Lịch sử thăng trầm của dân tộc chưa khi nào vắng bóng thi ca

Vũ Nga
06/02/2023 - 12:26
Lịch sử thăng trầm của dân tộc chưa khi nào vắng bóng thi ca

Toạ đàm "Dòng thơ giữa phố".

Theo nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, những câu thơ trên yên ngựa, gìn giữ bờ cõi, khai hoang lập ấp… đã hun đúc ý chí Việt Nam qua những thế kỷ gập ghềnh chông gai.

Được tổ chức trở lại từ sau 3 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Ngày thơ Việt Nam được công chúng yêu thơ tại TPHCM đón nhận nồng nhiệt tại sân thơ của trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP. HCM trong hai ngày là 04 và 05 - 02 (tức ngày 14 và 15 tháng Giêng năm Quý Mão). Tại đây người yêu thơ được tham gia nhiều hoạt động sôi nổi và lí thú của hội thơ.

Khẳng định vai trò của thơ ca với những bước thăng trầm của lịch sử dân tộc, tại lễ khai mạc vào sáng 05/02, nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM phát biểu: "Lịch sử thăng trầm của người Việt Nam chưa bao giờ vắng bóng thi ca. Những câu thơ trên yên ngựa, những câu thơ trên chiến hào, những câu thơ xua đuổi ngoại xâm, những câu thơ giữ gìn bờ cõi, những câu thơ đánh dấu biên cương, những câu thơ khai hoang lập ấp... đã hun đúc ý chí Việt Nam qua những thế kỷ gập ghềnh chông gai và thử thách nghiệt ngã".

Lịch sử thăng trầm của dân tộc chưa khi nào vắng bóng thi ca - Ảnh 1.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, phát biểu

Đồng quan điểm đồng cảm với nhà văn Bích Ngân về: "Thi ca, khởi điểm từ buồn vui của mỗi con người, nhưng thi ca không đứng ngoài sự được - mất của từng số phận và của cả cộng đồng", Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, xúc động khi ông đến hội thơ TP.HCM sau khi cuộc sống nơi đây vừa hồi sinh sau đại dịch Covid 19. "Trong thơ ca luôn trỗi dậy sức sống mãnh liệt của con người. Thi ca chính là vẻ đẹp trong những số phận, mảnh đời vươn lên từ mất mát, đau khổ. Chúng ta có thể thấy được sự hiện diện của thơ ca có trong từng gia đình, từng góc phố", Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam nói.

Lịch sử thăng trầm của dân tộc chưa khi nào vắng bóng thi ca - Ảnh 2.

Các tác giả được trao giải

Từ chủ đề "Khát vọng phương Nam", ngày thơ năm nay đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa như: Tọa đàm Dòng thơ giữa phố, trưng bày các tuyển tập thơ tại các gian thơ, trình diễn thơ tại sân khấu chính... Cũng trong dịp này, độc giả yêu thơ được giao lưu cùng những nhà thơ nổi tiếng, được nghe chính tác giả cất lên giọng đọc thơ của mình hoặc cùng họ đọc, bình luận những thi phẩm yêu thích, thể hiện khát vọng sáng tạo, hòa nhập và nâng tầm cho thơ ca với những giá trị mới.

Bạn Lê Khắc Thoại sinh viên ĐH sư phạm TP.HCM bày tỏ niềm vui khi đến với hội thơ: "Đến với hội thơ có một cảm xúc lâng lâng xúc động trong lòng thấy đây thực sự là một ngày thơ đúng nghĩa một ngày hội dành cho giới trẻ yêu thơ tại TP. Hồ Chí Minh. Tại các gian thơ có rất nhiều màu sắc, phong cách sáng tạo của các tác giả nhưng hòa chung trong đó là tình yêu quê hương đất nước, ước mơ chiến thắng được hoàn cảnh và thẳm sâu bên trong còn là một sự gắn nối giữa các thế hệ thơ, tâm hồn thơ ở các bậc tiền nhân đi trước và người làm thơ, yêu thơ hôm nay"

Lịch sử thăng trầm của dân tộc chưa khi nào vắng bóng thi ca - Ảnh 3.

Ngày thơ Việt Nam tại TPHCM thu hút đông đảo những người yêu thơ.

 

Về sức hút đặc biệt của thơ, ý nghĩa của việc tạo ra một không gian thơ cho mọi người, Phương Thanh, phóng viên của zing.vn chia sẻ: Dù đây là lần đầu tiên đến với hội thơ nhưng Phương Thanh thấy rất bất ngờ và thích thú.

Em Nguyễn Từ Công Danh, học sinh lớp 8 tại TP.HCM có ba là tác giả thơ trong câu lạc bộ thơ Bạn hữu đường xa của Đài tiếng nói nhân dân TP.HCM tâm sự: "Em thấy rất vui khi được đến hội thơ cùng với ba, được gặp các nhà thơ nổi tiếng. Bình thường em đã rất thích thơ, hay được đọc thơ của ba hôm nay đến đây em còn được xem trình diễn thơ trong một không khí vui tươi, náo nhiệt. Em nghĩ sắp tới em cũng sẽ viết một bài thơ cho riêng mình và sẽ đọc cho mọi người nghe".

Cùng với niềm vui  về sự lan tỏa, sức sống của thơ về sự quy tụ của nhiều thế hệ phong cách sáng tạo thì vẫn còn đó niềm băn khoăn như làm sao để thơ trẻ lớn mạnh hơn, làm sao để người trẻ yêu thơ hơn, đến tham gia giao lưu nhiều hơn. Nhà thơ Trần Đức Tín chia sẻ: "Tôi nghĩ điều quan trọng nhất của Hội thơ là tôn vinh các tác phẩm và truyền cảm hứng yêu thơ, viết thơ cho mọi người. Tuy nhiên chúng ta cũng sẽ phải quan tâm đến làm sao để phát triển một đội ngũ các nhà thơ trẻ, khán giả và độc giả trẻ cho xứng tầm với giá trị của thơ những ưu tiên của thành phố dành cho thơ".


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm