Malta rối loạn sau vụ nữ nhà báo phanh phui "Hồ sơ Panama" bị sát hại

Nhu Thụy
05/01/2020 - 12:08
Malta rối loạn sau vụ nữ nhà báo phanh phui "Hồ sơ Panama" bị sát hại
Malta hiện rơi vào tình trạng rối loạn khi các cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục được thực hiện đối với vụ sát hại nữ nhà báo điều tra Daphne Caruana Galizia ngày 16/10/2017. Với 30 năm kinh nghiệm, bà Galizia là người đã phanh phui "Hồ sơ Panama" và đăng tải nhiều thông tin, bài viết liên quan tới các vụ bê bối nổi cộm tại quốc gia Địa Trung Hải này.

Hợp đồng "giết người" 150.000 Euro

Malta rối loạn sau vụ nữ nhà báo chống tiêu cực bị sát hại - Ảnh 1.

Thủ tướng Joseph Muscat đang bị buộc phải từ chức

Vụ sát hại nữ nhà báo Daphne Caruana Galizia (53 tuổi) bằng bom đã gây chấn động Malta và cả châu Âu bởi bà Galizia nổi tiếng là một phóng viên điều tra chống tham nhũng, rửa tiền, trốn thuế. Ngày 16/10/2017, xe hơi Peugeot 108 của bà nổ tung thành trăm mảnh khi một quả bom bị gài trong xe đã được kích hoạt. Vụ giết người gây chấn động châu Âu này đã phô bày tình trạng bạo lực, tội phạm của đảo quốc này. Cảnh sát Malta đã vào cuộc điều tra với sự hỗ trợ của Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và cảnh sát Hà Lan. Sau gần 2 năm điều tra, tháng 7/2019, cảnh sát đã xác định được một số người liên quan vụ đánh bom xe nữ nhà báo và buộc tội 3 người gồm Vincent Muscat và hai anh em Alfred và George Degiorgio. Những kẻ đặt bom đã được thuê giết Galizia với giá 150.000 euro. Hiện 3 người này đang chờ xét xử vì hành vi đặt bom.

Malta rối loạn sau vụ nữ nhà báo chống tiêu cực bị sát hại - Ảnh 2.

Người dân Malta tuần hành yêu cầu chính phủ trả lại công bằng cho nhà báo Galizia

Trong các cuộc điều tra sau đó, Vince Muscat đã nêu ra cái tên của Melvin Theuma, một tài xế taxi làm trung gian cho phi vụ này. Theuma bị bắt hôm 14/11/2019 trong một cuộc điều tra về đánh bạc trái phép. Sau khi bị bắt, tên này đã đề nghị cung cấp thông tin về cái chết của Galizia cho cảnh sát. Theuma đã xác nhận với cảnh sát rằng hắn là trung gian kết nối giữa người yêu cầu với các sát thủ, dẫn tới việc bắt giữ doanh nhân Yorgen Fenech.

Cảnh sát còn nghi ngờ vụ sát hại bà Galizia có liên quan đến loạt bài báo chống tham nhũng có dính dáng đến Chánh Văn phòng nội các Keith Schembri và Bộ trưởng Du lịch Konrad Mizzi. Theo hồ sơ điều tra, bà Galizia đã viết loạt bài báo phanh phui sự liên quan của hai ông Schembri và Mizzi trong một công ty bình phong có tên là Black 17. Công ty này đặt trụ sở tại một "thiên đường thuế", nằm trong danh sách các công ty do tập đoàn dịch vụ Mossack Fonseca hỗ trợ thành lập. Theo hồ sơ, doanh nhân Yorgen Fenech là người đứng tên chủ doanh nghiệp Black 17, còn Schembri và Mizzi là hai cổ đông chiến lược, được chia cổ tức hằng năm.

Những kẻ nổ bom xe: George Degiorgio, Vincent Muscat và Alfred Degiorgio (từ trái sang)

Những kẻ nổ bom xe: George Degiorgio, Vincent Muscat và Alfred Degiorgio (từ trái sang)

Ngày 20/11/2019, cảnh sát cũng đã bắt giữ ông Yorgen Fenech, Giám đốc và đồng sáng lập tập đoàn Tumas Group, là doanh nhân giàu nhất và có ảnh hưởng lớn ở Malta. Ông ta sở hữu công ty bí ẩn 17 Black (công ty mà bà Galizia trước khi bị mưu sát đã cáo buộc có quan hệ với Chính phủ Malta). Yorgen Fenech bị bắt khi đang tìm cách rời khỏi Malta bằng du thuyền. Những lời khai và bằng chứng mà doanh nhân Yorgen Fenech cung cấp cho cảnh sát được cho là vô cùng nhạy cảm, thậm chí chúng có thể khiến Thủ tướng Joseph Muscat mất đi quyền hạn chính trị để điều hành đất nước. Song song với việc phanh phui Hồ sơ Panama, nhà báo Galizia còn điều tra các vụ tham nhũng, móc ngoặc trong nước giữa các quan chức chính phủ với giới doanh nghiệp, trong đó có Fenech. Vào thời điểm bị sát hại, nhà báo Galizia đang thực hiện loạt phóng sự điều tra dựa theo hồ sơ nội bộ của công ty năng lượng Electrogas do Fenech làm chủ, trong đó chứa đựng chứng cứ về việc móc nối giữa Fenech và Schembri để công ty Electrogas được trúng thầu vận hành một nhà máy điện lớn. Ông Fenech đã khai rằng, Chánh văn phòng Nội các Schembri chính là chủ mưu của vụ sát hại bà Galizia.

Malta rối loạn sau vụ nữ nhà báo chống tiêu cực bị sát hại - Ảnh 4.

Nữ nhà báo Daphne Caruana Galizia dũng cảm bị nổ bom xe hơi

Ông Schembri đã phải từ chức, bị cảnh sát bắt giữ hôm 26/11/2019 và bị thẩm vấn của cơ quan điều tra. Bộ trưởng Du lịch Konrad Mizzi và Bộ trưởng Kinh tế Chris Cardona cũng tuyên bố từ chức. Mizzi bị dư luận cáo buộc tham nhũng và có liên quan trong cái chết của nữ nhà báo Galizia. Ông từ chức vì tự nhận thấy không còn đủ "tư cách đạo đức" để tiếp tục công việc trong chính phủ giữa giông bão chính trị. Bộ trưởng Cardona cũng bị cảnh sát điều tra "hỏi thăm" một số thông tin liên quan vụ.

Dũng cảm chống lại các thế lực

Galizia từng là cây bút bình luận trên báo Malta Independent. Bà viết bài hàng tuần cho báo này từ năm 1996. Là nhà báo với các bài viết đăng tải trên blog cá nhân thu hút số lượng bạn đọc còn đông đảo hơn tổng số bạn đọc của những tờ báo ở Malta gộp lại, gần đây, trang web Politico đã mô tả bà Daphne Caruana Galizia là "WikiLeaks của một phụ nữ". Báo Politico chọn bà Caruana Galizia là một trong 28 người châu Âu "định hình và gây chấn động" châu lục này.

Malta rối loạn sau vụ nữ nhà báo chống tiêu cực bị sát hại - Ảnh 5.

Doanh nhân Yorgen Fenech

Các blog của bà là cái gai trong mắt không chỉ với những quan chức chính quyền Malta mà cả với những nhân vật sừng sỏ trong thế giới ngầm với những thế lực có khả năng làm khuynh đảo quốc gia thành viên nhỏ bé nhất tại châu Âu. Phần lớn, các bài báo đăng tải của bà tập trung phanh phui các mảng khuất liên quan tới vụ hồ sơ Panama với nhiều tài liệu rò rỉ về các chiêu trò trốn thuế của nhiều cá nhân, tổ chức trên thế giới liên quan tới hãng luật Mossack Fonseca. Hồ sơ Panama gồm 11,5 triệu tài liệu, hoặc 2,6 terabyte dữ liệu được lấy từ công ty Mossack Fonseca, hãng luật lớn thứ tư thế giới liên quan đến chứng từ thuế của công ty luật Mossack Fonseca trong suốt 40 năm từ năm 1977 đến tháng 12/2015. Trong vụ rò rỉ tài liệu mật lớn nhất lịch sử vào năm 2016, có 143 chính trị gia, trong đó có 12 lãnh đạo chính trị cấp cao, cùng gia đình và phụ tá thân cận của họ, bị cáo buộc dùng các công ty vỏ bọc để rửa tiền, trốn thuế, che giấu số tài sản khổng lồ.

Malta rối loạn sau vụ nữ nhà báo chống tiêu cực bị sát hại - Ảnh 6.

Những quan chức Malta phải từ chức vì dính líu đến vụ án: Bộ trưởng Kinh tế Chris Cardona, Chánh Văn phòng nội các Keith Schembri và Bộ trưởng Du lịch Konrad Mizzi (từ trái sang)

Chính nhà báo Galizia đã từng đưa ra bằng chứng cho biết, phu nhân của thủ tướng Joseph Muscat cũng sở hữu một công ty nước ngoài có tên Egrant, được cho là đã nhận các khoản thanh toán bất hợp pháp. Thủ tướng Joseph Muscat đã bác bỏ mọi cáo buộc và cho rằng đó là sự "lừa dối chính trị nghiêm trọng nhất trong lịch sử Malta". Ông Muscat đã tổ chức bầu cử sớm vào tháng 6/2017 và lần thứ hai giành chiến thắng. 4 tháng sau đó, nhà báo Galizia đã bị giết hại trong vụ đặt bom xe.

Malta hiện đang rơi vào tình trạng hỗn loạn chính trị khi các cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục. Các nhà báo và dân chúng từ đầu tháng 12/2019 đến nay vẫn tiếp tục tổ chức các buổi tuần hành yêu cầu chính phủ cần sớm làm rõ vụ án. Tình hình tại Malta đã khiến lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) hết sức quan tâm. Các lãnh đạo EU đã lên tiếng yêu cầu Thủ tướng Joseph Muscat chấm dứt các hành động can thiệp vào tiến trình điều tra, trả lại tính độc lập cho cảnh sát và cơ quan tư pháp trong việc điều tra xử lý vụ án. Nữ Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen yêu cầu một cuộc điều tra "kỹ lưỡng và độc lập" về vụ giết hại nữ nhà báo Daphne Caruana Galizia. Các cuộc điều tra cho đến nay đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng chính trị khi một loạt quan chức chính phủ từ chức, gây ra các cuộc biểu tình và lời hứa hẹn của Thủ tướng Joseph Muscat sẽ từ chức vào ngày 12/1 tới. Người dân chỉ trích ông đã dung dưỡng cho tham nhũng và chủ nghĩa thân hữu.




Nguồn: Theo Guardian, CNN, Reuters
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm