Luật cần nghiêm cấm nội dung, hình ảnh bất bình đẳng giới trong SGK

15/11/2018 - 16:58
Vấn đề xây dựng chương trình, SGK phổ thông mới đề cập trong Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Có ý kiến yêu cầu cần đưa vào điều luật cấm hình ảnh, nội dung thể hiện định kiến giới trong chương trình SGK mới và các tài liệu giáo dục trong nhà trường.

Xử lý nghiêm các dấu hiệu bất bình đẳng giới trong giáo dục

Cuộc thảo luận ở Quốc hội ngày 15/11 về Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) nhận được nhiều ý kiến của đại biểu xung quanh chương trình phổ thông, SGK mới. Đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) cho rằng, yếu tố về giới chưa được chú trọng rõ nét trong dự luật, trong khi đây là vấn đề quan trọng đối với giáo dục trong nhà trường.

Theo bà, hiện nay, nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giới ở Việt Nam là do định kiến, quan niệm truyền thống về vai trò của phụ nữ và nam giới đã ăn sâu, bám rễ trong xã hội. Những khuôn mẫu giới không thể thay đổi một sớm một chiều mà cần cả quá trình. Trong đó rất cần giáo dục sớm về bình đẳng giới cho trẻ em thông qua việc lồng ghép bình đẳng giới trong chương trình tổng thể, chương trình môn học và SGK ngay từ bậc học mầm non để giúp các em định hình suy nghĩ, hình thành tính cách, thói quen và hành vi ứng xử bình đẳng, nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong xã hội.

1_163659.jpg
Những hình ảnh được cho là định kiến giới trong SGK hiện hành 

“Với tầm quan trọng này, tôi đề nghị bổ sung thêm quy định, đó là "nghiêm cấm những nội dung, hình ảnh thể hiện định kiến giới hoặc phân biệt đối xử về giới trong chương trình SGK  và các tài liệu giáo dục trong nhà trường"- đại biểu Trinh nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến chương trình phổ thông mới, đại biểu Hồ Thanh Bình (An Giang) đồng tình với việc cần có sự kiểm soát chặt chẽ những nội dung đưa vào giảng dạy trong các bộ SGK, trong bối cảnh cấp học phổ thông sẽ có nhiều bộ SGK để lựa chọn giảng dạy.

Theo ông, việc quy định mỗi môn học có một hay nhiều SGK  cần được xem lại. Thực tiễn quản lý và theo ý kiến của nhiều chuyên gia giáo dục cần quy định mỗi môn học một SGK, có thể có nhiều tài liệu tham khảo để thống nhất quản lý về giáo dục. Nội dung SGK này do Hội đồng quốc gia thẩm định và lựa chọn.

201711071739100499_ah3i1379-ho-thanh-binh-tinh-an-giang.jpg
Đại biểu Hồ Thanh Bình (An Giang). Ảnh: VPQH

“Qua phản ánh của cử tri và thực tiễn kiểm chứng cho thấy, cần lưu ý quản lý chặt chẽ hơn nữa đối với việc biên soạn các nội dung SGK và sách tham khảo. Việc biên soạn SGK phải đảm bảo nội dung trong sáng, thiết thực, gần gũi với thực tiễn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Đặc biệt có định hướng giáo dục chân, thiện, mỹ cho học sinh” – đại biểu Thanh Bình nói.

Ông cũng nhất trí cao với việc kiểm soát chặt và có cơ chế xử phạt đối với hành vi đưa sai nội dung vào SGK. “Việc đưa vào SGK những nội dung không đúng quy định trích dẫn hay cố tình làm sai lệch bản gốc của các sáng tác hoặc nội dung gây hiểu lầm về ý nghĩa giáo dục, thậm chí sai chính tả cần được tuyệt đối kiểm duyệt. Đề nghị Hội đồng thẩm định phải thận trọng và nghiêm túc xem xét nội dung của các bài học trong SGK” – ông đề xuất.

Chấm dứt tình trạng quá tải chương trình học

Về chương trình phổ thông mới, đại biểu Đỗ Văn Bình (Hải Phòng) cho rằng, Dự thảo luật quy định về chương trình giáo dục thể hiện mục tiêu, yêu cầu về phẩm chất, năng lực học sinh cần đạt được, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương và cơ sở giáo dục nhưng chưa thể hiện rõ yêu cầu chương trình giáo dục phù hợp với khả năng, năng lực của học sinh.

“Đã có ý kiến về sự quá tải của chương trình học đối với học sinh. Đây có thể là một nguyên nhân dẫn đến việc học đuổi, học trước chương trình, dạy thêm, học thêm. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung yêu cầu chương trình giáo dục cần phải phù hợp với khả năng, năng lực của học sinh” – ông Bình đề xuất.

201806130956553536_4-do-van-binh-tp-hai-phong.jpg
Đại biểu Đỗ Văn Bình (Hải Phòng. Ảnh: VPQH

Ông Đỗ Văn Bình cho rằng, theo dự thảo luật, mỗi một môn học có một hoặc một số SGK. Cơ sở giáo dục được lựa chọn SGK để sử dụng ổn định trên cơ sở tham khảo ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh. Vậy, khối lượng kiến thức chuẩn mà học sinh cần phải đạt được khi các cơ sở giáo dục khác nhau sử dụng SGK khác nhau của cùng 1 môn học sẽ được đảm bảo như thế nào?

“Mỗi năm học sẽ có những lớp học sinh và cha mẹ học sinh khác nhau và sẽ có những ý kiến khác nhau về SGK thì làm sao SGK đảm bảo yêu cầu ổn định? Để đảm bảo yêu cầu ổn định, cơ sở giáo dục không thay SGK đã sử dụng có thể dẫn tới áp lực của cha mẹ học sinh, học sinh nhất là trong trường hợp kết quả học tập của cơ sở giáo dục này thấp hơn cơ sở giáo dục khác? Đề nghị Ban soạn thảo làm rõ các nội dung trên” – đại biểu Bình cho biết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm