Lồng ghép Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình khi xây dựng gia đình văn hóa

27/12/2018 - 09:43
Sở VH,TT&DL tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có bảng điểm bình xét cụ thể tại các gia đình thực hiện Bộ tiêu chí này. Ngay đầu năm 2019, các gia đình sẽ đăng ký tham gia, cuối năm thì bình xét và đưa ra rút kinh nghiệm từng khâu cho thời gian tiếp sau.

Anh Phạm Hoàng Long, phụ trách Phòng xây dựng nếp sống văn hóa gia đình tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, chia sẻ: “Nhận được kế hoạch chỉ đạo từ Trung ương, chúng tôi đã nhanh chóng tổ chức Hội nghị tập huấn về việc triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình cho cán bộ văn hóa cấp cơ sở vào tháng 11/2018 và sẽ bắt đầu thực hiện từ tháng 1/2019”.

 

Các gia đình của Bà Rịa - Vũng Tàu tham gia cuộc thi nấu ăn tại Ngày hội gia đình các tỉnh Đông Nam bộ năm 2017

 

Anh Long cũng cho biết: Vũng Tàu sẽ đưa bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình gắn với việc thực hiện xây dựng gia đình văn hoá.  Bởi để thực hiện thành công bộ tiêu chí này, mọi thứ vẫn phải xuất phát từ gia đình, gia đình là trung tâm của chương trình. Như vậy, danh hiệu gia đình văn hóa trước đây sẽ được cụ thể hơn khi có bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình lồng ghép vào. 

 

Sở văn hoá tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu có bảng điểm bình xét cụ thể tại các gia đình thực hiện Bộ tiêu chí này. Ngay đầu năm 2019, các gia đình sẽ đăng ký tham gia, cuối năm thì bình xét và đưa ra rút kinh nghiệm từng khâu cho thời gian tiếp sau.

 

Sở cũng hướng dẫn cán bộ cơ sở cụ thể từ các khái niệm như: “Ứng xử”, “Văn hóa ứng xử”, “Ứng xử trong gia đình”, “Văn hóa ứng xử trong gia đình”, “Tiêu chí ứng xử trong gia đình”, cụ thể như:

Ảnh minh họa

 

- “Ứng xử” là thể hiện nhận thức, hành vi của con người với một thái độ hành động, lời nói thích hợp trong các mối quan hệ, giao tiếp xã hội.

 

- “Văn hóa ứng xử” là tập hợp những nét đẹp của cá nhân và cộng đồng thể hiện sự nhận thức, hành vi qua các thái độ, hành động trong mối quan hệ giữa người và người, giữa con người với tự nhiên với một thái độ, hành vi mang giá trị văn hóa. “Văn hóa ứng xử” là kết tinh những giá trị nhân văn được con người sáng tạo, hoàn thiện và phát triển không ngừng, tương ứng với các giai đoạn phát triển của các hình thái xã hội, văn hóa của quốc gia và nhân loại, khác với các “tập tính” của các loại động vật sống quanh con người.

 

-  “Ứng xử trong gia đình” thể hiện nhận thức, hành vi của các thành viên gia đình đối xử với nhau với một thái độ, hành động, tình cảm, lời nói thích hợp dựa trên các mối quan hệ, giao tiếp trong nếp sống “gia phong”, đạo đức theo truyền thống văn hóa tộc người và quốc gia. Từ đó, mối quan hệ trong gia đình diễn ra trên nhiều bình diện theo các cặp quan hệ (vợ chồng, con cái, ông bà...) về tâm linh, tín ngưỡng, kinh tế, xã hội... song đều thông qua lối “ứng xử”. Sự tích cực, hay tiêu cực của các hành vi ứng xử giữa các thành viên tạo nên chất lượng, giá trị sống và giá trị phát triển của gia đình.

 

- “Văn hóa ứng xử trong gia đình” là tập hợp những mối quan hệ xã hội đặc biệt của các thành viên về lớp tuổi, giới tính, thế hệ, ngôi thứ trong một cấu trúc xã hội cụ thể, là nét đẹp thể hiện qua nhận thức, thái độ, hành vi ứng xử giữa các thành viên với một thái độ giao hòa giữa lý trí và tình cảm, xã hội tâm linh, vật chất và tinh thần mang phong cách, tập quán của các cộng đồng người và quốc gia.

 

- “Tiêu chí ứng xử trong gia đình” là hệ thống các dấu hiệu làm căn cứ để nhận biết, xếp loại hoặc nhận xét, đánh giá nhận thức, hành vi của các thành viên gia đình đối xử với nhau với một thái độ hành động, tình cảm, lời nói thích hợp trong các mối quan hệ, giao tiếp thể hiện nếp sống, đạo đức theo truyền thống văn hóa tộc người và quốc gia”.

Anh Phạm Hoàng Long khẳng định: Để các mối quan hệ xã hội và ứng xử trong gia đình được tốt đẹp thì việc nhận thức và thực hiện các tiêu chí ứng xử trong gia đình có ý nghĩa quyết định. Đây là vấn đề đạo đức, giá trị xã hội, giá trị văn hóa mang những bản sắc riêng của từng loại hình gia đình, tộc người và quốc gia. Trong những năm qua, hoạt động xây dựng nếp sống gia đình có thể nói chưa có điều kiện đi sâu vào xây dựng một hệ thống tiêu chí ứng xử trong gia đình để làm công cụ hiệu quả, cụ thể hơn trong thực hiện các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa ở cơ sở.  Ứng xử trong gia đình và tiêu chí ứng xử trong gia đình cần được tiếp tục quan tâm trong thời gian tới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm