Lý giải nguyên nhân hiến tạng phải mất 17 triệu đồng

21/03/2018 - 16:22
Theo quy định, người hiến sẽ phải tự chi trả chi phí có thể lên đến 15 đến 20 triệu đồng cho các xét nghiệm nhóm máu, kháng nguyên bạch cầu người, chụp X-quang, siêu âm, chụp cắt lớp... để tránh trường hợp lợi dụng chính sách bảo hiểm y tế.
Gần đây, có thông tin người dân phải chi trả 17 triệu đồng mới được hiến tạng khi còn sống. Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối Ghép tạng quốc gia cho biết, hiện nay có 2 hình thức hiến tạng là hiến khi còn sống và khi chết não. Với người hiến tặng mô tạng khi chết não, toàn bộ chi phí xét nghiệm trước lúc lấy tạng đều do cơ sở y tế chịu trách nhiệm.

Hiện ngành y tế không khuyến khích việc hiến tạng từ người sống bởi người hiến có thể gặp nhiều nguy cơ, biến chứng sau này.

Trên thực tế, việc hiến tặng 1 quả thận, 1 phần gan, 1 phần phổi của 1 người khi còn sống thường là người ruột thịt trong gia đình. Cũng vì thế, tại trung tâm, chưa gặp trường hợp nào cha, mẹ hay con cái cho người ruột thịt của mình 1 phần tạng mà lại kêu ca phàn nàn.

Tuy nhiên, thực tế vẫn có những trường hợp tình nguyện hiến tặng thận cho người ngoài và đây là đối tượng phải trả chi phí xét nghiệm. Số tiền 17 triệu đồng đang nói tới liên quan chính đến nhóm đối tượng này.

Sở dĩ có quy định này vì khi làm luật, những người xây dựng Luật cũng dự đoán về các tình huống và đề cập tới việc hạn chế thấp nhất việc trục lợi từ sự nhân văn của chính sách. Vì vậy, theo quy định, người hiến sẽ phải tự chi trả chi phí có thể lên đến 15-20 triệu đồng cho các xét nghiệm nhóm máu, kháng nguyên bạch cầu người (HLA), chụp X-quang, siêu âm, chụp cắt lớp…
ca-ghep-tang-xuyen-viet-lan-thua-2.jpg
Một bệnh nhân được ghép tạng thành công

“Luật rất chặt chẽ, bởi nếu miễn phí việc xét nghiệm, có thể xuất hiện những người có động cơ không trong sáng, như đăng ký hiến để kiểm tra sức khỏe miễn phí xong rồi không hiến nữa”, bác sĩ Phúc nói.

Trong 5 năm qua, trung tâm đã tiến hành điều phối cho 5 trường hợp tự nguyện hiến tặng thận cho người ngoài. Với những trường hợp này, nếu theo đúng quy định, họ sẽ phải bỏ tiền ra làm hàng loạt xét nghiệm chuyên sâu rồi mới hiến được thận. Trung tâm cũng rất e ngại và tìm mọi cách để có nguồn chi trả cho họ.
 
Hiện nay, có nhiều ý kiến về việc đề nghị sửa đổi các chính sách liên quan. Một phương án có vẻ tối ưu nhất được đưa ra để tránh việc trục lợi chính sách đó là bảo hiểm y tế (BHYT) cần hoàn lại tiền xét nghiệm cho người hiến tạng khi còn sống sau khi đã có chứng nhận hiến tạng hoặc xác nhận của cơ sở y tế rằng người đó không đủ điều kiện để hiến tạng khi còn sống.

Tuy nhiên, cũng có người cho rằng như vậy sẽ là thiếu “tế nhị” đối với người thực sự có tâm nguyện muốn hiến tặng vô danh, không vụ lợi cho bất kỳ ai. Bởi như vậy, cũng sẽ vẫn bắt họ phải chi một khoản tiền rồi sau khi hiến mới nhận lại được.

Từ thực tế đó, ông Phúc cho rằng cần phải điều chỉnh cụ thể trong Luật BHYT theo hướng BHYT thanh toán toàn bộ chi phí xét nghiệm đánh giá các chỉ số của người hiến tạng.

Theo luật hiện hành và đặc biệt là Thông tư 104 của Bộ Tài chính cũng đã nêu rõ, người hiến tạng khi còn sống được sẽ được nhận thẻ BHYT miễn phí trọn đời, được nhận Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân”, được khám sức khỏe định kỳ theo hướng dẫn chuyên môn. Nếu nhà ở xa sẽ được hỗ trợ tiền đi lại, tiền ăn, tiền khách sạn… khi đi khám sức khỏe định kỳ.

“Từ thực tiễn đó, cần ban hành sửa đổi hệ thống về Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người, đồng bộ với Luật BHYT để bổ sung quy định đó, bảo đảm quyền lợi cho người hiến”, ông Phúc nói.

Cũng liên quan đến hiến tạng, theo bác sĩ Phúc, hiện nay luật pháp quy định công dân khi 18 tuổi, có thể hiến tạng ngay khi còn sống hoặc đăng ký sau khi chết, chết não. Độ tuổi này thể hiện ý nghĩa về việc đủ năng lực hành vi dân sự, tâm sinh lý trưởng thành mà không có nguy cơ xảy ra vụ sốc tâm lý sau này. Với những người tim ngừng đập, chết bình thường thì không giới hạn độ tuổi hiến nên có những cháu bé có thể hiến giác mạc, da, gân, xương.

“Từ thực tiễn thời gian qua, nếu một người trước 18 tuổi, không may bị chết não mà họ đã có ý nguyện mong muốn được hiến tạng và gia đình xác nhận chuyện đó, đồng ý thì chúng ta nên tiếp nhận. Tuy nhiên, để làm việc đó phải sửa luật hiện nay”, bác sĩ Phúc cho biết thêm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm