pnvnonline@phunuvietnam.vn
Loại quả nếu ăn đúng cách sẽ cực tốt cho miễn dịch và tim mạch

Chanh dây (tiếng Anh: Passion Fruit) có lớp vỏ bên ngoài cứng, bao bọc một lớp hạt bên trong. Có nhiều giống chanh dây khác nhau về kích thước và màu sắc, trong đó các giống chanh dây màu tím và chanh dây vàng là loại phổ biến nhất.
1. Giá trị dinh dưỡng trong quả chanh dây
Có thể nói, quả chanh dây là loại trái cây ít calo nhưng lại là nguồn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng dồi dào cho sức khỏe.
Theo USDA, một quả chanh dây kích cỡ trung bình cung cấp khoảng:
- 1,9 gam chất xơ.
- 0,29 mg sắt.
- 2 mg canxi.
- 5,4 mg vitamin C.
- 5 mg magie.
- 63 mg kali.
- 11,5 mcg tiền vitamin A.
Ngoài ra, quả chanh dây còn cung cấp lượng nhỏ phốt pho, niacin và vitamin B6 cùng carotenoid và popyphenol đều cần thiết để có cơ thể khỏe mạnh. Theo Healthline, trên thực tế một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng quả chanh dây còn giàu polyphenol hơn nhiều loại trái cây nhiệt đới như chuối, vải, xoài, đu đủ và dứa.

Ăn chanh dây có tác dụng gì đối với sức khỏe? Ảnh: ST
2. Ăn chanh dây có tác dụng gì đối với sức khỏe?
Theo Health, ăn chanh dây có thể giúp mang đến các lợi ích cho sức khỏe như sau:
- Giàu chất chống oxy hóa: Chanh dây cung cấp nhiều chất dinh dưỡng hỗ trợ sức khỏe tổng thể. Đây là nguồn vitamin A và C dồi dào, hỗ trợ sức khỏe của da, mắt và hệ miễn dịch. Chất chống oxy hóa như vitamin C và A giúp chống lại tổn thương do các gốc tự do hoặc các phân tử không ổn định gây ra, từ đó giúp giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính như bệnh tim, tiểu đường hay viêm nhiễm.
- Tăng cường miễn dịch: Chanh dây là nguồn vitamin C dồi dào được biết đến là một chất chống oxy hóa mạnh. Thêm vào đó, chanh dây cũng chứa beta-carotene mà cơ thể hấp thụ và chuyển đổi thành một chất chống oxy hóa khác gọi là vitamin A.
- Tốt cho tim mạch: Hàm lượng chất xơ dồi dào trong quả chanh dây có thể giúp điều chỉnh mức cholesterol trong máu. Hơn nữa, chất xơ trong chanh dây lại là phân loại chất xơ hòa tan. Chế độ ăn giàu thực phẩm chứa chất xơ hòa tan được chứng minh là giúp giảm mức cholesterol xấu, giảm triglyceride từ đó giảm rủi ro xơ vữa động mạch.
Ngoài ra, kali và magie trong chanh dây cũng giúp điều hòa huyết áp, góp phần cải thiện sức khỏe tim mạch.

Hàm lượng chất xơ dồi dào trong quả chanh dây có thể giúp điều chỉnh mức cholesterol trong máu (Ảnh: ST)
- Cải thiện độ nhạy insulin: Trước tiên, quả chanh dây có chỉ số đường huyết thực phẩm (GI) thấp, là 30. Loại quả này nổi tiếng với tác dụng giảm cảm giác thèm đường và có lợi trong việc cải thiện độ nhạy insulin ở bệnh nhân tiểu đường nhờ thành phần gọi là piceatannol.
Thêm vào đó, hàm lượng vitamin C có trong quả chanh dây có thể giúp duy trì tính toàn vẹn của động mạch, giảm nguy cơ biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường như bệnh tim và bệnh thận.
- Tăng cường sức khỏe đường ruột: Chất xơ trong chanh dây giúp duy trì sức khỏe đường ruột, thúc đẩy nhu động ruột, ngừa táo bón và nuôi dưỡng vi khuẩn đường ruột có lợi. Sự mất cân bằng trong hệ vi sinh đường ruột có thể tăng dấu hiệu viêm và dẫn đến bệnh tật. Một quả chanh dây trung bình chứa khoảng 2 gam chất xơ và chỉ 18 calo nên thích hợp để tối đa hóa lượng chất xơ mà không tiêu thụ quá nhiều calo.
- Tốt cho da: Thành phần piceatannol có trong chanh dây, có thể có tác dụng tích cực đến da. Một nghiên cứu cho thấy bổ sung chiết xuất chanh dây giúp cải thiện độ ẩm cho da và giảm mệt mỏi. Các chất chống oxy hóa trong chanh dây, như vitamin C, có thể có lợi đáng kể cho làn da. Chúng giúp chống lại các gốc tự do, góp phần gây ra các dấu hiệu lão hóa và stress oxy hóa. Khi kết hợp với vitamin A cũng có thể hỗ trợ tái tạo tế bào da và duy trì làn da sáng mịn, khỏe mạnh.
- Giảm căng thẳng, lo âu: Chanh dây chứa một lượng magie cần thiết để giảm căng thẳng và lo âu.
3. Lưu ý khi ăn chanh dây
Tuy tốt cho sức khỏe nhưng có một số lưu ý khi ăn chanh dây mà bạn cần chú ý, bao gồm:
- Ăn hạt chanh dây có sao không? Bạn hoàn toàn có thể ăn hạt chanh dây, tuy nhiên không nên ăn quá nhiều và nên nhai kỹ khi ăn để tránh tắc ruột. Hạt chanh dây có nhiều lợi ích đối với sức khỏe nhờ chứa vitamin A, vitamin C, chất xơ, magie, kali, sắt, riboflavin, carotenoids, axit nicotinic và flavonoid.
- Ăn chanh dây có giúp giảm cân không? Nhờ ít calo, ít chất béo nhưng lại giàu chất xơ mà chanh dây có thể được thêm vào chế độ ăn kiểm soát cân nặng.
- Phản ứng dị ứng: Mặc dù ăn chanh dây hầu hết an toàn với mọi người nhưng nó có thể gây phản ứng dị ứng ở một số những người bị dị ứng nhựa mủ, bởi vì một số protein của thực vật có cấu trúc tương tự như cấu trúc của protein latex.

Tuy tốt cho sức khỏe nhưng có một số lưu ý khi ăn chanh dây mà bạn cần chú ý (Ảnh: ST)
- Ngộ độc: Quả chanh dây có chứa một lượng nhỏ độc tố gọi là cyanogenic glycoside. Chất này tập trung nhiều nhất ở một số loại vỏ quả chanh dây hoặc cùi quả chanh dây chưa chín. Cyanogenic glycoside có thể gây ngộ độc xyanua nếu tiêu thụ với lượng lớn. Do đó, tốt nhất hãy tránh ăn nhiều trái cây chưa chín và không ăn vỏ chanh dây trừ khi nó được chiết xuất và chế biến dưới dạng thực phẩm bổ sung.
- Ai không nên ăn chanh dây? Do có tính axit cao nên quả chanh dây không thích hợp với người đang có vấn đề về tiêu hóa, người đang đói bụng. Người đang dùng thuốc chống đông máu, người có nguy cơ chảy máu cao cũng nên tránh ăn chanh dây.
Nhìn chung, quả chanh dây có thể đem lại nhiều lợi ích sức khỏe nếu như sử dụng đúng cách. Bạn có thể sử dụng quá chanh dây để pha nước, làm bánh ngọt,... Nếu đang uống thuốc theo đơn, tốt nhất hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh tương tác thuốc với chanh dây khiến quá trình phục hồi kéo dài hoặc tăng nặng tình trạng bệnh. Chỉ nên uống 1 - 2 cốc nước ép chanh dây mỗi ngày để tận dụng tối đa lợi ích mà cơ thể nhận được, khi uống nên chú ý tới các bất thường của cơ thể để điều chỉnh phù hợp.