pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lo lắng khi con một mình học online ở quê
Ảnh minh họa
Đầu tháng 7 năm nay, chị Trần Khánh Hằng (Q.Hoàng Mai, Hà Nội) gửi cậu con trai 9 tuổi về chơi với ông bà ngoại ở thành phố Nam Định. Dự định cuối tháng 7, chị đón con về để chuẩn bị cho kỳ thi cuối kỳ vào đầu tháng 8 thì không ngờ Hà Nội bước vào đợt giãn cách xã hội. Tính ra đến nay, con chị đã hơn 2 tháng xa bố mẹ.
Ông bà ngoại đều nhiều tuổi và không biết sử dụng thiết bị công nghệ nên những ngày con học online, chị Hằng phải nhờ người bác cách đấy mấy cây số đón con về học. Ban ngày, bác đi làm, người con lớn của bác hỗ trợ em học. Điều chị Hằng mừng nhất là ở Nam Định học sinh không phải học online nên mạng tốt. Con của chị không bị rớt mạng trong quá trình học.
Giống như chị Hằng, chị Nguyễn Hồng Anh cũng có con bị "mắc kẹt" ở nhà ông bà ngoại ở Hải Phòng. Những ngày đầu con học online, chị Hồng Anh rất vất vả khi nhà ông bà ngoại không có máy tính cho cháu học. Ông bà có điện thoại thông minh nhưng màn hình hơi nhỏ, sẽ ảnh hưởng đến mắt của con. Gọi điện cho họ hàng ở Hải Phòng, cuối cùng chị Hồng Anh cũng mượn được cho con chiếc Ipad để học online. Mấy ngày đầu, chị phải "vật vã" hướng dẫn con cách vào zoom. Sau đó, con đã biết sử dụng thành thạo ứng dụng này. Chị Hồng Anh phấn khởi khi cậu con trai hào hứng khoe con là người phát biểu nhiều nhất lớp. Mỗi khi làm bài tập xong, con đã biết chụp ảnh gửi qua Zalo cho mẹ để mẹ gửi cho cô. Điều khiến chị Hồng Anh lo lắng là không có bố mẹ kèm cặp nên tính cẩu thả của con không được uốn nắn.
Sau vụ một học sinh lớp 5 ở Hà Nội bị tử vong vì điện giật khi học online, chị Hồng Anh càng cảm thấy lo lắng hơn. Ông bà gần như để cháu tự học ở phòng riêng. Chiếc ipad nhiều hôm phải vừa cắm sạc vừa học. Chị Hồng Anh lập tức gọi cho bố mẹ để dặn dò việc kiểm tra nguồn điện, ổ cắm, đảm bảo không gian an toàn cho con học. Đặc biệt, chị cũng gọi điện nhắc nhở con biết những đồ vật nào là nguy hiểm để con chủ động tránh xa.
Điều chị Khánh Hằng thấy thương con nhất là lúc nào gọi điện cho con cũng thấy con lủi thủi chơi một mình. Nếu dịp hè, có các anh chị em họ đến chơi cùng thì vào năm học, các anh chị đều phải về nhà. Thế nên, những ngày "mắc kẹt" ở quê ngoài giờ học, cậu bé lấy đồ chơi xếp hình và tự chơi một mình. Con không mè nheo nhưng thỉnh thoảng rơm rớm nước mắt kêu nhớ bố mẹ, nhớ em khiến chị Hằng rất xót xa. Chị chỉ mong sớm đến ngày Hà Nội hết giãn cách xã hội để có thể đón con về. "Tôi nghĩ đến ngày Hà Nội hết giãn cách nhưng điều kiện để người Hà Nội vào các tỉnh, thành khó khăn thì không biết sẽ đón con lên Hà Nội bằng cách nào. Tôi chỉ mong Hà Nội và các tỉnh tạo điều kiện cho các phụ huynh về quê đón con. Trẻ nhỏ được ở cùng bố mẹ thì mới cảm thấy yên tâm về việc học cũng như cuộc sống, tâm lý của con", chị Hằng bày tỏ.