Ngày 18/3, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres công bố báo cáo mới nhất về vấn nạn lạm dụng tình dục xảy ra trong hệ thống của mình, theo đó đã ghi nhận 259 vụ việc tình nghi trong năm 2018.
Tuy cao hơn số liệu của hai năm trước, nhưng báo cáo cũng cho thấy nhận thức của các cơ quan của Liên hợp quốc và liên quan vấn đề này đã được nâng cao.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, năm ngoái, Liên hợp quốc nhận được tổng cộng 148 khiếu nại về lạm dụng tình dục liên quan trực tiếp đến nhân viên của Liên hợp quốc và 111 trường hợp khác liên quan đến nhân viên của các tổ chức đối tác đang thực thi các chương trình của Liên hợp quốc.
Con số này tăng nhiều so với 138 vụ của năm 2017 và 165 vụ của năm 2016. Tuy nhiên, không phải tất cả những vụ tình nghi đều đã được chứng minh và nhiều vụ vẫn đang trong quá trình điều tra hoặc mới đang ở giai đoạn đánh giá ban đầu.
Trong các lực lượng gìn giữ hòa bình, đã có nhiều dấu hiệu tích cực, với số vụ khiếu kiện lạm dụng tình dục giảm gần một nửa sau 2 năm: năm 2018 chỉ còn 54 vụ trong khi năm 2016 có 103 vụ.
Hầu hết các vụ việc đều xảy ra ở các nước châu Phi như Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo, Mali, và Nam Sudan.
Trong khi tình hình đã được cải thiện ở các lực lượng gìn giữ hòa bình, số vụ xảy ra ở các cơ quan đối tác của Liên hợp quốc lại tăng tới 109 vụ trong năm 2018, gấp 4 lần so với năm 2017 khi chỉ có 25 vụ được ghi nhận.
Những con số nêu trên cho thấy cách giải quyết vấn đề coi người bị hại là trung tâm của Liên hợp quốc đã có những hiệu quả nhất định, khiến những nạn nhân và những người thoát khỏi bị lạm dụng có can đảm tố cáo vụ việc.
Theo chiến lược của Tổng Thư ký Guterres đối với vấn nạn này, trong giai đoạn đầu, Liên hợp quốc sẽ tập trung giải quyết trong nội bộ hệ thống Liên hợp quốc và ở các cơ quan đối tác được Liên hợp quốc ủy quyền thông qua hàng loạt các biện pháp như: yêu cầu báo cáo minh bạch và công khai tình hình theo quý; thiết lập hệ thống dữ liệu cho phép tìm kiếm thông tin về hỗ trợ nạn nhân để đảm bảo nạn nhân được trợ giúp một cách đầy đủ và có hệ thống; và bổ nhiệm người đứng đầu vấn đề vì quyền lợi của các nạn nhân và nhiều biện pháp khác.
Tuy nhiên, do Liên hợp quốc không có quyền khởi tố các cá nhân liên quan các vụ việc này nên tất cả còn phụ thuộc vào việc các nước có những công dân đó sẽ xử lý vụ việc như thế nào.
Liên hợp quốc chỉ có thể đuổi việc nhân viên khi đủ bằng chứng nhân viên của mình là người lạm dụng và đề xuất với nước có công dân đó tiến hành xử lý theo pháp luật sở tại.