Ly thân, ly hôn vẫn không thoát bạo lực

17/03/2018 - 14:52
Sau rất nhiều năm bị chồng bạo hành cả thể xác, tinh thần, có những người phụ nữ đã quyết định tìm cách giải thoát cho mình bằng việc ly hôn, bỏ nhà ra đi; Nhưng, ngay cả trong hành trình chạy trốn ấy, họ cũng không "thoát nợ".

20 năm trước, chị Lan cưới một thanh niên cùng quê Văn Giang, Hưng Yên. Khi ấy, chị đã đi làm ở cơ quan nhà nước. Chồng chị không phải cán bộ nhưng hiền lành, chăm chỉ. Vài năm sau, một cậu con trai kháu khỉnh ra đời. Cuộc sống tưởng êm ấm nhưng khi con vào lớp 1 là thời điểm chị phải nuôi cả chồng và con. Chồng chị làm nghề tự do nên có những lúc hoàn toàn nhàn rỗi. Khi vợ đi làm, con đi học, chồng ở nhà chơi bời rồi sa vào rượu chè, gái gú, cờ bạc từ lúc nào không biết. Tiền dành dụm đều bị chồng lấy hết. Mỗi lần ra ngoài về, say rượu. Vợ không đưa thêm tiền thì gây sự, chửi bới, đánh đập.

Mỗi lần chồng say rượu lại là lần vợ chịu đựng những trận đòn roi 

Chị Lan cố gắng khuyên nhủ, tìm việc làm cho chồng để mong chồng tu tỉnh nhưng kết quả ngược lại, chồng càng đối xử tệ hơn. Đồ đạc trong nhà dần bị khuân đi hết. Mẹ con rơi vào nghèo túng. Nhiều lần chị Lan nghĩ đến việc bỏ chồng nhưng sợ con trai sắp đến tuổi trưởng thành, không có bố, sẽ bị thiệt thòi.

Cách đây 5 năm, cậu con trai 15 tuổi. Cháu hiểu hoàn cảnh gia đình, thương mẹ nên đã bảo mẹ nên bỏ bố. Nghĩ kỹ lời con, chị Lan đã làm đơn xin ly dị. Khi chia tay xong, chồng chị đã ở với tình nhân nhưng cứ say rượu lại qua nhà hai mẹ con gây sự, đòi tiền. Để mong yên thân, chị Lan phải bán nhà. Hai mẹ con lên Hà Nội thuê nhà, làm nghề xe ôm để nuôi con ăn học. Chị giấu địa chỉ với tất cả mọi người quen vì sợ chồng cũ biết sẽ  tìm đến hành hạ…

Theo số liệu thống kê của Ngôi nhà Bình yên - Trung tâm Phụ nữ và phát triển (TƯ Hội LHPNVN), tình trạng phụ nữ bị chồng cũ đến nhà quấy rối, bạo lực sau ly hôn là phổ biến. Riêng tại Ngôi nhà bình yên đã có tới 50% người tạm trú vẫn bị chồng cũ quấy rối, sử dụng bạo lực với đủ 4 dạng bạo lực tinh thần, kinh tế, thể chất và tình dục… 

Không nơi nương náu

Khi vừa chớm lớn, bà Điền (Vũ Thư, Thái Bình) bị bố mẹ ép gả chồng. 4 người con (2 trai, 2 gái) lần lượt ra đời. Cuộc sống tạm bình ổn cho đến khi người chồng nhận làm chân trưởng thôn. Ông ta cho rằng làm thế là đã có chức có quyền nên tâm tính bắt đầu thay đổi. Năm 1984, khi đứa con út mới được 3 tuổi, chồng bà đi ngoại tình. Ông ta coi thường vợ đến mức đưa cả tình nhân về nhà ngủ, để bà bắt gặp. Sau đó, ông có con riêng.

Năm nay, con riêng của chồng tuổi 21 cũng là 21 năm bà Điền bị chồng hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần. Lần đầu bà góp ý chồng nên từ bỏ quan hệ bất chính, bà đã bị chồng lấy dép cao su đánh vào bả vai sưng tấy. Do nghèo, phải đi làm, phải nuôi con, bà không đi chữa trị. Đến khi đau quá, bà đi khám thì chỗ thâm tím ở vai đã bị hoại tử… Sau lần đó, bà còn bị chồng đánh nhiều hơn, mức độ thương tích cũng nặng hơn. Có lần, đang đêm, bà bị đuổi, phải trốn ra vườn trú ẩn giữa trời mưa to. Có lần, chồng tát, bẻ gẫy của bà 15 cái răng. Có lần bà bị chồng bẻ tay khiến đến giờ các đốt ngón vẫn không cử động bình thường được… Gia đình nội ngoại, hàng xóm thương bà nhưng chỉ biết an ủi.

Không ai dám lên tiếng bảo vệ bà cũng như nói ra bên ngoài vì sợ liên đới đến bản thân.

Vài tháng trước, bà Điền bỏ chồng, bỏ nhà ra Hà Nội ở với con gái. Con bà không hiểu lòng mẹ, bảo bà nhu nhược, nên hay nổi cáu khiến bà rất tủi thân. Chồng bà Điền gọi điện cho con gái bắt bà phải về. Bà Điền sợ hãi, chưa dám về. Bà không biết mình sẽ chọn con đường đi tiếp theo thế nào. Nếu ly thân với chồng, bà vẫn sợ phải phụ thuộc và tiếp tục bị chồng hành hạ. Nếu ly hôn thì bà không biết đi đâu về đâu…

Nhóm phụ nữ di cư tại Hà Nội tham gia buổi sinh hoạt truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình. 

Trong lúc bơ vơ, cùng cực nơi Hà thành, bà Điền, chị Lan tình cờ gặp được người cùng quê đi làm ăn. Cả hai được họ giới thiệu và đến sinh hoạt trong nhóm tự lực Bình minh xanh – nhóm những phụ nữ di cư bị bạo lực tại Hà Nội. Chị em đã gặp nhau, cùng hy vọng sẽ tham gia các hoạt động tư vấn, truyền thông, tập huấn về phòng chống bạo lực, có được sự chia sẻ, động viên nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống… 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm