pnvnonline@phunuvietnam.vn
Loại bánh Trung thu nào dành cho người bị tiểu đường, tim mạch, béo phì?
Ai không nên ăn bánh trung thu? Có loại bánh trung thu nào phù hợp cho nhóm đối tượng cần hạn chế ăn hay không? Dưới đây là một số thông tin mà bạn cần biết khi chỉ còn ít ngày nữa là tới rằm trung thu.
1. Ai không nên ăn bánh trung thu? Ai có thể ăn nhưng cần hạn chế?
Xét về thành phần dinh dưỡng có trong bánh trung thu thì bánh được làm từ bột, đường tinh luyện, bơ, dầu thực vật, mỡ, lòng đỏ trứng cả (đối với vỏ bánh), chưa tính thành phần của nhân bánh, tùy từng loại.
Ví dụ như một chiếc bánh dẻo có nhân thập cẩm khoảng 170 gram, nó cung cấp 566kcal, 16,3 gram đạm, 6,6 gram lipid, 110,2 gram glucid; một bánh dẻo một trứng đậu xanh khoảng 176 gram chứa 648 Kcal (năng lượng gấp 2 – 2,5 lần bát phở bò).
Hoặc như trong một chiếc bánh nướng 176 gram với thập cẩm cung cấp 706kcal, 18 gram đạm, 31,5 gram lipid và 87,5 gram glucid. Trong một chiếc bánh nướng đậu xanh nhân một trứng 176 gram cung cấp khoảng 648 Kcal, 19,5 gram protid, 27,5 gram lipid, 80,6 gram glucid.
Bên cạnh đó, lượng bột đường của một chiếc bánh dẻo hay một chiếc bánh nướng ước lượng bằng khoảng 2 – 3 bát cơm (một bát cơm 258 gram). Đặc biệt, đường được sử dụng làm bánh lại chủ yếu ở dạng đường hấp thu nhanh gây tăng đường huyết nhanh.
Như vậy có thể thấy, nhìn chung bánh trung thu là một món ăn rất ngọt và có độ béo cao, cung cấp rất nhiều năng lượng cho cơ thể. Do đó những nhóm người sau đây không nên ăn bánh trung thu hoặc cần lựa chọn loại bánh đặc thù riêng:
- Người béo phì
Người béo phì vốn đã thừa cân, vì thế nếu ăn nhiều bánh trung thu sẽ rất có hại cho sức khỏe và tình trạng cân nặng do lượng đường cũng như chất béo lớn. Do đó mà người béo phì, trẻ thừa cân không nên ăn bánh trung thu.
Tương tự với người đang mắc các bệnh mãn tính liên quan tới rối loạn dinh dưỡng cũng cần cẩn thận khi ăn bánh trung thu.
- Trẻ bị rối loạn dung nạp glucose.
- Người bị khó tiêu do trong bánh trung thu có chất đạm và chất béo cao, nhất là bánh nướng.
- Người có hệ tiêu hóa kém, dễ đau bụng cũng cần lưu ý khi xem nên hay không nên ăn bánh trung thu. Đạm trong bánh chủ yếu là đạm động vật, nếu như không được bảo quản ở trong điều kiện phù hợp rất dễ bị ôi và nấm mốc gây đau bụng, tiêu chảy.
- Người bị mắc các bệnh rối loạn mãn tính như tiểu đường, bệnh tim mạch không nên ăn bánh trung thu. Do bánh trung thu thường được sử dụng đường Saccarose. Nếu như nhóm bệnh nhân này ăn bánh Trung thu chứa đường Saccarose thì sẽ trở nên vô cùng nguy hiểm do lượng đường huyết sẽ bị tăng đột biến, gây ra ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và có thể xảy ra biến chứng.
2. Chuyên gia gợi ý loại bánh trung thu có thể ăn cho người bị tiểu đường, tim mạch, béo phì, thừa cân
ThS.BS Doãn Thị Tường Vi đưa ra một số gợi ý như sau:
Đối với người bị tiểu đường, thừa cân, béo phì
- Người bị tiểu đường, thừa cân hay béo phì nếu muốn ăn bánh trung thu nên lựa chọn những loại bánh trung thu chuyên dành cho người ăn kiêng được sản xuất bởi các hãng bánh uy tín
- Nên ăn bánh điều độ, kể cả đó là bánh cho người ăn kiêng. Tốt nhất bạn nên hỏi ý kiến tư vấn của bác sĩ cho từng mức độ bệnh cụ thể để có thể phòng tránh những biến chứng không mong muốn do ăn bánh trung thu gây ra.
Đối với người bị bệnh tim mạch
- Bệnh nhân tim mạch cũng là nhóm nên hạn chế ăn bánh trung thu, tốt nhất nên lựa chọn những loại bánh trung thu dạng chay, không nên ăn các loại bánh nhân thập cẩm có chứa nhiều nhân thịt hay nhân lạp xưởng,...
- Tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ để có lời khuyên về chế độ ăn phù hợp.
Kể cả người khỏe mạnh bình thường cũng cần ăn bánh trung thu đúng cách
- Đối với người lớn: Nếu như bạn muốn ăn bánh trung thu thì nên cắt giảm khẩu phần ăn hàng ngày xuống sao cho không bị mất cân bằng với mức năng lượng mà bạn sẽ hoạt động và tiêu hao trong ngày.
- Đối với trẻ em: Sau mỗi bữa ăn, gia đình Việt thường có thói quen ăn tráng miệng bằng đồ ngọt. Nếu như cho trẻ ăn bánh trung thu, người lớn nên hạn chế chỉ cho trẻ ăn 1/8 chiếc bánh là đủ, nếu ăn nhiều có thể làm tăng nguy cơ bị béo phì.