Lịch sử ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 bắt nguồn từ phong trào nữ công nhân nước Mỹ. Cuối thế kỷ 19, chủ nghĩa tư bản ở Mỹ đã phát triển một cách mạnh mẽ. Nền kỹ nghệ đã thu hút nhiều phụ nữ và trẻ em vào các nhà máy, xí nghiệp. Tuy vậy, bọn tư bản chủ nghĩa đã bóc lột phụ nữ và trẻ em bằng cách trả lương rất rẻ mạt, giờ giấc làm việc không hạn định cốt sao thu được nhiều sản phẩm cho chúng.
Căm phẫn trước sự bất công đó, ngày 8/3/1857, nữ công nhân nước Mỹ đã đứng lên đấu tranh chống lại những điều kiện làm việc khó khăn và tồi tàn. Phong trào bắt đầu từ nữ công nhân ngành dệt và ngành may tại hai thành phố Chicago và New York đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm. Mặc dù bị bọn tư bản thẳng tay đàn áp, chị em vẫn đoàn kết chặt chẽ, bền bỉ đấu tranh buộc chúng phải nhượng bộ.
Hai năm sau, cũng trong tháng 3, các nữ công nhân Mỹ trong hãng dệt thành lập Công đoàn đầu tiên đã được bảo vệ và giành được một số quyền lợi.
Ngày 8/3/1899, nữ công nhân ngành dệt và ngành may ở Chicago đã tiến hành bãi công đòi tăng lương, giảm giờ làm. Mặc dầu bị bọn cầm quyền khủng bố dữ dội, chị em công nhân Chicago được công nhân toàn quốc ủng hộ vẫn không chịu lùi bước. Họ buộc chủ phải chấp nhận yêu sách của họ nhằm cải thiện điều kiện lao động và sinh hoạt.
Cuộc biểu tình lịch sử ngày 8/3/1899 |
Chính cuộc đấu tranh ấy đã cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào của phụ nữ lao động trên toàn thế giới, đặc biệt là phụ nữ ở Đức - một nước đã đạt đến trình độ kỹ nghệ tiên tiến lúc bấy giờ. Từ phong trào này đã xuất hiện hai nữ chiến sỹ lỗi lạc là bà Clara Zetkin (Đức) và bà Lora Lucxambua (Ba Lan).
Nhận thức được sự mạnh mẽ và đông đảo của lực lượng lao động nữ cũng như sự cần thiết phải có tổ chức, có sự lãnh đạo để giành thắng lợi cho phong trào phụ nữ, năm 1907, hai bà đã phối hợp với bà Crupxcaia (vợ V.Lenin) vận động thành lập Ban Thư kí phụ nữ quốc tế. Bà Clara Zetkin được bầu làm Bí thư.
Ngày 8/3/1908, 15.000 phụ nữ diễu hành trên các đường phố New York (Mỹ) để đòi được giảm giờ làm việc, lương cao hơn và hủy bỏ việc bắt trẻ em làm việc. Khẩu hiệu của họ là "Bánh mì và Hoa hồng" (Bread and Roses). Bánh mì tượng trưng cho bảo đảm về kinh tế gia đình còn hoa hồng tượng trưng cho đời sống tốt đẹp hơn.
Trước sự lớn mạnh về số lượng và chất lượng của phong trào phụ nữ trên thế giới, năm 1910, Đại hội phụ nữ thế giới lần thứ 2 được triệu tập ở Copenhagen (Thủ đô Ðan Mạch), 100 nữ đại biểu của 17 nước về dự, đã quyết định lấy ngày 8/3 làm ngày Quốc tế Phụ nữ để nhớ ơn những phụ nữ đã không ngừng đấu tranh trên toàn thế giới, cũng là ngày đoàn kết đấu tranh tranh đòi quyền lợi của phụ nữ và trẻ em với những khẩu hiệu:
- Ngày làm 8 giờ.
- Công việc ngang nhau, tiền lương ngang nhau.
- Bảo vệ bà mẹ và trẻ em.
Từ đó ngày 8/3 trở thành ngày đấu tranh chung của phụ nữ lao động trên toàn thế giới, là biểu dương ý chí đấu tranh của phụ nữ khắp nơi trên thế giới đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội; vì quyền lợi hạnh phúc của phụ nữ và nhi đồng.
Bà Clara Zetkin và Lora Lucxambua - những người tiên phong đấu tranh vì quyền lợi phụ nữ. |
Năm 1911, Ngày Quốc tế Phụ nữ được tổ chức tại các nước Áo, Đan Mạch, Đức và Thụy Sĩ với hơn một triệu phụ nữ và nam giới tham gia vào các cuộc biểu tình. Bên cạnh việc đòi quyền bỏ phiếu và nắm giữ các chức vụ công quyền, những người biểu tình còn đòi quyền làm việc cho phụ nữ, quyền được đào tạo, xóa bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ và bình đẳng giới trong lao động.
Những năm sau, nhiều cuộc đấu tranh của phụ nữ trên thế giới đã nổ ra vào tháng 3 lịch sử.
Ngày 25/3/1911, 145 nữ công nhân của hãng Triangle Shirtwaist Company tại Thành phố New York đã chết trong một vụ cháy xưởng dệt. Họ không thể thoát ra ngoài do cửa đã bị khóa chặt để công nhân không được ra ngoài trước khi hết giờ làm việc (Điều này đã thúc đẩy việc sửa đổi luật lệ lao động). Có khoảng 80.000 người đã diễu hành qua các đường phố đưa tang những nữ công nhân thiệt mạng này.
Năm 1912, 14.000 công nhân hãng dệt tại Lawrence, Massachusetts đình công và hét lớn "Better to starve fighting than starve working" (Chết đói vì chiến đấu hơn là chết đói vì làm việc). Sau sự việc này, nữ công nhân được nghỉ việc 3 tháng. Sự can đảm của họ đã truyền cảm hứng cho nhà thơ Mỹ James Oppenheim (1882-1932) viết bài thơ Bread and Roses, thường được hát trong ngày Quốc tế Phụ nữ.
Ngày 8/3/1914, phụ nữ Đức đấu tranh đòi quyền bầu cử nhưng đến ngày 12/10/1918 mới được chấp thuận.
Ngày 23/2/1917 theo lịch Nga, nhằm ngày 8/3 dương lịch, các nữ công nhân Nga đã ra đường biểu tình đình công, đòi bánh mì và đòi trả chồng con họ trở về từ chiến trận. Cuộc đình công này đã khiến Sa hoàng Nicolas II phải thoái vị. Sự kiện đó sau này được đánh giá là một trong những tác nhân châm ngòi cho Cách mạng Tháng Mười Nga.
Ngày 21/ 4/1944, Quốc hội Pháp chấp nhận quyền bầu cử cho phụ nữ Pháp. Phụ nữ Pháp đã đi bầu Hội đồng thành phố lần đầu tiên vào ngày 20/4/1945. Trong lúc đó đàn ông Pháp đã được đi bầu cử từ năm 1848, tức là từ một thế kỷ trước.
Năm 1971, Thụy Sĩ chấp nhận quyền bầu cử cho phụ nữ.
Năm 1975, Liên Hiệp Quốc đã lấy ngày 8/3 hằng năm làm “Ngày Quốc tế Phụ nữ”. Hai năm sau, vào năm 1977, Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết các nước thành viên kỷ niệm ngày 8/3 là ngày vì quyền bình đẳng, sự tiến bộ của phụ nữ và hòa bình cho thế giới.