Liên quan đến thông tin Hà Nội cấm xe máy trên một số tuyến đường và thu phí vào nội đô, ngày 25/10, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến xây dựng đề án với sự tham gia của các chuyên gia và đại diện các Bộ, Ban, ngành.
Tại hội thảo, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 6,6 triệu phương tiện giao thông, trong đó khoảng 600 ngàn ô tô và gần 6 triệu xe gắn máy. Theo đánh giá, phương tiện giao thông giai đoạn 2011-2015 tăng trung bình 11%, trong đó xe máy tăng 6,75%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của hệ thống đường bộ không theo kịp sự phát triển của phương tiện giao thông dẫn đến quá tải, ô nhiễm môi trường.
Trước tình trạng đó, ngày 4//7/2017, HĐND TP. Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 04/2017 về việc thông qua đề án: “Tăng cường Quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017-2030 tầm nhìn 2030” với nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giải quyết ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Trong đó, có nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng 2 đề án: Đề án “phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thông vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030” và Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào”.
Theo Viện Chiến lược và phát triển Giao thông Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải), mục tiêu của Đề án: “Phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thông vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”, được thực hiện theo nguyên tắc: Tuyến và khu vực hạn chế hoạt động xe máy phải có hệ thống vận tải hành khách công cộng và các phương tiên giao thông thay thế đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân; Tổ chức giao thông hợp lý, đảm bảo đi lại của người dân trong và ngoài khu vực hạn chế được thuận lợi; đảm bảo kết nối giữa các loại hình phương tiện giao thông; Mở rộng không gian và các tuyến phố đi bộ nhằm tạo thói quen đi bộ và kết họp với việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.
Về lộ trình thực hiện hạn chế hoạt động của xe máy đến năm 2030, Viện Chiến lược và phát triển Giao thông Vận tải cho biết, trên cơ sở mục tiêu và điều kiện để năm 2030 tiến hành dừng hoạt động xe máy, đề xuất trong giai đoạn 2020- 2030 lựa chọn các tuyến phố và các khu vực có thể thực hiện việc dừng hoạt động xe máy khi đảm bảo các điều kiện đặt ra.
Đối với tuyến đường: Hạn chế hoạt động xe máy trên tuyến đường có năng lực hệ thống vận tải hành khách công cộng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, tập trung nghiên cứu trên các tuyến đường sắt đô thị. Đề xuất xem xét các tiêu chí ùn tắc giao thông khi hạn chế hoạt dộng xe máy trên tuyến đường trên bao gồm: mức độ thường xuyên ùn tắc, mức độ phụ vụ Los của tuyến, thời gian ùn tắc kéo dài, thời gian chuyến đi tăng thêm, vận tốc lưu thông bình quân,...
Đối với khu vực: Mở rộng không gian đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm trong phạm vi khu bảo tồn cấp 1, giới hạn bởi các tuyến đường Hai Bà Trưng, Phan Chu Trinh, Tràng Tiền, Hàng Vôi, Hành Tre, Hàng Muối, Trần NHật Duật, Hàng Đậu, Hàng Cót, Tông Đản, Hàng Gà, Hàng Da, Quán Sứ. Nghiên cứu tổ chức không gian đi bộ trên toàn thành phố như khu vực Thủ Lệ, Hồ Thành Công, Hồ Trúc Bạch, Quảng Bá - Trịnh Công Sơn.
Thực hiện việc dùng xe máy có thể theo giờ và theo ngày trong tuần đối với khu vực, tuyến đường lựa chọn:
Trên các tuyến đường: Hạn chế vào các khung giờ cao điểm (từ 6-9h vầ 16h30 đến 19h30).
Khu vực không gian đi bộ: Từ 6h thứ 6 đến 24h chủ nhật hàng tuần và các ngày nghỉ lễ.
Các khu vực khác: Khi hạn chế hoạt động của xe máy, các chuyến đi bằng xe máy chủ yếu được giải quyết bằng lực lượng Vận tải hành khách công cộng và các phương tiện thay thế. Như vậy, để đảm bảo đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, đề xuất chỉ hạn chế trong khung giờ hoạt động của hệ thống vận tải hành khách công cộng từ 6h đến 22h.