pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lò “Quái nhựa” cảnh báo cộng đồng về ô nhiễm nhựa
Ảnh minh họa
Nhân Ngày Trái Đất 22/4, CHANGE chính thức khởi động chiến dịch truyền thông sáng tạo mới mang tên "Quái Nhựa," với thông điệp xuyên suốt "ngưng tạo quái nhựa" bằng cách giảm tiêu thụ nhựa dùng một lần và cùng nhau hành động để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa ngày càng trầm trọng hiện tại.
Vào tháng 10/2018, Chính phủ Việt Nam đã thông qua Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược này nhằm mục tiêu ngăn chặn và kiểm soát đáng kể và giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương, và đảm bảo 100% chất thải rắn được thu gom và xử lý vào năm 2030. Tuy nhiên, việc thực hiện chiến lược này vẫn còn là một thách thức. Phần lớn mọi người vẫn chưa nhận ra tác động tiêu cực của rác thải nhựa lên con người và mọi sinh vật trên Trái đất.
“Quái nhựa” mượn hình tượng quái vật trong tưởng tượng của nhiều người (như thuồng luồng, quái vật hồ Loch Ness) để hình tượng hóa các mối nguy hại mà ô nhiễm rác nhựa gây ra. Loài quái nhựa dưới nước còn đáng sợ hơn những gì chúng ta có thể nhìn thấy bằng mắt thường rất nhiều. Bằng cách sử dụng cụm từ “quái nhựa”, dự án muốn thu hút sự chú ý và cảnh báo con người về hậu quả của việc sử dụng và thải ra quá nhiều nhựa dùng một lần, từ đó kêu gọi cộng đồng "ngưng tạo quái nhựa" bằng cách giảm tiêu thụ nhựa dùng một lần và cùng nhau hành động để ngăn chặn ô nhiễm nhựa.
Hiện trạng ô nhiễm nhựa tại Việt Nam
Phần lớn rác nhựa thải ra đại dương trên thế giới đến từ các quốc gia ở Nam Á và Đông Nam Á do hệ thống quản lý chất thải tổng hợp chưa phát triển, kém hiệu quả. Việt Nam (VN) là một trong bốn quốc gia có lượng rác nhựa thải ra biển nhiều nhất trên thế giới, với 6% tổng lượng rác nhựa thải ra biển (UNEP, 2018). Các chuyên gia đã chỉ ra rằng một trong những cách chống ô nhiễm nhựa hiệu quả nhất chính là giảm thiểu nhu cầu sử dụng nhựa dùng một lần. Tuy nhiên, đồ nhựa sử dụng một lần như túi, chai lọ, ống hút,... đã trở nên quá nhiều và luôn được cung cấp miễn phí ở Việt Nam khiến việc chấp nhận đồ nhựa trở thành một thói quen đối với người Việt Nam.
Một số người lựa chọn sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường như túi sử dụng nhiều lần hoặc túi làm từ vật liệu tái chế. Tuy nhiên, những sản phẩm thân thiện với môi trường này không được truyền thông coi là một phong cách sống hợp thời. Người tiêu dùng không nghĩ rằng một mình hành động của họ có thể thay đổi xã hội, và mọi người sẽ cảm thấy việc mang theo các sản phẩm tái sử dụng là một gánh nặng. Cuối cùng, người tiêu dùng lại quay lại lấy túi hoặc hộp đựng dùng một lần.
Ngày Trái Đất 22/4 ra đời cách đây hơn 50 năm có ý nghĩa đặc biệt, với những hoạt động bảo vệ môi trường rộng rãi tại trên 190 nước với sự tham gia trực tiếp của hàng chục triệu người. Trong Ngày Trái đất, mọi người thường tổ chức các hoạt động nhằm mục đích bảo vệ môi trường như tuyên truyền kêu gọi mọi người chung sức bảo vệ môi trường sống, tổ chức trồng cây xanh, thu gom rác thải, bảo vệ môi trường sống xanh sạch đẹp.