Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ: Đồng hành tìm sự công bằng cho phụ nữ, trẻ em

Đinh Thu Hiền
16/10/2020 - 14:24
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ: Đồng hành tìm sự công bằng cho phụ nữ, trẻ em

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ trao đổi công việc với cộng sự. Ảnh: NVCC

"Tôi và con gái nợ luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cả cuộc đời", dòng tâm sự ngắn ngủi của bà mẹ có con bị xâm hại tại Q.Tân Bình, TPHCM, cũng đủ gói trọn sự biết ơn, niềm kính trọng của các số phận gặp bi kịch đối với nữ luật sư nhiệt tâm, nhiệt tình.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ: Biểu tượng của sự tận hiến - Ảnh 1.

"Lá chắn thép bảo vệ trẻ em và phụ nữ". Ảnh: NVCC

Lá chắn thép bảo vệ trẻ em và phụ nữ

Thật khó có thể tìm ra ngay câu từ gì phù hợp nhất, để phác họa chân dung luật sư Trần Thị Ngọc Nữ. Chỉ biết diễn giải đơn giản rằng, bất cứ nạn nhân nào của bạo lực giới, xâm hại đến tìm luật sư Nữ, thì đều nhận được sự giúp đỡ hết lòng, hết sức. Dù vụ việc đó có khó đến cách mấy, dù phải tốn nhiều thời gian và tiền bạc đến bao nhiêu, nhưng luật sư Nữ chưa bao giờ ngưng bước.

Một bữa, tôi đang ở tòa soạn thì nhận được tin nhắn của luật sư Nữ. Cô nói con ghé ngay quán cà phê A. đi, cô đang ngồi ở đây cùng mẹ con bé gái 13 tuổi đã sinh con. Sáng nay bà mẹ nhí đi làm giấy khai sinh cho con trai, nên cán bộ tư pháp ở phường phát hiện ra, báo bên công an. Giờ cô đang ngồi nói chuyện với họ nè! Tôi vội chạy tới nơi, thấy luật sư Nữ đang tư vấn cho mẹ con bé gái kia. Sau đó, bà gọi xe công nghệ, dúi vào tay người mẹ chút tiền, nói cầm lấy để trả tiền xe về nhà, chứ phụ bán bún vịt với bà ngoại mỗi ngày, lại còn nuôi con nhỏ nữa thì tiền đâu có dư. Người mẹ rất ngạc nhiên trước sự quan tâm và chăm sóc của "bà Nữ". 

Có lẽ ai gặp luật sư Nữ lần đầu tiên, cũng đều thể hiện sự ngạc nhiên như vậy. Luật sư vừa bảo vệ miễn phí, vừa nhờ các cơ quan truyền thông hỗ trợ, lại vừa cho tiền xe, tiền ăn uống, tiền đi lại. Hỏi khắp thiên hạ coi, cách chăm sóc như vậy với các nạn nhân là phụ nữ và trẻ em, đời này có bao nhiêu người?!

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ: Biểu tượng của sự tận hiến - Ảnh 2.

Luật sư Nữ và các luật sư của Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM thường xuyên làm các phiên tòa giả định tại nhiều trường học trên địa bàn cả nước. Ảnh: NVCC

Song, ai đã từng thân thiết với luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, đều chứng kiến các việc cô thực hiện như vậy, là chuyện "thường ngày ở huyện". Nhớ trước khi phiên tòa xử vụ cha dượng bạo hành con riêng của vợ tại Q.12 diễn ra, luật sư Nữ cho biết đã phải hứa với ông ngoại dượng của nạn nhân, nếu đưa cháu bé từ dưới miền Tây lên Sài Gòn để phiên xử hoàn tất xong, "bà Nữ" sẽ lo cho toàn bộ chi phí. Kết thúc phiên tòa, luật sư Nữ thực hiện lời hứa của mình. Thẩm phán có mặt tại đó đã phải thốt lên: "Đúng là chỉ có chị Nữ mới có thể thực hiện các việc như vầy!"

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn. Thời điểm bà vừa lấy bằng tú tài xong, thì Sài Gòn giải phóng. Sau năm 1975, bà vào học trong trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM và đi làm tại Sở Thương Mại. Năm 2004, bà lấy bằng thạc sĩ của trường ĐH Kinh tế TPHCM. Cũng thời gian này, bà học học và lấy được bằng Luật sư năm 2007.

Bắt đầu từ đây, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ tham gia tư vấn các vụ án bảo vệ trẻ em miễn phí. Năm 2014, cùng với bà Ngọc Mai (hiện là Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM), luật sư Trần Thị Ngọc Nữ đã đi vận động rất nhiều tổ chức, cá nhân để tham gia vào Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM, trực thuộc UBND TPHCM, trong đó Chi hội Luật sư là nòng cốt. Hiện chi hội đã có 30 luật sư chuyên bảo vệ trẻ em bị xâm hại, bị bạo hành trước pháp luật. Các luật sư đã đồng hành cùng các con từ giai đoạn tư vấn, điều tra cho tới khi kết thúc vụ án.

Đồng hành tìm sự công bằng

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ: Biểu tượng của sự tận hiến - Ảnh 3.

Luật sư Nữ là diễn giả quen thuộc tại các chuyên đề Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em. Ảnh: NVCC

Dáng người nhanh nhẹn, giọng nói khúc triết và đầy sức thuyết phục, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ dường như sinh ra để đồng hành cùng với phụ nữ và trẻ em. Ngoài công việc gặp gỡ, tư vấn cho các trường hợp tới Hội Bảo vệ Quyền trẻ em cầu cứu, luật sư Nữ còn kín lịch đi tư vấn, tuyên truyền pháp luật tại các khu nhà trọ, dân cư, khu chế xuất, nơi tập trung nhiều phụ nữ và trẻ em tại các quận huyện, các tỉnh thành. Với các câu chuyện thực tế, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ đã thu hút sự chú ý của tất cả mọi người với vai trò là diễn giả. Tại đây, bà chuyển tải các câu chuyện về bạo hành gia đình, về các kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em. Đặc biệt, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ nổi tiếng với cách chỉ dẫn nguyên tắc 5 ngón tay cho trẻ em. Bà dạy các con về nguyên tắc ôm hôn, nắm tay, gặp người mới quen thì vẫy tay, nhưng khi người lạ tiếp xúc gần cơ thể thì phải xua tay đi.

64 tuổi, hiện luật sư Trần Thị Ngọc Nữ vẫn không quản ngại đường xa, đi khắp nơi khắp chốn để gặp gỡ các cơ quan công quyền cho nhiều sự vụ mà bà đang hỗ trợ. Sự nhanh nhẹn, tinh anh của bà khiến giới trẻ còn chắp bay bái phục. "Từ khi thành lập Hội tới nay, chúng tôi đã tiếp nhận khoảng 300 vụ xâm hại và bạo hành trẻ em, nhưng đưa ra xét xử thì chỉ khoảng 100 vụ. Nỗi đau của những người làm công tác bảo vệ trẻ em, là khi tiếp nhận vụ việc, dù có niềm tin nội tâm nhưng để chứng minh chứng cớ lại rất khó khăn. Ví dụ dâm ô trẻ em phải dựa vào camera, hiếp dâm trẻ em phải dựa vào kết quả giám định hoặc bắt quả tang, bạo hành thì phải dựa vào lời tố cáo, có sự hướng dẫn của Hội Phụ nữ để đưa đi giám định… Trong khi hầu hết các vụ việc này chỉ có thủ phạm và nạn nhân biết. Rồi qua rất nhiều quy trình, thủ tục, tới khi đi giám định pháp y được, thì chứng cớ đã rơi rụng mất nhiều rồi", luật sư Trần Thị Ngọc Nữ trầm lời chia sẻ. Bà nói đã chứng kiến nhiều bi kịch, nhiều nỗi đau, nhưng mỗi vụ việc tới, lại vẫn đầy đủ các cảm xúc đan xen day dứt.

Trong ký ức của nữ luật sư, hình ảnh người mẹ quỵ gối ngay ngoài bãi giữ xe, cầu xin luật sư cứu giúp cho cậu con trai 16 tuổi bị kết án giết người, vẫn thỉnh thoảng trở về. Kẻ phạm tội còn quá trẻ, nhưng đã hung hăng cầm dao đâm người khác tử vong. Khi thực nghiệm hiện trường, người mẹ có mặt đã hoảng hốt thấy các động tác của thằng con giống y chang ba nó - người đã thượng cẳng chân, hạ cẳng tay hàng ngày với bà. 

Luật sư Nữ nói rằng, 1 đứa trẻ sống trong tình cảnh bạo hành gia đình, thì những động tác làm đau người khác cũng ăn vào tiềm thức. Kẻ giết người kia, suốt cả tuổi thơ phải chứng kiến ba bạo hành mẹ. Một lần ra đường chứng kiến có người đàn ông đang đánh vợ, cậu vụt nhớ tới hình ảnh ba đánh mẹ, nên nhảy vô can ngăn. Ông kia quay lại đánh thằng bé, nên nó nổi máu côn đồ, chụp con dao rồi đâm chết ổng. Với hành vi ấy, nếu 18 tuổi thì đã phải lãnh án tử hình. Nhưng vì thằng bé mới 16 tuổi, lại bị kích động bởi chính nạn nhân, nên tòa xử 12 năm. Luật sư Nữ nghẹn giọng: "Tôi đã đau với nỗi đau của người mẹ bị cáo tới tận bây giờ. Vì đâu nên nỗi?".

Lịch trình đi lại vất vả, về tới nhà lại nghiên cứu hồ sơ vụ án, gia đình của luật sư Trần Thị Ngọc Nữ ban đầu rất lo lắng. Chồng của bà lúc nào cũng chỉ lo cho "phu nhân" không đảm bảo sức khỏe. Nhìn vào thời khóa biểu hoạt động của bà, nếu không chóng mặt mới lạ. Luật sư Nữ không chỉ đi tư vấn, làm diễn giả, làm thầy cãi tại tòa, bà còn duy trì lịch đi dạy trong trường Đại học Luật. Để có sự chăm sóc nhau tốt hơn, vợ chồng bà đã mua căn hộ ở gần con gái để tiện bề nhờ cậy khi trái gió trở trời. 

"Vợ chồng tôi hiện đang có căn nhà cho thuê, nên thường lấy tiền này ra để làm từ thiện. Tôi thì dành khoản thu nhập từ việc đi dạy học để lo chi phí đi lại, ăn uống, lo các vụ án, vì các vụ án bảo vệ trẻ em đều miễn phí", Luật sư Nữ chia sẻ. Thời gian này bà đang tích cực chuẩn bị làm giếng nước sạch cho người dân ở Quảng Trị. Bà cũng đã vận động được nhiều người chung tay làm giếng nước sạch tại bản Buốc Pát, xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Với trẻ em học sinh nghèo tại 2 huyện nghèo của Sài Gòn, Cần Giờ và Củ Chi, luật sư Nữ đã cùng gia đình mua bảo hiểm y tế cho các con.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ: Biểu tượng của sự tận hiến - Ảnh 5.

Ở tuổi 64, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ vẫn tiếp tục công việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em, "cho tới khi sức khỏe không cho phép". Ảnh NVCC

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ tâm sự, dù đã 64 tuổi rồi, "nhưng vẫn tiếp tục làm hoài luôn, tới khi sức khỏe không cho phép". Với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM, luật sư Nữ hiện đang cố vấn để đào tạo thế hệ luật sư kế tiếp công việc tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ và trẻ em bị bạo hành, xâm hại.

Với luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, có lẽ không biết bao nhiêu lời khen ngợi là đủ so với sự tận hiến mà bà đã mang lại cho xã hội nói chung, với phụ nữ và trẻ em nói riêng. Xin tri ân bà, bởi những đóng góp và rất nhiều nỗ lực của bà vì sự văn minh và tử tế trên cuộc đời này.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ là 1 trong số 10 cá nhân sẽ được trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2020. Lễ trao giải sẽ diễn ra sáng 18/10 tại Hà Nội.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm