Luật sư nói về vụ cô gái "bùng" 11 triệu sau khi ăn bò Wagyu, tôm hùm: Trường hợp có giấy xác nhận tâm thần, vụ việc có thể xử lý theo cách khác

VÂN ĐỨC
29/05/2024 - 15:00
Luật sư nói về vụ cô gái "bùng" 11 triệu sau khi ăn bò Wagyu, tôm hùm: Trường hợp có giấy xác nhận tâm thần, vụ việc có thể xử lý theo cách khác

Lực lượng chức năng cùng quản lý nhà hàng làm việc với cô gái bị tố quỵt tiền (Ảnh: M.S)

Sự việc cô gái ăn ở nhà hàng của khách sạn 5 sao nhưng không trả tiền, có giấy xác nhận tâm thần thì vụ việc sẽ được xử lý như thế nào?

Mới đây, một bài viết được chia sẻ trên mạng xã hội về việc cô gái trẻ gọi đồ ăn tại nhà hàng của khách sạn 5 sao nhưng không trả tiền, gây xôn xao dư luận.

Theo đó, tài khoản chia sẻ bài viết là anh M.S (quản lý nhà hàng). Anh S. cho biết, cô gái trên ăn mặc sang trọng bước vào nhà hàng, yêu cầu lấy thực đơn và gọi các món cao cấp gồm: Bò Wagyu A5, tôm hùm nguyên con, rượu vang Đức, hoa quả… Tổng số tiền cần thanh toán là hơn 11 triệu đồng.

Luật sư nói về vụ cô gái "bùng" 11 triệu sau khi ăn bò Wagyu, tôm hùm: Trường hợp có giấy xác nhận tâm thần, vụ việc có thể xử lý theo cách khác- Ảnh 1.

Cô gái gọi rất nhiều món ăn đắt tiền nhưng không chịu thanh toán (Ảnh: M.S)

Tuy nhiên, khi nhà hàng đến giờ chuẩn bị đóng cửa, nhân viên in hóa đơn tính tiền thì người này "tỏ ra ngây ngô và không mang bất kỳ giấy tờ cá nhân nào".

Sau đó, quản lý nhà hàng đã ra nói chuyện với cô gái, đồng thời liên hệ Công an can thiệp. Tuy nhiên cô gái này không hợp tác, liên tục tỏ ra không bình thường, nằm ra ghế sofa. Lúc sau, cô gái này rời đi nhưng không trả tiền.

Sau khi bài viết được đăng tải khiến nhiều người đặt ra câu hỏi, chủ nhà hàng có quyền tạm giữ khách đến khi họ chịu trả tiền? Nếu khách không chịu trả tiền sẽ bị xử lý như thế nào?

Trường hợp khách "bùng" thanh toán phải xử lý thế nào?

Trước sự việc trên, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), cho biết, việc đi ăn phải trả tiền, đó là quy luật bất thành văn không cần phải tranh cãi. Việc đi ăn nhưng không trả tiền rõ ràng là trái đạo đức, trái pháp luật xâm phạm đến quyền sở hữu của người cung cấp dịch vụ. Tuỳ vào tính chất mức độ hành vi vi phạm, người không trả tiền có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.

Nếu xử phạt hành chính trong trường hợp này, chủ quán có thể thoả thuận với người ăn thanh toán tiền trước khi rời đi hoặc thoả thuận giữ tài sản có giá trị tương đương số tiền nợ để đảm bảo người này quay lại trả nợ.

"Nếu cần thiết chủ quán có thể báo với cơ quan công an đến lập biên bản xem xét xử lý về gian dối chiếm đoạt tài sản của người khách theo quy định tại điểm c, khoản 1 điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Trong khoảng thời gian chờ cơ quan công an đến xử lý vụ việc thì hành động này không có dấu hiệu giữ người trái pháp luật", luật sư Diệp Năng Bình cho biết.

Ngoài ra, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự vì hành vi mua hàng nhưng cố tình không trả tiền. Căn cứ quy định tại Điều 175 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm. Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Nếu khách hàng là người bị mất năng lực hành vi dân sự, ai chịu trách nhiệm?

Theo luật sư Diệp Năng Bình, trong trường hợp khách hàng quỵt tiền mà có giấy xác nhận tâm thần hay nói cách khác là giấy tờ chứng minh là người bị mất năng lực hành vi dân sự thì vụ việc có thể được xử lý theo cách khác.

Theo Điều 22, BLDS 2015 người mất năng lực hành vi dân sự là người bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

Tại Điều 586 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại thuộc về người giám hộ (nếu có). Người giám hộ ở đây có thể là người thân hoặc một người khác tuỳ vào giấy tờ hồ sơ nhân thân của người được cho là mắc bệnh tâm thần.

Theo đó, người giám hộ có trách nhiệm dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình. Nếu người giám hộ không muốn lấy tài sản của mình ra để bồi thường thì phải chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ.

Do vậy, tuỳ thuộc vào kết luận điều tra, nếu đúng khách hàng mắc bệnh tâm thần thì người giám hộ có thể phải tri trả bồi thường thiệt hại cho nhà hàng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm