Đàn bò của một trong những thành viên Tổ liên kết |
Năm 2013, buôn Kdam, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk 50 phụ nữ nghèo, trong đó phụ nữ nghèo làm chủ hộ là 27 chị. Thu nhập chính của người dân nói chung và chị em phụ nữ trong buôn nói riêng chủ yếu dựa vào chăn nuôi bò thịt. Buôn Kdam là địa bàn cung cấp thịt bò chủ yếu cho người dân thành phố, đặc biệt là vào trong những dịp lễ, tết. Ngoài ra, phân bò cũng là nguồn cung tương đối lớn để làm phân bón hữu cơ cho các địa bàn lân cận trồng cà phê, tiêu, cây ăn trái... Tuy nhiên, cách thức chăn nuôi bò thịt của người dân trong buôn lạc hậu nên sản lượng không cao, không đủ cung cấp nhu cầu tiêu thụ thịt bò ngày càng cao của thị trường. Chị em không chăn dắt tập trung, thường thả rông và nhốt bò dưới gầm sàn. Thức ăn chủ yếu của đàn bò dựa vào việc nguồn cỏ mọc tự nhiên và tận dụng phụ phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, chuồng trại chưa đảm bảo vệ sinh an toàn, ảnh hưởng lớn đến môi trường sống trong cộng đồng.
Qua cuộc khảo sát tình hình thực tế của địa phương, Hội LHPN tỉnh xây dựng kế hoạch mô hình “Tổ phụ nữ liên kết nuôi bò thịt năng suất cao, bảo vệ môi trường” thí điểm tại xã Ea Tiêu – huyện Cư Kuin. Mô hình được thành lập, có 25 thành viên người đồng bào dân tộc thiểu số tham gia; trong đó có 5 hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo và 10 hộ có kinh nghiệm chăn nuôi bò. Tổ liên kết đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam hỗ trợ 150 triệu đồng, Hội LHPN tỉnh hỗ trợ 90 triệu đồng xây sửa chuồng trại chăn nuôi cho các thành viên, cung ứng con giống, thức ăn chăn nuôi... Quy mô chuồng trại của các thành viên Tổ liên kết được đầu tư nâng cấp, mở rộng, con giống được chọn lựa kỹ càng và đặc biệt là chú trọng đến công tác phòng và chữa bệnh.
Từ khi mô hình được thành lập, các thành viên luôn trao đổi, chia sẻ với nhau về cách chọn con giống, cách chăm sóc, cách vệ sinh chuồng trại... Để có được đàn bò to khỏe, khả năng sinh trưởng, phát triển cho thịt cao, chất lượng thịt ngon cần phải chọn những con bê non khỏe mạnh, nhanh nhẹn, khung xương to vững chắc, lông da bóng mượt. Ngoài việc chọn giống, quá trình chăn dắt cũng hết sức quan trọng. Trước kia, các hộ thường thả rông ở gần buôn làng nhưng giờ đây các hộ đã đi chăn ngoài cánh đồng lúa xa, có cỏ non, nhiều rơm rạ và mang theo cơm để ăn chiều mới dắt bò về nên đàn bò được no nê. Đặc biệt là những con bê con, tối về còn được các chị mua thêm cám cho ăn. Đối với việc vệ sinh chuồng trại, thường xuyên được dọn dẹp sạch sẽ lót rơm, bỏ cỏ và được tiêm chủng định kỳ.
Chuồng bò được giữ vệ sinh tốt hơn |
Sau hơn hai năm thành lập mô hình Tổ liên kết Nuôi bò thịt năng suất cao, bảo vệ môi trường đã đạt được mục tiêu đề ra. Hiện nay 16 hộ được đầu tư bò mẹ đã đẻ được 1 - 2 con bò con và có hộ đã chuẩn bị đẻ con thứ 3. Có 2 hộ thoát nghèo và 4 hộ cận nghèo vươn lên khá.
Cùng với thực hiện điểm mô hình này, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo thực hiện nhân rộng mô hình Tổ liên kết khác, như: Tổ Phụ nữ liên kết nuôi bò sữa, tổ phụ nữ kiên kết ươm cây giống, tổ phụ nữ liên kết làm kinh tế giỏi tại Thành phố Buôn Ma Thuột; Nhóm Phụ nữ liên kết trồng lúa lai, cải tạo vườn tạp, chăn nuôi bò tại huyện Buôn Đôn; Tổ phụ nữ liên kết nuôi bò sữa, nuôi heo tại thị xã Buôn Hồ... Các mô hình kinh tế tập thể của các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh thực sự có hiệu quả về kinh tế, nâng cao nhận thức và tăng tình đoàn kết, tương trợ nhau trong cuộc sống, đồng thời thể hiện tính năng động, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, khẳng định vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Đến nay, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã thành lập và duy trì hoạt động có hiệu quả 87 mô hình phát triển kinh tế, thu hút 2.936 hội viên tham gia.
Chị H’Joen Knul - Chủ nhiệm mô hình Tổ liên kết Nuôi bò thịt năng suất cao, bảo vệ môi trường, buôn Kdam, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin - tâm sự: “Trước đây chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, đa số hộ dân chúng tôi phụ thuộc nhiều yếu tố và hay gặp rủi ro nên thu nhập thấp. Nay tham gia mô hình Tổ liên kết, tôi cũng như các thành viên khác của mô hình đã liên kết với nhau từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm nên tránh được tình trạng “được mùa rớt giá”, thị trường tiêu thụ ổn định, áp dụng khoa học kỹ thuật, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, tiết kiệm thời gian, chi phí đầu vào, tăng thu nhập. Đồng thời tăng tính đoàn kết, gắn bó, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống”.
Đàn bò tại xã Ea, huyện Cư Kuin được các hộ đi chăn về |