Những ngày qua, thông tin dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát tại Việt Nam khiến người dân lo lắng. PNVN đã trao đổi với ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) về vấn đề này.
Thưa ông, diễn biến dịch bệnh tả lợn châu Phi hiện nay thế nào?
Ông Phạm Văn Đông: Khi Trung Quốc có dịch, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT và Cục Thú y đã có nhiều văn bản, công văn hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 4 tỉnh, thành có dịch tả lợn châu Phi, gồm Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng và Thanh Hóa.
Nguyên nhân nào khiến dịch tả lợn châu Phi xuất hiện là lây truyền ở Việt Nam, thưa ông?
Ông Phạm Văn Đông: Có rất nhiều nguyên nhân khiến bệnh tả lợn châu Phi lây nhiễm ở Việt Nam. Theo đó, Việt Nam là điểm du lịch được nhiều du khách trên thế giới lựa chọn. Trong đó, có những hành khách ở nước đang có dịch. Khi vào Việt Nam, họ đang mang theo mầm bệnh. Còn trong nước, thời điểm cận Tết, số lượng lợn được mua bán, vận chuyển, giết mổ rất lớn trong khi người dân còn thờ ơ với phòng chống dịch bệnh… Theo nghiên cứu, virus dịch tả heo châu Phi lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm bệnh như: Chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm virus và ăn thức ăn thừa chứa thịt lợn nhiễm bệnh hoặc bị ve mềm cắn.
Thưa ông, hiện tại những địa phương nào có nguy cơ mắc dịch bệnh tả lợn châu Phi cao?
Ông Phạm Văn Đông: Ngoài những tỉnh, thành đã có dịch thì những địa phương tiếp giáp có nguy cơ rất cao. Chúng tôi cảnh báo cao độ nguy cơ lây lan dịch ở các địa phương đã và đang có một vài ổ dịch; các địa phương xung quanh liền kề với vùng đang có dịch; các địa phương giáp biên giới; các địa phương có tổng đàn lợn với số lượng lớn; các địa phương có nhiều khách du lịch và có phương tiện vận chuyển đến từ các nước đang có bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Bệnh dịch tả lợn châu Phi đã có vaccine phòng bệnh chưa, thưa ông?
Ông Phạm Văn Đông: Trên thế giới đã và đang có nhiều tổ chức nghiên cứu vaccine phòng bệnh này. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nghiên cứu và sản xuất thành công vaccine phòng bệnh. Hiện tại, Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cam kết hỗ trợ cho Việt Nam về chẩn đoán xét nghiệm, cung cấp trang thiết bị, nguyên vật liệu xét nghiệm, chuyên gia kỹ thuật, đào tạo, tập huấn, tổ chức hội nghị, hội thảo, chia sẻ thông tin, kinh nghiệ để chống dịch.
Thưa ông, đối với những hộ phải tiêu hủy lợn, cơ chế hỗ trợ như thế nào?
Ông Phạm Văn Đông: Theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tại, dịch bệnh, thì nhà nước hỗ trợ 38.000 đồng/kg lợn bị tiêu hủy. Vì vậy, bà còn chăn nuôi phải báo ngay cho cơ quan chức năng khi phát hiện lợn có biểu hiện chết bất thường, tránh trường hợp khi lợn ốm chết thì chủ nhà bán chạy khiến dịch bệnh lây lan nhanh.
Ông có khuyến cáo thêm gì với người dân về bệnh tả lợn châu Phi?
Ông Phạm Văn Đông: Chúng tôi khuyến cáo với người chăn nuôi không được giấu dịch, không bán chạy, không vứt xác lợn ra ngoài môi trường, không giết mổ lợn để bán thịt hoặc sử dụng thịt. Chúng tôi cũng chưa ghi nhận trường hợp nào bị dịch tả lợn châu Phi lây lan sang các loại động vật khác, đặc biệt bệnh này không lây sang người.
Ngoài ra, người tiêu dùng sản phẩm thịt lợn hết sức bình tĩnh, không khoang mang. Đồng thời, bảm đảm được sản xuất, chăn nuôi, phát triển lợn bền vững, tránh nguy cơ trống chuồng sau dịch như đã từng xảy ra.
Xin cảm ơn ông!