pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những điều nên và không nên làm để khỏe mạnh trong suốt mùa hè nắng nóng

Chăm sóc sức khỏe đúng cách và tránh các yếu tố có thể khiến sức khỏe suy giảm, bệnh tật là chìa khóa để bảo vệ bản thân và các thành viên trong gia đình khi thời tiết ngày một nóng hơn. Theo đó, dưới đây là một số điều nên và không nên làm trong mùa hè này mà bạn có thể tham khảo:
1. Mùa hè nên làm gì để khỏe mạnh hơn?
- Uống đủ nước: Uống đủ nước đặc biệt quan trọng với quá trình trao đổi chất và hoạt động bình thường của cơ thể, nhất là vào mùa hè. Khi mà cơ thể dễ mất nước hơn do đổ mồ hôi nhiều hơn. Ngoài nước lọc bạn có thể uống nhiều loại nước giúp thanh nhiệt, giải độc cơ thể tự nhiên như nước dừa, nước rau má, nước mía hay ăn các loại trái cây tốt cho sức khỏe,... Nếu tập thể thao thì nước bổ sung điện giải có thể hữu ích và tăng hiệu quả tập luyện.

Uống đủ nước đặc biệt quan trọng với quá trình trao đổi chất và hoạt động bình thường của cơ thể (Ảnh: ST)
- Ăn chín, uống sôi: Nguy cơ ngộ độc thực phẩm tăng cao trong mùa hè do thực phẩm sống hay thực phẩm để lâu ngoài nhiệt độ phòng dễ bị hỏng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển. Nếu chẳng may tiêu thụ phải các thực phẩm này thì nguy cơ ngộ độc với các biểu hiện như đau bụng, co thắt bụng, tiêu chảy, nôn mửa là rất cao; thậm chí có thể đe dọa tính mạng nếu không được nhận biết và xử trí đúng cách.
Do đó, vào mùa hè cần ăn chín uống sôi, không để thực phẩm ngoài nhiệt độ phòng quá 2 giờ. Trước và sau khi sơ chế thực phẩm cần rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và dùng dụng cụ bếp riêng biệt cho đồ sống và đồ chín. Nếu bạn nghĩ rằng, thực phẩm mà bạn đang chuẩn bị sử dụng đã bị hỏng, tốt nhất hãy vứt bỏ thay vì tiếp tục ăn.
- Bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV từ ánh nắng mặt trời: Dùng kem chống nắng có chỉ số SPF trên 50 khi ở ngoài trời, đội mũ rộng vành, mặc quần áo sáng màu làm từ chất liệu thoáng mát và thấm hút mồ hôi tốt, đeo kính râm chống nắng rất cần thiết để bảo vệ làn da của chúng ta trong mùa hè. Đồng thời nên ở nhà vào những thời điểm nắng nóng gay gắt từ 11 giờ trưa tới 3 giờ chiều để tránh nguy cơ bị kiệt sức do nhiệt hoặc nghiêm trọng hơn là say nắng.
- Duy trì hoạt động thể chất hợp lý: Để có một mùa hè khỏe mạnh thì hoạt động thể chất để tăng cường sức bền và sự linh hoạt là rất quan trọng. Theo Harvard Health, thường xuyên tập luyện thể chất là cách giúp nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể, cải thiện sức khỏe tim mạch và nhiều lợi ích khác đối với sức khỏe tổng thể. Bạn nên duy trì tập thể dục cường độ vừa phải ít nhất 150 phút mỗi tuần tùy từng tình trạng sức khỏe.

Để có một mùa hè khỏe mạnh thì hoạt động thể chất để tăng cường sức bền và sự linh hoạt là rất quan trọng (Ảnh: ST)
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ: Do đặc trưng là nhiệt độ nóng bức mà cơ thể chúng ta thường đổ mồ hôi nhiều hơn. Do đó, cần tắm rửa thường xuyên để loại bỏ mồ hôi và bụi bẩn, tránh tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển gây bệnh ngoài da như viêm da, mụn ngứa, bít tắc lỗ chân lông,...
- Ngủ đủ giấc: Nên ngủ đủ ít nhất 7-8 tiếng một ngày với người trưởng thành để cơ thể có thể phục hồi và tái tạo năng lượng hợp lý.
- Tiêm phòng đầy đủ: Sự tái bùng phát của COVID-19 tại một số quốc gia Châu Á như Thái Lan khiến nhiều người lo lắng, do vậy mà một lần nữa tầm quan trọng của việc tiêm phòng đầy đủ lại được nhắc lại. Chúng ta nên tiêm phòng các loại vaccine ngừa bệnh hô hấp như cúm, phế cầu,... đầy đủ khi đủ điều kiện sức khỏe, đặc biệt nếu bạn và gia đình có kế hoạch đi du lịch thì nên đảm bảo kế hoạch tiêm chủng ít nhất 2 tuần trước khi đi du lịch. Điều này giúp cơ thể tạo ra các kháng thể đặc hiệu giúp chống lại các tác nhân gây bệnh, giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh cũng như biến chứng nặng khi nhiễm virus, vi khuẩn gây bệnh.
- Sử dụng kem, thuốc xịt chống côn trùng khi ở bên ngoài: Sốt xuất huyết là tình trạng thường gặp và có thể bùng phát thành dịch trong mùa hè. Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút dengue gây ra. Mùa sốt xuất huyết thường xảy ra vào tháng 7 đến tháng 11, thời điểm lượng mưa dồi dào, độ ẩm tăng cao tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi và phát triển.
2. Không nên làm gì vào mùa hè?
- Chỉ uống nước khi cảm thấy khát: Không nên đợi đến khi khát mới uống nước, vì lúc đó cơ thể đã mất một lượng nước đáng kể. Dấu hiệu cho thấy bạn đang bị mất nước bao gồm: Miệng khô và hôi; nước tiểu sẫm màu; da khô và ửng đỏ; chuột rút cơ; nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt, ù tai; giảm lượng nước tiểu;...
- Tập thể dục quá sức: Tập thể dục quá sức vào mùa hè, đặc biệt nếu tập ngoài trời có thể là tăng nguy cơ mất nước, mệt mỏi nghiêm trọng và thậm chí đột quỵ do nhiệt. Do đó, nếu tập thể dục mà cảm thấy chóng mặt, nhức đầu, nhịp tim tăng nhanh mạnh bất thường thậm chí ngất xỉu thì cần nhanh chóng ngừng tập và tìm kiếm sự chăm sóc y tế cần thiết.
- Không di chuyển đột ngột từ môi trường lạnh sang nóng hoặc ngược lại: Không nên từ ngoài trời nắng nóng vào phòng điều hòa ngay lập tức, vì dễ gây sốc nhiệt. Tương tự, cũng không nên để điều hòa nhiệt độ quá thấp và chênh lệch lớn với nhiệt độ môi trường bên ngoài, khi các mạch máu trong não co lại, nó có thể khiến bạn bị đau đầu, khó chịu thậm chí tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khác như liệt dây thần kinh mặt, ảnh hưởng đến khả năng vận động của các cơ ở vùng mặt.

Cần tránh tắm và gội đầu vào đêm muộn mùa hè (Ảnh: ST)
- Không tắm hoặc gội đầu đêm muộn: Mùa hè, mọi người tắm đêm muộn hơn vì thời tiết nắng nóng, tắm đêm đem lại cảm giác mát mẻ, dễ chịu trước khi đi ngủ. Tuy nhiên, tắm đêm dù với bất cứ lý do gì đều gây ra rất nhiều nguy cơ, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với sức khỏe đặc biệt làm tăng nguy cơ bị đột quỵ cao hơn. Ngoài ra, việc tắm đêm còn có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim cấp hoặc xảy ra cơn đau co thắt ngực.
- Chế độ ăn uống kém dinh dưỡng, nhiều chất béo không lành mạnh: Các chuyên gia dinh dưỡng lưu ý rằng, việc cân bằng dinh dưỡng vào mùa hè đóng vai trò quan trọng giúp bạn có sức đề kháng tốt và phòng tránh nhiều bệnh truyền nhiễm. Do đó, vào mùa hè nên hạn chế ăn các món ăn cay nóng, đồ chiên rán, uống bia rượu có thể gây suy yếu miễn dịch và tăng tình trạng mất nước.
Nhìn chung, bằng cách chú ý tới những điều nên và không nên làm gì vào mùa hè, bạn sẽ có một mùa hè khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng. Thêm vào đó, nếu đang điều trị bệnh mạn tính, hãy thăm khám sức khỏe định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ.