Luật Hôn nhân gia đình: 3 bất cập từ thực tiễn các vụ ly hôn

30/07/2019 - 07:11
Từ thực tiễn xử lý đơn thư của phụ nữ gửi đến Hội LHPN Việt Nam (Hội) và các trường hợp phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình đến tạm lánh tại Ngôi nhà Bình yên của Hội cho thấy, Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 và các văn bản luật liên quan còn nhiều khoảng cách, kẽ hở giữa luật và cuộc sống khi giải quyết các vụ án ly hôn, đẩy phụ nữ và trẻ em đứng trước nguy cơ rủi ro, mất an toàn cao hơn.

Thứ nhất, phụ nữ gặp nhiều khó khăn trong quá trình ly hôn, đặc biệt những vụ việc mà phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình. 

Khoản 1 Điều 56 quy định “bạo lực gia đình” là căn cứ để giải quyết cho ly hôn. Trên thực tế, một số vụ án ly hôn Tòa án chưa xem xét thỏa đáng lý do phụ nữ bị bạo lực gia đình là một trong những căn cứ cho ly hôn và các thủ tục ly hôn chưa thực sự hỗ trợ phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình. Nhiều trường hợp nộp hồ sơ ly hôn không được chấp nhận do thiếu giấy tờ hoặc giấy tờ đang bị người chồng giữ. Một số Tòa án yêu cầu đương sự phải đưa ra bằng chứng bị chồng bạo lực ngay cả khi đã nộp Giấy xác nhận đang phải tạm lánh tại Nhà Bình yên.

gia-dinh-8.jpg
Hoà giải đang là rào cản trong một số vụ án ly hôn, gây tâm lý căng thẳng và nguy cơ mất an toàn cho phụ nữ khi phải gặp mặt trực tiếp người gây bạo lực tại tòa (Ảnh minh hoạ)

 

Hòa giải đang là rào cản trong một số vụ án ly hôn do phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình đứng đơn. Đề nghị không tiến hành hòa giải của nạn nhân BLGĐ chưa thực sự được chú ý, gây tâm lý căng thẳng và nguy cơ mất an toàn cho phụ nữ khi phải gặp mặt trực tiếp người gây bạo lực tại tòa. Cá biệt có những ca, Tòa tiến hành hòa giải 16 lần để thuyết phục nạn nhân chuyển quyền nuôi con cho bố dù đứa trẻ dưới 3 tuổi.

Nhiều trường hợp phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình phải cân nhắc để ra quyết định ly hôn vì có thể bị mất quyền nuôi con do không có việc làm ổn định, không có nghề nghiệp, bị phụ thuộc kinh tế. Trong một số vụ án ly hôn, người chồng được cho là có điều kiện hơn về kinh tế so với vợ, Toà xử cho chồng được nuôi con nhưng chưa thực sự quan tâm đến các điều kiện đảm bảo an toàn cho đứa trẻ, nhất là khi người bố đã có hành vi bạo hành với vợ. Do vậy, phụ nữ thường gửi đơn đến Hội đề nghị can thiệp thay đổi quyền nuôi con khi phát hiện bố có hành vi bạo lực đối với con.

Thực tế, phụ nữ sau ly hôn thường phải thuê nhà để ở do trước đó sống chung với gia đình chồng. Chính vì vậy, có nhiều kịch bản bất lợi xảy ra, như: phụ nữ không được đón con dù được quyền nuôi con, hoặc nếu không nuôi con thì bị chồng và gia đình chồng ngăn cản quyền thăm con; Không được thi hành án để lấy phần tài sản thuộc quyền sở hữu của mình; Nhiều phụ nữ là nạn nhân BLGĐ tiếp tục phải nuôi con một mình, không có sự đóng góp của người cha.

Thứ hai, Luật còn có quy định chưa bảo đảm quyền lợi của phụ nữ và trẻ em trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình

Luật quy định rõ “bạo lực gia đình” hoặc "vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng" là căn cứ để giải quyết cho ly hôn nếu nó làm cho hôn nhân lâm vào “tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được”. Đây đều là các quy định mang tính khái quát cao, nếu không có hướng dẫn sẽ rất khó áp dụng đúng, chính xác và thống nhất khi giải quyết ly hôn. Hành vi “Bạo lực gia đình” được coi là căn cứ để giải quyết ly hôn cũng chưa rõ, thiếu các căn cứ để xác định “vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình” hoặc “vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng”

Đa số phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình khi ly hôn thường gặp rất nhiều khó khăn kinh tế, chỗ ở, việc làm… Họ thường rơi vào trường hợp“không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con” theo Khoản 3 Điều 81. Vì vậy, họ mất luôn quyền trực tiếp nuôi con. Trong một gia đình hằng ngày các con phải chứng kiến cảnh bố bạo hành mẹ thì chính những đứa trẻ đó cũng là nạn nhân trực tiếp của bạo lực gia đình. Những trường hợp đó mà Tòa án lại quyết định giao con cho người gây bạo lực trực tiếp nuôi con thì hoàn toàn không phù hợp.

Khi ly hôn, việc chia tài sản chung của vợ chồng có tính đến yếu tố lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng nhưng không có hướng dẫn cụ thể sẽ dẫn đến áp dụng tùy tiện. Thêm vào đó, “bạo lực gia đình” hoặc "vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng" là căn cứ để giải quyết cho ly hôn. Nhưng khi ly hôn, việc chia tài sản chung của vợ chồng lại chỉ tính đến yếu tố lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng mà không tính đến lỗi của mỗi bên trong bạo lực gia đình là không phù hợp.

Thứ ba, thời gian theo đuổi vụ án ly hôn có nguyên nhân do bạo lực gia đình thường làm trầm trọng hơn tình trạng của nạn nhân.

Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, có 86,23% án ly hôn có nguyên nhân do bạo lực gia đình, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ. Các quy định về thời gian giải quyết một vụ ly hôn có nguyên đơn là nạn nhân bạo lực gia đình theo thủ tục tố tụng dân sự hiện nay là quá dài. Từ khi nguyên đơn được nhận và xử lý đơn đến khi nhận được thông báo đơn của mình đã được thụ lý là 15 ngày (Điều 191, Điều 196 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015). Thời hạn chuẩn bị xét xử là 04 hoặc 06 tháng. Khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử có thể cũng phải chờ đến gần 02 tháng (Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015). Đấy là chưa kể trường hợp vụ án rơi vào tình trạng phải tạm đình chỉ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm