“Lời ru bên tượng đài liệt sĩ” qua tiếng hát chèo của cô giáo Hà Nội

An Khê
12/07/2022 - 17:03
“Lời ru bên tượng đài liệt sĩ” qua tiếng hát chèo của cô giáo Hà Nội

Cô giáo Đào Thị Bích Ngọc - giáo viên Ngữ văn trường THCS Nguyễn Trường Tộ, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội

Sinh ra và lớn lên ở quê hương của những làn điệu chèo Thái Bình mượt mà, cô giáo Đào Thị Bích Ngọc - giáo viên Ngữ văn trường THCS Nguyễn Trường Tộ, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội đã mang âm hưởng dân gian ấy vào bài giảng. Giọng hát chèo đằm thắm của cô đã truyền cảm hứng cho tiết học ngữ văn và cho thế hệ học sinh nối tiếp như lời nhắn nhủ về việc giữ gìn di sản văn hóa dân tộc, uống nước nhớ nguồn.

Trong MV đầu tiên của mình với tên gọi "Lời ru bên tượng đài liệt sĩ", nhiều khán giả đã xúc động trước chất giọng trong trẻo, vang, đặc trưng nảy của chèo xứ Bắc. Cùng với giọng hát truyền cảm ấy là tấm lòng hướng về cội nguồn để tri ân quá khứ: những anh hùng liệt sĩ đã hiến dâng tuổi thanh xuân, cuộc đời mình cho Tổ quốc. 

“Lời ru bên tượng đài liệt sĩ” qua tiếng hát chèo của cô giáo Hà Nội - Ảnh 1.

MV "Lời ru bên tượng đài liệt sĩ" được cô giáo Bích Ngọc ấp ủ từ lâu

Cô giáo Bích Ngọc đã hát tại nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hà Nội, thu âm, ghi hình rồi vượt hàng ngàn cây số trực tiếp vào Khu tưởng niệm các Liệt sĩ Trung đoàn 207 tại ấp Đá Biên- huyện Thạch Hóa, tỉnh Long An, nghĩa trang Hàng Dương- Côn Đảo thắp hương và dâng tặng lời ca cho các anh hùng liệt sĩ. 

“Lời ru bên tượng đài liệt sĩ” qua tiếng hát chèo của cô giáo Hà Nội - Ảnh 2.

Qua MV cô muốn truyền tải bức thông điệp đến với thế hệ trẻ hôm nay về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”

Cô chia sẻ: "Chèo là trong những loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền Việt Nam, tiêu biểu đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc. Loại hình nghệ thuật này có khả năng truyền tải một cách cụ thể, sâu sắc và thấm thía nhất nỗi niềm mà người hát muốn gửi gắm. MV chèo "Lời ru bên tượng đài liệt sĩ" đã được tôi ấp ủ từ rất lâu nhưng đến nay mới có dịp thực hiện. Qua MV này tôi muốn truyền tải bức thông điệp về truyền thống đạo lí tốt đẹp của dân tộc "Uống nước nhớ nguồn" để thế hệ trẻ hôm nay và mai sau hãy luôn khắc cốt ghi tâm rằng: Các em có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay là bởi lớp lớp cha ông đã phải đổ máu xương mới có được".

Tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, tính đến nay cô Bích Ngọc đã có 32 năm gắn bó với sự nghiệp "trồng người" Cô tâm sự: "Chưa bao giờ trong tôi nguội tắt ngọn lửa đam mê với sự nghiệp của mình, đặc biệt với bộ môn mà mình đang giảng dạy "Văn học là nhân học", người giáo viên dạy Văn không chỉ truyền thụ kiến thức cho học trò mà còn bồi đắp, nuôi dưỡng tâm hồn cho các em. Cụ thể là giáo dục ý thức giữ gìn và phát huy những di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc".

“Lời ru bên tượng đài liệt sĩ” qua tiếng hát chèo của cô giáo Hà Nội - Ảnh 3.

Khi nghe cô hát “Lời ru bên tượng đài liệt sĩ”, nhiều khán giả đã xúc động trước chất giọng trong trẻo, vang, đặc trưng nảy của chèo xứ Bắc

Vở chèo cổ rất nổi tiếng: "Quan âm Thị Kính" cũng được đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn THCS. Ở các tiết dạy này, bằng ngôn ngữ, phong thái cộng với vốn hiểu biết về loại hình nghệ thuật sân khấu, cô Bích Ngọc đã cố gắng giúp học trò của mình thấu hiểu cái hay, cái đẹp của các làn điệu chèo xứ Bắc, từ đó nuôi dưỡng trong tâm hồn các em ý thức giữ gìn và phát huy giá trị nghệ thuật chèo truyền thống.   

“Lời ru bên tượng đài liệt sĩ” qua tiếng hát chèo của cô giáo Hà Nội - Ảnh 4.

Cô Bích Ngọc gắn bó với công việc giảng dạy đã 32 năm

"Tôi hy vọng, qua làn điệu chèo này sẽ truyền cảm xúc tới các em học sinh, đến người nghe để mỗi chúng ta thêm một lần tưởng nhớ, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc: "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây" từ đó để có những hành động thiết thực, ý nghĩa để cùng tri ân các thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng nhân ngày 27-7", cô Bích Ngọc chia sẻ.

MV "Lời ru bên tượng đài liệt sĩ" của cô Đào Thị Bích Ngọc - giáo viên Ngữ văn trường THCS Nguyễn Trường Tộ, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm