pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lúng túng khi sinh trắc học để chuyển tiền trực tuyến
Ngân hàng triển khai “trợ lý số” tại quầy. Ảnh minh họa
Nửa ngày chưa cập nhật được căn cước công dân gắn chip
"Tôi dùng điện thoại dòng Android. Tôi thực hiện trình tự các bước theo hướng dẫn của ngân hàng, chụp 2 mặt của căn cước công dân gắn chip. Thế nhưng, đến khi quét thông tin trên chip căn cước công dân thì mãi không thực hiện được" - chị Quỳnh chia sẻ.
Những ngày qua, các nhà băng, ví điện tử đã đồng loạt gửi thông báo tới khách hàng về việc đăng ký thông tin sinh trắc học và căn cước công dân gắn chip để phục vụ cho việc giao dịch ngân hàng bằng sinh trắc học kể từ ngày 1/7/2024.
Quyết định 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước đã quy định, kể từ ngày 1/7/2024, việc chuyển tiền qua tài khoản trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng phải được xác thực sinh trắc học.
Sau gần 1 tháng triển khai, đại diện Ngân hàng TPBank cho biết, mỗi ngày có trung bình 10.000 - 15.000 mẫu khuôn mặt và căn cước công dân được cập nhật vào kho dữ liệu của TPBank từ tất cả kênh. Trong đó, hơn 80% do khách hàng chủ động thực hiện trên ứng dụng của ngân hàng.
Đại diện VietinBank cũng cho hay, đã có khoảng vài trăm nghìn khách hàng chủ động cập nhật xác thực sinh trắc học trên ứng dụng của ngân hàng này.
Về phía người dùng, quy định nêu trên khiến một số khách hàng lo ngại việc phát sinh khó khăn, đặc biệt với nhóm khách hàng lớn tuổi, không rành công nghệ. Thừa nhận có một bộ phận khách hàng có thể lúng túng bởi quy định mới, song theo các chuyên gia, giải pháp này mang lại nhiều lợi ích hơn là lo ngại.
Tăng an toàn cho chủ tài khoản
Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, cho hay, việc áp dụng sinh trắc học khi giao dịch trực tuyến có thể giải quyết căn cơ vấn nạn "rửa" tiền lừa đảo. Giai đoạn cuối năm 2023, tình trạng lừa đảo qua mạng rộ lên, nhiều người "bỗng dưng" mất tiền khi kẻ gian đánh vào mắt xích yếu nhất là người dùng, bằng yếu tố phi kỹ thuật.
"Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, có đến 70% giao dịch chuyển tiền dưới 10 triệu đồng. Do vậy, cơ quan quản lý đã đưa ra mức 10 triệu đồng/lần giao địch để cân đối giữa mục tiêu xác thực giao dịch mạnh và đảm bảo trải nghiệm của người dùng cũng như giao dịch xuyên suốt", ông Lê Anh Dũng nói.
Theo đại diện TPBank, sử dụng phương thức xác thực sinh trắc học thuận tiện hơn cả các phương thức truyền thống trước đây như nhập OTP, nhập mã Pin vì trải nghiệm khá thuận lợi, khách hàng chỉ cần quét khuôn mặt.
Ngoài ra, trước đây, việc xác thực thông tin khách hàng dựa trên chứng minh thư, căn cước công dân cũ vẫn có tỷ lệ bỏ lọt giấy tờ giả mạo.
Làm gì khi không xác nhận được sinh trắc học trực tuyến?
Bà Dương Mai Anh, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Công nghệ Vidiva, cho biết, thực tế, một số người dùng lâu nay đã sử dụng tính năng xác thực vân tay, khuôn mặt trên điện thoại khi đăng nhập hoặc chuyển tiền bằng ứng dụng ngân hàng, ví điện tử.
Tính năng này về bản chất là do hệ điều hành điện thoại thực hiện, sau đó truyền kết quả xác thực cho ứng dụng ngân hàng, ví điện tử. Để có thể xác thực sinh trắc học, khách hàng có thể tự thao tác trên ứng dụng ngân hàng.
Quy trình này gồm 3 bước: chụp ảnh mặt trước, mặt sau của căn cước công dân; chạm căn cước công dân gắn chip vào đầu đọc chip trên điện thoại để truyền dữ liệu và cuối cùng là quét khuôn mặt. Trên căn cước công dân, chip thường nằm ở vị trí dấu mộc đỏ. Còn mỗi điện thoại có các vị trí chip khác nhau, có thể nằm cạnh camera hoặc nằm chính giữa điện thoại.
Lời khuyên theo bà Mai Anh là người dùng nên di chuyển căn cước công dân lên xuống theo chiều dọc điện thoại cho tới khi hai chip tìm thấy nhau và giữ nguyên trong vài giây.
Nếu gặp khó khăn trong việc tự xác thực tại nhà, khách hàng có thể đến chi nhánh ngân hàng để được định danh bằng máy đọc NFC (Near- Field Communications - kết nối không dây trong phạm vi ngắn) tại quầy.