Lợi ích công hay tài sản tư?

21/01/2019 - 09:54
Bà Winnie Byanyima - Giám đốc Điều hành của Oxfam International sẽ tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sĩ) trong tháng 1/2019. Dưới đây là thông điệp của bà về lợi ích công hay tài sản tư, về khoảng cách giới trong thu nhập, về những khó khăn của phụ nữ và trẻ em gái…

"Cứ vào tháng Một hàng năm, tôi lại thấy thấp thoáng một thế giới khác. Một thế giới của các tỷ phú, giới tinh hoa trong lĩnh vực kinh doanh và chính trị, hội tụ trong khu nghỉ dưỡng trên núi ở Davos (Thụy Sĩ) dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Nhiều bạn thường tò mò hỏi tôi đã từng gặp một tỷ phú chưa và họ là những người như thế nào. Tôi trả lời rằng họ may mắn từ lúc chào đời. May mắn được sinh ra là một cậu bé - có tới 9 trong 10  tỷ phú là đàn ông; may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu có - 1/3 tài sản của tỷ phú là tài sản thừa kế; may mắn được giáo dục tốt trong một thế giới có tới 262 triệu trẻ em không được tới trường.

Đối với Oxfam, lễ hội phù hoa thường niên mang tên Davos là cơ hội để nhìn thẳng vào cuộc khủng hoảng bất bình đẳng cực độ. Các báo cáo bất bình đẳng của chúng tôi những năm gần đây cho thấy số lượng những người may mắn này, vốn là số ít, đang ngày càng tăng. Báo cáo mới nhất của chúng tôi mang tên “Lợi ích công hay tài sản tư”, chỉ ra rằng tài sản của các tỷ phú trên thế giới đã tăng 12% tương đương 2,5 tỷ đô la một ngày vào năm ngoái. Từ năm 2017 đến năm 2018, cứ hai ngày lại có thêm một tỷ phú mới.

winnie-byanyima-oxfam.jpg
Bà Winnie Byanyima - Giám đốc Điều hành của Oxfam International  

Trong khi đó, tài sản của một nửa nghèo nhất của thế giới, 3,8 tỷ người, đã giảm đi 11%. Gần một nửa dân số thế giới đó đang vật lộn với thu nhập dưới 5,5 đô la Mỹ một ngày - chỉ cần thêm một hóa đơn học phí hay hóa đơn tiền bệnh, họ sẽ rơi vào tình trạng nghèo đói cùng cực.

Mặc dù phụ nữ đang đảm đương những công việc được coi là nền tảng của các nền kinh tế, bản thân họ lại không được hưởng lợi. Đàn ông trên toàn thế giới kiếm được nhiều hơn 23% so với phụ nữ và sở hữu khối tài sản cao hơn 50%. 

Khoảng cách cực đoan và ngày càng tăng giữa giàu và nghèo này không phải là ngẫu nhiên. Nó là kết quả của những chính sách được hoạch định bởi các chính phủ. Trong số đó, phần lớn là những quyết định về cách mà các chính phủ tăng, và tiêu tiền thuế. 

Cần nhìn nhận vấn đề làm thế nào mà thuế tài sản lại được cắt giảm hoặc xóa bỏ ở nhiều nước giàu và hiếm khi đánh thuế tài sản ở các nước nghèo. Chỉ có 4 cent trong mỗi đô la tiền thuế thu được trên toàn cầu là thuế đánh vào của cải như thừa kế hay tài sản vào năm 2015. 

Cần nhìn lại mức thuế đối với các cá nhân và tập đoàn giàu có đã được cắt giảm đáng kể như thế nào. Những tỷ phú như Warren Buffet thậm chí còn đang trả mức thuế thấp hơn so với các thư ký của họ. Ở một số quốc gia, như Brazil, tỉ lệ giữa tiền thuế so với thu nhập của 10% người nghèo nhất trong xã hội đang cao hơn  tỉ lệ này của 10% người giàu nhất. 

Các chính phủ còn khiến tình hình tồi tệ hơn khi chính họ không xử lý được nạn trốn thuế và để mặc các doanh nghiệp hoặc cá nhân giàu có đút túi hàng tỉ đô dưới hình thức không nộp thuế. Các nước nghèo mất khoảng 170 tỉ đô la mỗi năm từ hành vi trốn thuế của các cá nhân và tập đoàn giàu có. 

Đồng thời, các chính phủ đang chỉ đầu tư vụn vặt cho những dịch vụ công cần thiết trong việc giảm nghèo như dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục hoặc để các công ty tư nhân cung cấp các dịch vụ này, dẫn đến việc nhóm người nghèo nhất bị gạt ra ngoài vòng hưởng lợi. Những dịch vụ này là nền tảng để người dân có thể thoát khỏi tình trạng nghèo đói nhưng hiện nay chính họ lại bị tước đi cơ hội này. 

Hậu quả của những quyết sách này đã hằn sâu vào cuộc sống của hàng triệu người dân trên thế giới, trong đó có 10.000 người chết mỗi ngày vì không được tiếp cận chăm sóc y tế. 

Phụ nữ và các trẻ em gái luôn là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tôi đang nghĩ về những cô gái làng tôi ở Uganda, họ buộc phải thôi học vì không có tiền trang trải học phí; những người phụ nữ phải dành hàng giờ làm các công việc không lương, chăm sóc trẻ nhỏ, người già và người bị bệnh khi dịch vụ công không đáp ứng được. 

Nhân loại không thể sống chung với nghịch lý này. Chúng ta cũng không cần phải làm vậy. Chính sách của các chính phủ đã gây ra khủng hoảng này song họ có thể giải quyết nó bằng cách áp thuế công bằng đối với các tập đoàn và cá nhân, đầu tư số tiền này vào giáo dục và chăm sóc sức khỏe tốt và miễn phí cho tất cả mọi người. 

Chúng ta biết điều này là có thể. Khi chính phủ Ghana giảm học phí cho trường trung học phổ thông vào tháng 9 năm 2017, hơn 90.000 học sinh đã có cơ hội tới trường. 

Chúng ta cũng biết rằng một thay đổi, dù nhỏ, sẽ có thể mang lại những hiệu quả tích cực. Oxfam ước tính rằng chỉ cần 1% người giàu nhất đóng thêm 0,5% thuế tài sản thì thế giới sẽ có nhiều tiền hơn cả mức chi phí cần thiết giúp tất cả trẻ em hiện thất học được tiếp cận giáo dục và cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế cứu sống 3,3 triệu người. 

Những ý tưởng này không phải là cực đoan mà là hợp với lẽ thường. Ngay cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng đang đề cập tới thuế tài sản và cho rằng đánh thuế thu nhập cao hơn sẽ giúp giảm bất bình đẳng mà không có hại cho tăng trưởng. Họ đã bắt kịp với nguyện vọng của đa phần dân số trên thế giới, rằng được đi học hay được chăm sóc y tế khi bị bệnh không phải là đặc quyền dành cho số ít những người may mắn. 

Đó là quyền cơ bản của tất cả mọi người và là nền tảng cho các xã hội ổn định và những nền kinh tế mạnh. Đó là thông điệp mà tôi sẽ truyền tải tại diễn đàn Davos tuần này".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm