy lớn rồi, không phải trẻ con nữa, muốn dỗi thì cứ đi đi. Mà, tại sao thấy con về muộn, anh ấy không biết lo cho con? Tại sao anh ấy không thể nhấc máy lên một lần để hỏi han, quan tâm xem con đang ở đâu, đã có chuyện gì xấu?...”. Thế là xung đột giữa Hương và mẹ chồng lại diễn ra. Cô cho biết: “Không biết đến bao giờ thì anh ấy mới "thoát xác em chã" này”.
Anh Thanh Quỳnh (48 tuổi, ở Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội) không phải là con một nhưng cũng được gọi là quý tử. Trên Quỳnh có 2 chị gái. Bố anh là người quá gia trưởng nên chiều con cứ như vàng. Năm 17 tuổi, Quỳnh vẫn được bố mẹ bóc từng múi bưởi đưa sẵn cho. Năm 28 tuổi, Quỳnh cưới vợ. Ngay khi về làm dâu, nhận ra bản chất “quý tử” của chồng, Thuỳ Ly – vợ anh, nung nấu ý định “cải tạo” chồng.
Vợ đi mua bao gạo, bí mật gọi điện gọi chồng ra chở về. Thấy em trai đi ra, chị cả thính nhạy, bám lấy, tra hỏi đủ điều đến mức sự thật cũng phải lộ. Ngay lập tức, Thuỳ Ly bị chị quạt cho một trận: “Mợ keo kiệt thế! Bỏ tiền thuê xe người ta chở là xong. Cậu ấy đi làm cả tuần, có tí ngày nghỉ, để cậu ấy được nghỉ”…Vốn nhẫn nhịn, ngại gây xích mích nên Thuỳ Ly cũng dần học cách “chiều chuộng” Quỳnh giống như mọi người. Cô đã chọn cách vất vả nhưng được mọi người trong gia đình hài lòng, không điều tiếng gì.
Lần gần đây, đèn bàn học của cô con gái 10 tuổi bị cháy. Nó nằng nặc đòi phải thay ngay để học tiếp. Nhà không có ai. Quỳnh mải xem ti vi nên gọi xe ôm, nhờ chở con ra cửa hàng. Quỳnh dặn: “Con mang bóng này ra, mua giống hệt. Thuê luôn người ta vào lắp giúp”. Người chủ cửa hàng tưởng con bé ở nhà một mình nên thương hại, đi vào cùng. Đến cửa, người bán hàng thấy Quỳnh đang ngồi thảnh thơi ở ghế, liền quay xe ra. “Bố cháu đã về đấy, để bố lắp cho. Chú đang vội nhiều việc lắm”. Con bé nói: “Bố cháu không làm được đâu”. Người chủ cửa hàng rất ngạc nhiên, nhìn nhìn Quỳnh rồi hỏi: “Trông anh không bị liệt tay liệt chân, cũng không có dấu hiệu của người mắc bệnh tâm thần. Tại sao việc cỏn con này cũng không biết làm nhỉ?”.
Lần đầu tiên, người bố tóc đã muối tiêu này đờ người ra, bối rối đến mức không biết trả lời ra sao.
Lần đầu tiên, người bố tóc đã muối tiêu này đờ người ra, bối rối đến mức không biết trả lời ra sao.