Liên tiếp xảy ra ngộ độc thực phẩm, lấp lỗ hổng quản lý thế nào?

PV
22/12/2024 - 23:09
Liên tiếp xảy ra ngộ độc thực phẩm, lấp lỗ hổng quản lý thế nào?

Bệnh nhân ngộ độc thực phẩm được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai

Người dân cảm thấy bất an sau hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm với quy mô lớn ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí tính mạng của người tiêu dùng...

Lỗ hổng lớn trong quản lý

Chỉ trong 2 tháng vừa qua đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm với mức độ vô cùng nghiêm trọng. Mới đây nhất là 2 trường hợp đã tử vong, 15 người khác nhập viện cấp cứu nghi do ngộ độc thực phẩm sau khi dự tiệc tại một Trung tâm tổ chức sự kiện ở quận Long Biên, Hà Nội. Điều này càng gióng lên hồi chuông cảnh báo khi Tết Nguyên đán đã cận kề, thời điểm cuối năm cũng là lúc "tiệc tùng liên miên"...

Liên quan đến vụ việc này, UBND TP. Hà Nội đã có công văn giao Sở Y tế phối hợp với UBND quận Long Biên, Công an thành phố và các đơn vị liên quan điều tra xác minh, làm rõ nguyên nhân sự cố mất an toàn thực phẩm trên địa bàn quận Long Biên. Đồng thời, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, báo cáo UBND thành phố theo quy định. Tuy nhiên, sự chủ quan của người dân ảnh hưởng lớn đến an toàn thực phẩm, nguy cơ ngộ độc tăng, đặt ra nhiều thách thức trong quản lý.

Theo tiến sĩ Lưu Quốc Toản, giảng viên Bộ môn dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Trường Đại học Y tế công cộng, tính chất không cố định trong kinh doanh thức ăn đường phố chính là điểm quan trọng nhất dẫn tới các rào cản trong quản lý an toàn thực phẩm. "Chúng ta cần có chính sách làm thế nào để quản lý được toàn bộ chuỗi vận động của thức ăn từ nguyên liệu, chế biến, bảo quản, bày bán tới tiêu dùng"- TS Toản nói. 

Không chỉ vậy, các cơ sở kinh doanh như kinh doanh thức ăn đường phố, cửa hàng nhỏ, tiểu thương kinh doanh trong chợ truyền thống, không có bước thẩm định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an toàn thực phẩm. Đây chính là "lỗ hổng" lớn trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm khiến vấn đề này còn nhiều khó khăn, nhất là khi số lượng hàng quán nhiều và thường xuyên biến động. 

Liên tiếp xảy ra ngộ độc thực phẩm, lấp lỗ hổng quản lý thế nào?- Ảnh 1.

Nhiều cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố thường được trang bị rất sơ sài, mất vệ sinh. Ảnh: Anh Đào

Cũng nói về bất cập trong công tác quản lý an toàn thực phẩm, bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Sức khỏe Môi trường cho rằng, các văn bản quy định của chúng ta đã có rất nhiều, nhưng không ít sự chồng chéo và nhiều lỗ hổng.

"Theo quy định, trách nhiệm quản lý thức ăn đường phố thuộc thẩm quyền của xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, quản lý thức ăn đường phố theo cấp huyện, quận, xã phường là vấn đề khó khăn. Ngay trước cửa trường học của địa phương đó, cán bộ trật tự của khu phố đó lại không có trách nhiệm, không chịu trách nhiệm kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm mà trách nhiệm này lại giao cho y tế phường và của quận huyện. Nghe thì thấy rõ ràng nhưng thực tế lại là chồng chéo. Trong khi đó y tế phường, xã hiện nay nhân lực rất mỏng, thiếu, yếu, chuyên môn không được đào tạo" - ông An phân tích.

Cần sớm khắc phục những bất cập trong quản lý

Việc quản lý an toàn thực phẩm muốn hiệu quả phải có sự vào cuộc của chính quyền cấp cơ sở, nơi nắm rõ địa bàn nhất. Đó là quan điểm của ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế. Theo ông Long, quan niệm cho rằng, quản lý an toàn thực phẩm là nhiệm vụ của riêng ngành y tế là hoàn toàn không đúng.

"Luật an toàn thực phẩm và các văn bản pháp quy có liên quan đã quy định rõ ràng, có sự phân cấp trong quản lý để bảo đảm an toàn cho chuỗi thực phẩm. Đối với các loại hình kinh doanh ăn uống, chính quyền cấp cơ sở là chủ quản có hiệu quả nhất do nắm vững địa bàn, đối tượng. Bước đầu sẽ có nhiều khó khăn, nhưng nếu quyết tâm và có kế hoạch tốt, nhất là ở khâu tuyên truyền về lâu dài" - ông Long cho biết.

Điểm chung của nhiều vụ ngộ độc thức ăn đường phố quy mô lớn như vụ ngộ độc bánh mì ở Bà Rịa-Vũng Tàu hồi cuối tháng 11 và ở Đồng Nai hồi tháng 5/2024 là các cơ sở kinh doanh không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Số người lao động tại cơ sở đều không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, không có giấy khám sức khỏe.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y dược TPHCM cho rằng, cần tập huấn, phổ biến cho người bán những kiến thức, kỹ năng để họ có thể chế biến thực phẩm một cách an toàn hơn. 

"Trách nhiệm rà soát và phổ biến kiến thức an toàn thuộc về các cấp quản lý. Kiểm tra theo kế hoạch báo trước thường không mang lại hiệu quả. Vì vậy, cần tăng cường và đặc biệt là vấn đề thanh kiểm tra đột xuất, chứ không phải là theo kế hoạch"- ông Dũng nhấn mạnh.

Liên tiếp xảy ra ngộ độc thực phẩm, lấp lỗ hổng quản lý thế nào?- Ảnh 2.
Liên tiếp xảy ra ngộ độc thực phẩm, lấp lỗ hổng quản lý thế nào?- Ảnh 3.

Nhiều hàng quán thức ăn đường phố không có địa điểm cố định nên rất khó kiểm tra và quản lý. Ảnh: Đình Hưng

Các địa phương cho rằng công tác đảm bảo an toàn thực phẩm cần phải quản lý chặt chẽ từ gốc, không nên để "mất bò mới lo làm chuồng", Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, các địa phương cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở kinh doanh, bếp ăn lớn ở khâu nguyên liệu trước khi chế biến.

"Cần kiểm soát các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm về việc tuân thủ các quy định và các cam kết. Có biện pháp kiên quyết với các cơ sở sử dụng nguyên liệu không có giấy chứng nhận cung cấp thực phẩm. Tuyệt đối không đánh đổi sức khỏe để lấy kinh tế. Đảm bảo an toàn thực phẩm là nhiệm vụ của mọi cấp từ trung ương đến địa phương, không chỉ của riêng ngành y tế", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên chỉ đạo.

Có thể thấy, bên cạnh việc siết chặt, lấp lỗ hổng quản lý an toàn thực phẩm, việc mỗi người dân chủ động với sự an toàn sức khỏe, tính mạng bản thân và gia đình là vô cùng quan trọng. Trước thềm Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa du xuân 2025 đang đến gần, vấn đề này cần được đặc biệt lưu tâm, để không còn những câu chuyện buồn xảy ra như thời gian vừa qua.

Ngành Y tế và cơ quan quản lý ở các nước phương Tây áp dụng các quy định rất khắc nghiệt trong quản lý an toàn thực phẩm.

Việc lưu trữ nguyên liệu thô hay tươi phải tách biệt với thực phẩm đã sơ chế, chế biến sẵn để tránh ô nhiễm chéo. Tương tự là các thức ăn có sữa và nguyên liệu sữa. Chẳng hạn, Úc và New Zealand có quy tắc "2 giờ/4 giờ" rất chặt chẽ trong việc bảo đảm an toàn ở các cơ sở.

Thực phẩm giữ ở nhiệt độ từ 5-60 độ C trong thời gian dưới 2 giờ có thể sử dụng, bán hoặc cất lại vào tủ lạnh để sử dụng sau. Thực phẩm giữ ở nhiệt độ này trong thời gian 2-4 giờ vẫn có thể sử dụng hoặc bán, nhưng không được cất lại vào tủ lạnh. Thực phẩm giữ ở nhiệt độ từ 5-60 độ C trong thời gian từ 4 giờ trở lên phải được vứt bỏ.

Quy định này áp dụng cho tổng thời gian thực phẩm ra khỏi khung nhiệt độ an toàn 5-60 độ C, bao gồm thời gian chuẩn bị, lưu trữ, trưng bày và vận chuyển.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm