Lí do ít ngờ khiến hơn 12.000 trẻ mắc lao mỗi năm

22/03/2019 - 16:05
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hằng - Phó trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Phổi TƯ, hằng năm nước ta có hơn 12.000 trẻ mắc lao. Trẻ em dễ mắc lao hơn người lớn vì thế các bậc phụ huynh cần tích cực phòng bệnh cho trẻ.
Nhiều người sẽ thắc mắc tại sao trẻ sinh ra được tiêm vaccine phòng bệnh mà số mắc lao vẫn lớn như vậy.
 
trieu-chung-viem-phe-quan-cua-tre.png
Ảnh minh họa

 

Nguyên nhân số trẻ mắc lao lớn
 
Hiện tại, số trẻ mắc lao ở nước ta ước tính khoảng 12.000 trẻ. Việt Nam hiện đang là nước có gánh nặng bệnh lao cao, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam đứng thứ 16 trong số 30 nước có nhiều người mắc bệnh lao nhất.
 
Bác sĩ Nguyễn Thị Hằng cho hay, dịch tễ trẻ em về bệnh lao sẽ phụ thuộc vào dịch tễ lao của người lớn vì những người mắc lao phổi lây trực tiếp bệnh cho trẻ em. Bên cạnh đó thì nước ta cũng có số trẻ suy dinh dưỡng còn khá cao, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ bệnh lao ở trẻ em cao theo.
 
Tại khoa Nhi - Bệnh viện Phổi TƯ, ngoài những trẻ chưa được tiêm phòng thì vẫn có những trường hợp dù đã được tiêm vaccine phòng lao xong vẫn bị mắc bệnh. Điều đó chứng tỏ, bệnh lao vẫn luôn là mối nguy hiểm tiềm ẩn đe dọa sức khỏe cộng đồng, nhất là trẻ em.
 
Biểu hiện của trẻ mắc bệnh lao
 
Trẻ mắc bệnh lao thường có những biểu hiện không đặc biệt, tuy nhiên, có một số biểu hiện mà cha mẹ cần lưu ý khi trẻ có những dấu hiệu này thì nên cho trẻ khám sàng lọc tư vấn về bệnh lao như: Mệt mỏi, kém ăn, gầy sút cân, không tăng cân, ra mồ hôi ban đêm, sốt nhẹ về chiều, ho kéo dài… các triệu chứng này thường có biểu hiện kéo dài hơn 2 tuần.
 
Sau khi đã điều trị theo đơn thuốc của bác sĩ chuyên khoa nhưng được 1 vài ngày hay 1 vài tuần lại xuất hiện đợt khác thì cha mẹ cũng nên cho trẻ đi khám sớm.
 
Bên cạnh đó còn tùy theo các cơ quan của trẻ bị lao mà trẻ có các triệu chứng khác ví dụ như hạch thì bị to lên nhưng không đau, giai đoạn muộn có thể bị tấy đỏ. Nếu trẻ bị lao xương khớp thì sẽ hạn chế vận động ở các khớp xương kéo dài, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám sớm để được tư vấn và sàng lọc bệnh lao.
 
Lao sơ nhiễm là một thể lao cũng khá phổ biến ở trẻ em với các triệu chứng khó để có thể định hướng ngay từ đầu. Tuy nhiên các gia đình có con có triệu chứng ho, cảm cúm kéo dài trên 2 tuần đã được điều trị nhưng không giải quyết được triệu chứng; những trường hợp trong gia đình có người mắc lao thì nên đến các cơ sở chuyên khoa lao để khám sàng lọc và chuẩn đoán sớm bệnh.
 
Biến chứng và nguy cơ đối với trẻ nếu không được phát hiện sớm
 
Bệnh lao nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì sẽ khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên trong một số trường hợp trẻ được phát hiện và điều trị muộn thì sẽ gặp một số các thể lao nặng như lao màng não, lao xương khớp.
 
Với những trường hợp này khi phát hiện muộn, bệnh có thể để lại các di chứng như lao màng não thì trẻ có thể bị động kinh, sau này có thể bị yếu các vận động, một số trường hợp trẻ có thể bị giãn não thất và phải can thiệp để dẫn lưu não thất.
 
Trong trường hợp lao cột sống thì giai đoạn muộn bệnh nhân có thể để lại những di chứng lệch vẹo cột sống sau này. Hoặc lao khớp có thể làm cứng khớp gây ra các hạn chế vận động.
 
Điều trị lao cho trẻ em
 
Điều trị lao cho trẻ em có một phác đồ điều trị riêng, kéo dài từ 6 đến 12 tháng tùy theo thể lao mà trẻ bị bệnh. Các loại thuốc lao cho trẻ em giống người lớn, tuy nhiên trẻ em sẽ được dùng với liều lượng phụ thuộc vào cân nặng của trẻ.
 
Việc dùng thuốc lao có thể gây một số vấn đề nhỏ đối với trẻ như sốt, nổi mẩn ngứa, tăng men gan, tuy nhiên tỉ lệ này không nhiều. Đa số trường hợp này đều được các bác sĩ chuyên khoa lao hướng dẫn, tư vấn giải quyết thì bệnh nhân sẽ ổn hoàn toàn.
 
 
Tránh tái phát bệnh
 
Bệnh lao là bệnh không sinh miễn dịch suốt đời, có nghĩa là trẻ vẫn có nguy cơ mắc lại lao nên sau khi trẻ điều trị, ngoài việc chú ý chế độ dinh dưỡng cho trẻ và có các bệnh lý khác thì cần điều trị kịp thời.
 
Bên cạnh đó, cần lưu ý phát hiện nguồn lây, khi gia đình còn có nguồn lây thì trẻ còn nguy cơ mắc bệnh. Gia đình nên có thói quen đi khám sức khỏe định kỳ vì đây là điều rất tốt cho trẻ.
 
Trong trường hợp trẻ sống cùng nhà với người bệnh mắc lao phổi thì các gia đình chủ động cho trẻ đi khám chuyên khoa lao để được tư vấn và khám sàng lọc trước khi trẻ có các dấu hiệu bị bệnh.
 
Hiện Chương trình Chống lao Quốc gia cũng đang triển khai điều trị dự phòng cho trẻ có tiếp xúc với nguồn lây mà chưa có biểu hiện lâm sàng. Với những trẻ dưới 5 tuổi và những trẻ nhiễm HIV thì sẽ được điều trị dự phòng với phác đồ điều trị là dùng isoniazid trong vòng 6 tháng liên tục. Việc điều trị dự phòng này sẽ giảm nguy cơ trẻ từ nhiễm lao chuyển thành bệnh lao.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm