Lời xin lỗi của Chủ tịch tỉnh và tiến trình xây dựng nền dân chủ

Tiểu Di
29/08/2023 - 10:35
Lời xin lỗi của ông Phạm Thiện Nghĩa chắc chắn không phải chỉ xin lỗi cho mình ông, thực chất ông thay mặt cho hệ thống cơ quan hành chính tỉnh mà ông là người đứng đầu. Mỗi cán bộ công chức, viên chức, trước lời xin lỗi đó cũng cần nhìn nhận lại chức trách của chính mình.

Sáng 28/8, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa gặp và trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Phước Thiện (ngụ huyện Cao Lãnh) sau khi tiếp nhận phản ánh đầu tuần trước và gặp gỡ 2 hộ dân, 1 doanh nghiệp. 

Ông Lê Văn Tùng (ngụ TP Sa Đéc) trình bày, ông mua nền tái định cư ở phường 2, TP Sa Đéc (thửa 222 của ông Tỵ) nhưng hiện tại, cháu của ông Tỵ đang xây nhà trên diện tích đất này. Hiện ông trong tình trạng có giấy tờ đất nhưng đất đã bị người khác cất nhà. 

Sau khi nghe thông tin từ những người trong cuộc và báo cáo tóm lược quá trình giải quyết thủ tục từ Sở Tài nguyên & Môi trường, ông Phạm Thiện Nghĩa đồng tình với người dân và khẳng định bức xúc của ông Tùng là đúng. Ông Nghĩa chỉ đạo Trung tâm hành chính công yêu cầu UBND TP Sa Đéc, Phòng Tài nguyên - Môi trường TP Sa Đéc rà soát, kiểm tra và trả lời cho dân vào tuần tới, sau kỳ nghỉ lễ. 

"Tôi xin lỗi anh Tùng cả năm qua đi tới đi lui vất vả để giải quyết vấn đề này. Các anh phản ánh đúng, lỗi do chúng tôi, nếu các bên chịu ngồi lại lắng nghe sẽ có cách giải quyết nhanh hơn. Tôi sẽ cho rà soát lại từ gốc vấn đề và trả lời trong tuần tới", ông Nghĩa nói.

Sau 10 năm ra đời, Luật tiếp công dân là cơ sở pháp lý để các cơ quan công quyền gặp gỡ lắng nghe tiếp nhận những phản ánh từ người dân và ghi nhận giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của họ.

Lời xin lỗi của Chủ tịch tỉnh và tiến trình xây dựng nền dân chủ - Ảnh 1.

Ông Phạm Thiện Nghĩa (thứ hai từ phải sang) lắng nghe ý kiến của ông Lê Văn Tùng (bìa phải), đồng thời xin lỗi và hứa sẽ trả lời vào tuần tới - Ảnh: Tuổi Trẻ

Thế nhưng, dẫu đã có luật, đồng nghĩa với việc đã xác định nghĩa vụ bắt buộc phải tiếp dân, vẫn có những cơ quan thực hiện không nghiêm, thậm chí không thực hiện nghĩa vụ này.

Ở một mức độ nào đó, trên phạm vi toàn tỉnh, ông Chủ tịch chắc chắn sẽ không chỉ có "trăm công ngàn việc" mà khối lượng công việc còn gấp nhiều lần con số mang tính ước lệ này. Cơ quan hành chính, đặc biệt là người đứng đầu như ông Chủ tịch tỉnh, dù rất cố gắng cũng chỉ có thể tiếp xúc với người dân, lắng nghe, trực tiếp giải quyết những vụ việc "đếm trên đầu ngón tay" vì thời gian không cho phép.

Tuy nhiên, trong cuộc gặp vừa qua của ông Phạm Thiện Nghĩa, thái độ ấy, cách làm việc ấy lại vô cùng quan trọng và ngoài việc trực tiếp giải quyết được những vấn đề thiết yếu cho những người dân đến phản ánh, nó còn mang tính biểu tượng cao.

Lời xin lỗi của ông Phạm Thiện Nghĩa chắc chắn không phải chỉ xin lỗi cho mình ông, thực chất ông thay mặt cho hệ thống cơ quan hành chính tỉnh mà ông là người đứng đầu. Mỗi cán bộ công chức, viên chức, trước lời xin lỗi đó cũng cần nhìn nhận lại chức trách của chính mình.

Lời xin lỗi của ông Chủ tịch tỉnh cũng chính là một cách chấn chỉnh thậm chí là giáo dục về ý thức trách nhiệm cho những công bộc đang cùng công tác với ông.

Ở phía người dân, chắc chắn không phải tất cả những người đang "gặp vấn đề" đều có thể gặp ông Chủ tịch nhưng qua "vụ việc", họ có thêm niềm tin, hy vọng vấn đề của mình được tiếp nhận giải quyết thỏa đáng trong thời gian sớm nhất.

Thậm chí người dân cũng có thể lấy tấm gương của ông Chủ tịch làm một tiền lệ để "gây sức ép" cho các cán bộ công chức khác nếu họ chưa làm tròn chức trách của mình.

Với cách làm việc của ông Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp, người dân sẽ rất vui mừng chờ được gặp ông, được phản ánh được trao đổi và lắng nghe câu trả lời và họ nếu có lên mạng xã hội có lẽ cũng chỉ để khoe về việc vấn đề của mình đã được giải quyết một cách thỏa đáng, kịp thời. Từ đó, có thể nhìn thấy người dân Đồng Tháp sẽ tích cực hơn trong việc trao đổi, phản ánh trình bày với cơ quan chức năng tỉnh.

Giữa người dân và cơ quan quyền lực nhà nước luôn tồn tại một mối quan hệ xã hội mà từ trong lịch sử hình thành nhà nước pháp luật vốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và cả những quan hệ rất dễ xung đột về lợi ích.

Cùng với sự phát triển của nhân loại, các chế định nhà nước và pháp luật dần hoàn thiện. Và chỉ ở những thể chế dân chủ nhất, mối quan hệ này mới có thể trở nên hài hòa. Ở đó, người dân và cơ quan công quyền có thể gặp gỡ trao đổi cùng nhau giải quyết những vấn đề phát sinh của xã hội.

Tuy nhiên, xây dựng thế chế dân chủ cũng là cả một quá trình phấn đấu lâu dài và không mệt mỏi của cả xã hội. Chính vì thế, sinh thời, Hồ Chủ tịch đã nhấn mạnh: "Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng ra".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm