Lênh đênh người Việt Biển Hồ

04/01/2016 - 11:10
80% người Việt sống ở Biển Hồ (Campuchia) là người nghèo, không giấy tờ tùy thân, không chế độ an sinh. Đa số họ làm nghề đánh cá hoặc làm thuê...

 

 Những phụ nữ và trẻ em sống lênh đênh trên Biển Hồ


Dòng đời phiêu bạt

Bà Nguyễn Thị Phấn (65 tuổi), quê ở Mộc Hóa (Long An) cho biết, từ nhỏ bà đã sang Campuchia sinh sống. Bản thân bà và gia đình cũng mong trở về đất mẹ, để thoát khỏi phận đời phiêu bạt trôi theo con nước như thế này. Bà và gia đình đã dành dụm được một chút vốn liếng để về quê. Nhưng trong một lần bất cẩn, ngôi nhà lá mới xây của gia đình bà bị thiêu rụi, tiền bạc dành dụm bao năm bỗng biến thành tro tàn. Buồn bã và tuyệt vọng, cả nhà bà lại tiếp tục lên ghe đi tiếp…

Còn bà Nguyễn Thị Lệ (51 tuổi) cho biết gia đình bà sang Campuchia đã ba đời. Phụ nữ như bà thì ở nhà chăm sóc con cái hoặc đi làm thuê cuốc mướn đắp đổi qua ngày. Bao đời nay vẫn thế, mọi người xung quanh cũng không khác gì hơn, bà không còn thấy cực khổ nữa.

Tuy nhiên, con cái của bà bắt đầu cảm thấy bức bách và nói chán cuộc sống sông nước cơ cực như thế này. Nhắc đến, giọng bà chùng xuống với đôi mắt ngấn lệ: “Con trai tôi đang làm nghề đánh cá thì bỗng nhiên biệt tăm 6 tháng nay, không một lời nhắn gửi, không gọi điện về. Tôi cứ khoắc khoải không yên vì không biết con mình trốn lên đất liền hay bị người ta bắt cóc. Tôi muốn tìm con nhưng không biết phải làm sao và nhờ ai giúp đỡ?”.

 Một gia đình sinh sống trên thuyền nhỏ

Mới 44 tuổi nhưng chị Trần Thị Ni trông như ngoài 50 vì phải tất bật cho cho 8 đứa con. Hàng ngày chồng chị đi đánh cá kiếm được khoảng 20-30 ngàn Riel (khoảng 100-150 nghìn đồng). Bấy nhiêu đó cũng chỉ đủ cho chị xoay sở nuôi 10 miệng ăn qua ngày. Tuy nhiên, cuộc sống ngày càng khó khăn, cá trên Biển Hồ ngày càng ít đi mà Chính phủ Campuchia lại có lệnh cấm đánh bắt cá vào khoảng tháng 8, tháng 9 thì chuyện đủ cơm ăn áo mặc đã là may. Chị nói mình không dám mơ ước đến chuyện cho con đi học.

 Chúng nó học ở trường của người Việt lúc nào hay lúc ấy. Ngay cả chuyện con cái ốm đau, hay khi đứa con út của bị điện giật, chị cũng chỉ biết chạy đến cửa hàng mua thuốc cho con hoặc nhờ hàng xóm giúp đỡ, bày cách chữa bệnh bằng thuốc nam. Chính vì vậy, chị vẫn thường hay trông đợi những đoàn công tác xã hội từ Việt Nam sang, đó là cơ hội để chị có thể dẫn con của mình đến gặp bác sĩ.

Mỗi người phụ nữ trên Biển Hồ đều có một câu chuyện riêng, nhưng không ai kể chuyện học hành của con cái hay nói về kế hoạch lên bờ. Ông Nguyễn Mạnh Cường - Tham tán phụ trách cộng đồng Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia - cho biết: “Phần lớn kiều bào ở Campuchia, nhất là khu vực Biển Hồ không chỉ gặp khó khăn về kinh tế mà còn không có địa vị pháp lý ở nước sở tại. Cha mẹ không có hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân thì con cái ra đời cũng không có giấy khai sinh, cơ hội học tập không có, ước mong cải thiện đời sống vẫn còn xa vời… 

 

Giấc mơ an cư lạc nghiệp

Khó khăn lại chồng chất khi cuối tháng 10 vừa qua, chính quyền tỉnh Kompong Chhnang đã di dời hơn 1.400 hộ gia đình (trong đó có hơn 900 hộ là người Việt) sống tại làng nổi trên Biển Hồ, đến địa điểm mới cách đó 5 km thuộc ấp Kandal và Chong Koh, phường Phsar Chhnang, thành phố Kompong Chhnang.

Đây là một phần trong kế hoạch 5 năm (2015 - 2019) để làm đẹp bờ sông, cải thiện môi trường và thúc đẩy ngành du lịch phát triển. Việc thay đổi nơi ở mới một cách đột ngột khiến không ít kiều bào và người dân Campuchia rơi vào cảnh khốn đốn như công việc bị gián đoạn, thiếu điện, nước sạch sinh hoạt… Theo ông Châu Văn Chi - Tổng hội người Campuchia gốc Việt - thì đây là địa điểm thứ ba có đông kiều bào sinh sống phải di dời theo yêu cầu của chính quyền nước sở tại.

 Cuộc sống ngày càng khó khăn với người Việt ở Biển Hồ

Trong chuyến công tác xã hội tại Biển Hồ vào tháng 12/2015; Thạc sĩ - bác sĩ Trần Thiện Ngọc Thảo, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - cho biết: “Nhiều em đang ở độ tuổi thanh thiếu nhiên đến khám bệnh, các em nói rằng mình đau lưng nhức đầu, nhiều em còn rất trẻ vậy mà khuôn mặt đã hằn lên nỗi mệt mỏi, trầm uất. Khi tôi hỏi, các em có ước mơ gì thì các em nói rằng muốn được lên bờ. Với những trường hợp như thế này, không khó khăn gì để thấy nguyên nhân gây bệnh cho các em chính là do làm việc quá sức hoặc do tâm lý chán chường, tuyệt vọng khi cảm thấy bế tắc với cuộc sống hiện tại”.

Nói về phương hướng hỗ trợ kiều bào trong thời gian sắp tới, ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết: “Sắp tới, Đại sứ quán sẽ có kế hoạch vận động các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp bào hỗ trợ chi phí cho kiều bào Campuchia khu vực Biển Hồ đăng ký ngoại kiều, tiến tới việc nhập quốc tịch cũng như xây dựng những khu tái định cư với giá rẻ cho kiều bào trả góp để họ có nơi “an cư lạc nghiệp”, thay vì sống lênh đênh trên sông nước”.









Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm