Lê Minh Sơn viết về biển từ cú hích tâm hồn

06/08/2015 - 23:09
Không chỉ để “lăng xê” cô học trò cưng Hoàng Quyên, liveshow “Cửa thơm mùi nắng” diễn ra tại Hà Nội tháng 6/2014 còn là dịp để nhạc sĩ Lê Minh Sơn thể hiện tình yêu của mình với biển đảo quê hương…

Văn hóa ca sĩ thể hiện ở cách chọn bài hát

Album “Cửa thơm mùi nắng” vừa phát hành chưa lâu, anh đã tổ chức hẳn một liveshow cùng tên cho Hoàng Quyên. Điều gì đã khiến anh ưu ái cô gái trẻ này đến vậy?

Chính là giọng hát. Với tôi, Hoàng Quyên là giọng hát có nội lực nhất trong các ca sĩ trẻ hiện nay. Có nội lực thì sẽ đi được xa.

Sẽ đi xa được đến đâu, khi mà sau ngôi Á quân Vietnam Idol 2012, Hoàng Quyên vẫn chưa phải là cái tên “hot” với công chúng?

Không “hot” vì Quyên ít xuất hiện trên báo. Mà Quyên ít lên báo là do tôi. Tôi bảo Quyên: Em chỉ nên xuất hiện khi có điều gì mới trong âm nhạc, tránh lên báo chỉ để nói chuyện tôi yêu ai, tôi mặc gì, tôi đang buồn ra sao, tôi đang hắt hơi sổ mũi thế nào…

Có vẻ như anh “định hướng” cho Hoàng Quyên rất kỹ?

Tôi chưa bao giờ định hướng cho ai, cả Quyên cũng thế. Tôi chỉ nhắc Quyên xuất hiện đúng lúc, đúng chỗ và biết mình là ai. Tôi nói với Quyên: Văn hóa của em thể hiện ở cách em chọn bài hát chứ không phải ở tần suất xuất hiện.

Vậy lần xuất hiện sắp tới trong liveshow “Cửa thơm mùi nắng” của Hoàng Quyên là nằm trong chủ đích của anh: Đưa cô ấy đến với "sân khấu lớn"?

Với tôi, Hoàng Quyên chưa bao giờ đứng ở "sân khấu bé". Từ lần đầu tiên nghe Quyên hát trong cuộc thi các ban nhạc thiếu nhi Hà Nội, tôi đã thấy một cái “lõi” đặc biệt ở cô bé này. Năm đó Quyên 16 tuổi, còn tôi là giám khảo của cuộc thi. Nghe Quyên hát, tôi bảo với các vị giám khảo còn lại rằng phải trao một giải gì đó cho cô bé này, giải “Ca sĩ thể hiện hay nhất” chẳng hạn. Nhưng mọi người phản đối, bảo như thế dễ khiến em ấy tự kiêu. Tôi mặc kệ, cứ bỏ phong bì, nếu tôi nhớ không nhầm là 1 triệu đồng, lên sân khấu trao. Tôi khẳng định, Hoàng Quyên có đủ nội năng, nội lực trở thành người kế thừa xứng đáng của đàn chị Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Trần Thu Hà.

Anh nhắc đến “người cũ” Thanh Lam, lại khiến tôi quan tâm đến mối quan hệ - dĩ nhiên là trong âm nhạc - của anh với giọng ca này.

Tôi rất muốn kết hợp với Thanh Lam để cùng tạo ra một sản phẩm "âm nhạc ra trò" đúng nghĩa. Tôi luôn thấy mình nặng nợ với giọng hát ấy. Thanh Lam là "một người đàn bà có giọng hát đầy ám ảnh" và "một tâm hồn baby mãi". Tôi vẫn nói đùa rằng, tâm hồn ấy mãi chưa dậy thì. Tôi trân trọng giọng hát của Lam. Có lẽ năm sau tôi sẽ kết hợp cùng Lam làm một chương trình “nên hồn”, hết mình - như thuở “Nắng lên” chứ không phải… nắng ngang như bây giờ.

Giữa Trường Sa chỉ nghĩ về Tổ quốc

Vậy còn một “người cũ” khác, Tùng Dương, thì sao nhỉ?

Bất cứ khi nào tôi mời, Tùng Dương đều có mặt - trừ khi cậu ấy đang lưu diễn nước ngoài. Trong liveshow Cỏ thơm mùi nắng, Dương cũng tham gia với tư cách là khách mời. Dương sẽ cùng dàn hợp xướng thể hiện sáng tác lần đầu công bố của tôi, ca khúc Biển của ta.

Ồ, một ca khúc về biển đảo?

Không phải tôi “theo phong trào” đâu nhé! Tôi có dịp ra Trường Sa cách đây 5 năm và chuyến đi đó để lại cho tôi quá nhiều cảm xúc. Những cảm xúc ấy không một ngôn từ, một giai điệu nào có thể lột tả hết được. Nó rất kỳ lạ. Đó là cảm giác thấy mình quá bé nhỏ trước biển trời, là nỗi xúc động lớn lao trước một nơi mà người ta chỉ nghĩ về Tổ quốc…

Nhưng tại sao phải mất tới 4 năm anh mới bật lên “Biển của ta”?

Cũng vì quá nhiều cảm xúc, thành ra mình rất khó diễn tả. Viết một ca khúc về Trường Sa là điều không khó với bất kỳ người làm nhạc chuyên nghiệp nào. Cái khó là làm sao để tránh sa vào “nhạc cổ động” để đến với người nghe… Vì thời cuộc, cảm xúc của 4 năm trước lại trở về rất mạnh, như một cú hích thực sự cho tâm hồn tôi, khiến tôi không thể kìm nén, vỡ òa ra…

Anh kỳ vọng “Biển của ta” sẽ được đón nhận như “Nơi đảo xa”, “Gần lắm Trường Sa”…?

Tôi không kỳ vọng bất cứ điều gì. Tôi viết xong bài hát là xong nhiệm vụ của tâm hồn trước vấn đề của đất nước. Tôi viết ra chỉ để thỏa mãn cảm xúc, không quan tâm đến việc so sánh các bài hát khác.

Anh không để ý việc so sánh, nhưng người nghe vẫn tò mò muốn biết: Tác giả của “Ôi quê tôi” sẽ viết về biển như thế nào, có gì khác biệt?

Một ca khúc vạm vỡ - đó là điều tôi có thể nói về Biển của ta. Biển với tôi luôn gắn với sự mạnh mẽ và mênh mang. Tôi không thích sự yếu đuối. Biển của tôi không dịu dàng, êm ả mà bắt đầu dữ dội như thế này: Nhớ ngày xưa cha ông ta thuyền nan/buồm nâu lướt sóng/rút kiếm chém cá kình biển Đông/đặt mốc lãnh thổ Hoàng Sa, Trường Sa/nơi đây những ánh mắt nhìn nhau rạo rực Tổ quốc/nơi ấy Hoàng Sa, Trường Sa…

Đừng nói là biển của Lê Minh Sơn không có nỗi buồn…

Nhưng đó là nỗi buồn mạnh mẽ! Tôi rất thích hình ảnh người khổng lồ trong chuyện cổ tích. Người khổng lồ sinh ra để bảo vệ những kẻ yếu đuối, bé nhỏ và khi buồn, ông ta chỉ lặng lẽ ngồi như một trái núi, thở dài… Hình ảnh đó mang đến cảm xúc rất đẹp. Nó trái ngược hẳn với những gì mà “người khổng lồ” Trung Quốc đang làm. Đã là người khổng lồ thì phải biết nâng đỡ người khác trên đôi vai của mình chứ không phải gào thét ầm ĩ và chơi trò tiểu nhân. Tôi thấy đau buồn cho một đất nước có nền văn hóa lớn với bao nhân vật kiệt xuất, bao triết lý nhân sinh sâu sắc mà lại có hành xử chẳng khác gì "trẻ con chơi bắn súng nước".

Vậy sau “Biển của ta” sẽ là…?

Tôi sẽ viết về bão. Quê tôi ở biển, ngày nhỏ tôi thường chạy ra biển xem bão, đón bão. Những cơn sóng cao, dội thẳng vào mặt vẫn như đang hiển hiện trước mắt tôi, dữ dội và ám ảnh…

Xin cảm ơn anh!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm