Đó là những thông tin được các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) đưa ra trong ngày hội truyền thông "Đừng thờ ơ với nội tiết tố nữ" do Bệnh viện Từ Dũ, Hội Phụ sản Việt Nam và Công ty TNHH Dược phẩm Ích Nhân phối hợp tổ chức sáng nay (10/6).
Chị P.T.T, 49 tuổi, quê ở Đồng Tháp sinh 5 đứa con và đã mãn kinh 5 năm qua. Một tháng trở lại đây, mỗi lần đi tiểu vừa xong thì chị lại cảm giác muốn đi tiểu, người cảm thấy bị nóng, bứt rứt, khó chịu. Gặp các bác sĩ chuyên khoa của Bệnh viện Từ Dũ, chị thắc mắc: “Đi khám ở quê, các sĩ khám cho siêu âm và thử nước tiểu thì âm tính. Bác sĩ cũng cho rằng có thể là do tôi đã sinh 5 người con, đến khi mãn kinh nó thế. Cần phải có nội tiết tố bổ sung. Mà ở quê nên tôi không có điều kiện đi khám hay tư vấn về nội tiết tố nên không hiểu được vấn đề này”.
Nóng bức, khó chịu, bứt rứt..., là những cảm giác thường thấy ở tuổi mãn kinh |
Bác sĩ CK 2 Bùi Thanh Vân, Nguyên trưởng khoa Khoa Phụ khoa, Bệnh viện Từ Dũ, Thành phố Hồ Chí Minh giải thích: nội tiết tố tác động đến toàn bộ cơ thể của người phụ nữ, trong đó có các là cơ quan tại chỗ như niệu đạo, bộ phận sinh dục. Trước tiên, bệnh nhân cần phải đi kiểm tra về nhiễm trùng tiểu, hoặc thử test. Đặc biệt, bệnh nhân cũng cần phải đi kiểm tra vấn đề nội tiết, xem việc suy giảm nội tiết nó ảnh hưởng đến niêm mạc của niệu đạo như thế nào. “Đây là 1 phần suy giảm nội tiết ảnh hưởng đến đường niệu đạo sinh dục. Thông thường, bị mãn kinh 5 rồi, coi chừng bị viêm do thiếu nội tiết, chứ không viêm do vi trùng. Bác sĩ sẽ có chỉ định bổ sung nội tiết tố”- Bác sĩ Vân nhấn mạnh.
Còn theo Bác sĩ CK 2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi, chị T. mãn kinh 5 năm rồi nên khó chịu, một trong những hội chứng sản sinh ra do thiếu hụt nội tiết tố là tiết niệu sinh dục. Khi giao hợp không đau rát, nhưng đi tiểu lại khó chịu, có triệu chứng như nhiễm trùng đường tiểu, uống kháng sinh liên tục có thể thuyên giảm, nhưng sau thời gian ngắn lại bị trở lại. Chị T. đã sinh 5 đứa con, tuổi mãn kinh thì sa tạng chậu càng nhanh hơn, trong vùng âm hộ âm đạo cũng không còn collagen để nâng đỡ, dẫn tới tình trạng són tiểu khi gắng sức.
Phụ nữ tuổi mãn kinh thường không "thiết tha" chuyện chăn gối. |
Bác sĩ Nhi cho biết “Bệnh nhân đã bỏ lỡ khoảng thời gian dài trên 5 năm, đáng lý mình phải sử dụng bổ sung nội tiết, ngay lúc mà mới mãn kinh, hoặc chậm thì có thể sau 1-2 năm để khắc phục. Nhưng hiện nay bệnh nhân để quá trễ rồi, vì vậy phải điều trị kết hợp uống bổ sung nội tiết tố và bôi trực tiếp. Chị em cần được tiếp cận với y khoa hiện đại và mạnh dạn sử dụng nội tiết tố mà không cần lo lắng gì để hạn chế những biến chứng nặng hơn về sau”.
Các bác sĩ chuyên khoa phụ khoa cho biết, từ sau khi mãn kinh, phụ nữ mất đến 20% khối lượng xương. Tổ chức Y tế thế giới WHO cũng thống kê, có đến 1/3 phụ nữ tuổi mãn kinh bị loãng xương. Thế nhưng, họ đều cam chịu và xem đó là một quy luật tự nhiên. Thực tế, việc hiếu hụt estrogen làm giảm hoạt động tế bào tạo xương, giảm chất cơ bản (protein) của xương, giảm tích tụ calcium và photphate trong xương làm cho bị loãng xương, xương mỏng, dễ gãy hơn.
Hiện nay, tỉ lệ mắc bệnh tim mạch của phụ nữ mãn kinh tăng cao gấp 2 – 4 lần so với phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ. Thiếu hụt estrogen là yếu tố nguy cơ lớn nhất gây ra bệnh tim mạch, biểu hiện những cơn đau, tức ngực là điển hình, đôi khi chỉ là đau cánh tay trái, khó thở, thở gấp, thường xuyên mệt mỏi...
Khi gặp phải những triệc chứng của mãn kinh, chị em cần đến bác sĩ thăm khám để được tư vấn. |
Các chuyên gia cũng đưa ra khuyến cáo về tình trạng bốc hỏa, vốn cũng gặp trên dưới 40% phụ nữ tiền mãn kinh, đang trong giai đoạn biến chuyển mãn kinh và đã mãn kinh. Bốc hỏa biểu hiện là một cơn nóng ran cả người từ 2-4 phút, kèm toát mồ hôi, đánh trống ngực, sau đó lại lạnh run.
Để hạn chế những nguy cơ này, các bác sĩ khuyên trước nhất phụ nữ mãn kinh cần duy trì lối sống hoạt động tích cực, dinh dưỡng khoa học, tập luyện hàng ngày, giữ cơ thể không béo phì và ngăn chặn stress. Nếu phụ nữ mãn kinh có triệu chứng rối loạn cơ năng nặng nề, các bác sĩ khuyên sử dụng biện pháp nội tiết thay thế ngay sau sàng lọc, trong đó có bổ sung estrogen.