pnvnonline@phunuvietnam.vn
Loại củ “giòn sần sật” giúp đẩy lùi ung thư
Ung thư là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu và chế độ ăn uống giống như “con dao hai lưỡi” đối với nó. Một số thực phẩm, món ăn có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư và ngược lại, cũng có những thực phẩm góp phần ngăn chặn nó. Ít ai biết rằng, thứ củ quen thuộc, giá rẻ như cà rốt nếu biết ăn đúng cách cũng có thể trở thành “vũ khí” chống ung thư.
Tại sao ăn cà rốt giúp chống lại bệnh ung thư?
Khi nhắc tới lợi ích sức khỏe của loại củ “giòn sần sật” này, hầu hết mọi người sẽ nghĩ tới bổ mắt, giảm cân, làm đẹp da, tốt cho tiêu hóa. Tuy nhiên, từ lâu đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng thêm cà rốt vào chế độ ăn uống giúp làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư. Báo cáo khoa học mới nhất về vấn đề này thuộc về Đan Mạch, được công bố trên tạp chí Nutrients thời gian gần đây.
Nhờ giàu chất chống oxy hóa, ăn cà rốt thường xuyên có thể giúp chống lại nhiều bệnh ung thư (Ảnh minh họa)
Các nhà nghiên cứu theo dõi 55.756 công dân Đan Mạch trong 25 năm, đã xem xét mối liên quan giữa việc tiêu thụ cà rốt sống thường xuyên và sự phát triển của nhiều loại ung thư, chủ yếu là ung thư biểu mô tuyến và bệnh bạch cầu. Độ tuổi trung bình khi tham gia nghiên cứu là 56,2 tuổi (SD 4,4 tuổi) và 52% là nữ.
Kết quả cho thấy ăn cà rốt sống giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi, ung thư tuyến tụy, ung thư bạch cầu là lớn nhất. Sau đó tới các bệnh ung thư liên quan tới tiêu hóa như ung thư đại trực tràng, ung thư ruột kết, ung thư dạ dày và ung thư tuyến tiền liệt. Ung thư vú và ung thư bàng quang cũng có tác dụng nhưng không được liệt kê chính xác vì các nhà nghiên cứu cho rằng số liệu chưa đủ để kết luận, cần xem xét thêm. Trong đó, tác dụng phòng ngừa ung thư phổi được đánh giá là cao nhất.
Về cơ chế chống lại các bệnh ung thư của cà rốt, điểm mấu chốt nằm ở các chất phytochemical chống oxy hóa nó mang lại như: beta-carotene, carotenoid, polyacetylenes, anthocyanin… Trong số đó, chìa khóa chống ung thư hàng đầu là beta-carotene. Đây là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ, có thể được chuyển đổi thành vitamin A trong cơ thể con người và rất cần thiết cho việc duy trì thị lực và chức năng hệ thống miễn dịch.
Quan trọng hơn, chúng sẽ trở thành các hoạt chất carotenoid trong cơ thể, có thể loại bỏ hiệu quả các gốc tự do trong cơ thể và giảm tổn thương tế bào, từ đó làm giảm nguy cơ ung thư. Lưu ý rằng, với cà rốt cam và vàng sẽ chứa carotenoid còn cà rốt màu tím và đỏ, còn chứa anthocyanin, chúng đều là chất chống oxy hóa và ngừa ung thư. Cà rốt còn rất giàu polyacetylenes - một hợp chất hóa học đang được nghiên cứu để tiêu diệt tế bào ung thư nhờ tác dụng kháng nấm, kháng khuẩn, chống viêm.
Bên cạnh đó, việc tiêu thụ cà rốt thường xuyên giúp tăng cường khả năng miễn dịch và bảo vệ tế bào, chống viêm nên có thể hạn chế tế bào ung thư phát triển. Đồng thời, nó cũng có thể hỗ trợ điều trị bổ trợ cho bệnh nhân đang điều trị ung thư.
Cách ăn cà rốt giúp chống ung thư tốt nhất
Như vậy, nghiên cứu đã kết luận thêm cà rốt trong chế độ ăn hàng ngày là cách tự nhiên và hiệu quả để giảm nguy cơ ung thư nói chung và đặc biệt hiệu quả với một số loại ung thư cụ thể. Nhưng điều quan trọng là nghiên cứu còn phát hiện ra cách ăn cà rốt để tận dụng tối đa tác dụng chống ung thư của nó, đó là ăn sống.
Theo các nhà nghiên cứu, cà rốt quá trình chế biến nhiệt có thể làm giảm đáng kể lượng và chất của các chất chống oxy hóa trong cà rốt. Nhất là đối với beta-carotene và polyacetylenes. Nhiệt độ càng cao, quá trình nấu càng lâu thì các chất này cùng một số vitamin dễ bay hơi khác như vitamin A, vitamin C càng dễ biến mất. Polyynes cũng được cho là bị bất hoạt khi đun nóng.
Ngoài ra, polyacetylenes - hợp chất chống ung thư quan trọng trong cà rốt được tìm thấy tập trung ngay dưới lớp vỏ cà rốt. Do đó nếu bỏ vỏ sẽ dễ dàng làm mất đi mà các phương pháp nấu ăn thường vứt bỏ phần này. Theo các nhà nghiên cứu, khi ăn sống dù là phương pháp ăn tươi hay ép nước, làm sinh tố cũng không nên bỏ lớp vỏ của cà rốt. Thay vào đó hãy rửa sạch và dùng cả vỏ, tốt nhất là ăn nguyên củ với phương pháp nhai chậm và nhai kỹ.
Cách ăn cà rốt chống ung thư tốt nhất là ăn sống và không nên gọt bỏ lớp vỏ bên ngoài (Ảnh minh họa)
Lưu ý rằng dù cà rốt có những lợi ích đáng kể cho sức khỏe nhưng nó không thể thay thế cho phương pháp điều trị ung thư chuyên nghiệp. Cà rốt nên được đưa vào như một phần của chế độ ăn uống cân bằng, cùng với các loại rau và trái cây giàu chất dinh dưỡng để tăng cường sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật. Cần chọn cà rốt có nguồn gốc rõ ràng, uy tín, còn tươi và không sâu bệnh. Vệ sinh kỹ phần vỏ nếu như ăn sống, nhất là ăn cả vỏ cà rốt. Không nên ăn quá nhiều cà rốt vì có thể gây tác dụng phụ do dư thừa carotene như vàng mắt, vàng da, chán ăn, mệt mỏi hoặc vấn đề tiêu hóa ở một số người.