Đặt trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, tác động của quá trình tự do dịch chuyển lao động và áp lực già hóa dân số đối với hệ thống an sinh xã hội của các quốc gia là rất lớn. Bên cạnh đó là những thách thức đa chiều như: Quyền được làm việc, thất nghiệp do tái cơ cấu nền kinh tế; quyền được đảm bảo an sinh xã hội và nguồn lực hữu hạn của xã hội để đảm bảo các quyền đó; già hóa dân số, thị trường lao động và việc làm cho lao động trẻ dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0.
Sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) tạo thuận lợi cho sự dịch chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, vốn đầu tư và lao động, thông qua một thị trường chung về lao động mà AEC đang hướng tới. Tuy nhiên, thách thức đặt ra đối với hệ thống an sinh xã hội cũng không phải là ít, trong đó có yêu cầu đảm bảo chế độ, quyền lợi về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế cho người lao động của quốc gia này làm việc tại quốc gia khác.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức như tỷ lệ lực lượng lao động tham gia BHXH thấp (29%), tỷ lệ lao động nông nghiệp cao (38,6%), là một trong 5 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới… nhưng Việt Nam luôn đồng hành với hệ thống an sinh xã hội thế giới và khu vực hướng đến một hệ thống an sinh xã hội đa tầng, bền vững, hiệu quả đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người dân.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam tập trung đẩy mạnh phát triển CNTT, ứng dụng CNTT không chỉ riêng trong các ngành công nghệ cao, các ngành công nghiệp mà ở tất cả các ngành, các lĩnh vực, cả xã hội và từng cá nhân.
Việt Nam đã chủ động triển khai mạnh mẽ ứng dụng CNTT trong lĩnh vực an sinh xã hội. BHXH Việt Nam hiện đang dẫn đầu khối các cơ quan của Chính phủ về ứng dụng CNTT, cải cách hành chính với nhiều kết quả tích cực như xây dựng Cơ sở dữ liệu tập trung toàn ngành về BHXH; vận hành Trung tâm điều hành hệ thống CNTT và Trung tâm dịch vụ khách hàng; đặc biệt đưa vào sử dụng Hệ thống thông tin giám định điện tử BHYT, kết nối, liên thông cơ sở dữ liệu giữa cơ quan BHXH với khoảng 14.000 cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc.
Các phiên thảo luận chuyên đề của hội nghị sẽ bàn về tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến lao động-việc làm, hàm ý đối với sự phát triển các hệ thống an sinh xã hội đa tầng, toàn diện, bền vững, hiệu quả; vấn đề đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển an sinh xã hội; cơ hội và thách thức từ tự do dịch chuyển lao động mang lại cho mỗi quốc gia trong khu vực; kinh nghiệm triển khai các thỏa thuận song phương về BHXH nhằm đảm bảo chế độ, quyền lợi cho người lao động của nước này đi làm việc tại nước khác.
Sau khi kết thúc các phiên thảo luận, Hội nghị ASSA 35 sẽ thông qua Tuyên bố chung khẳng định mong muốn và ý chí tập thể nhằm xây dựng cộng đồng an sinh xã hội đoàn kết, đồng thuận và phát triển vì lợi ích của người dân, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.
Hệ thống an sinh xã hội ASEAN cần cách thức tiếp cận sáng tạo và tầm nhìn dài hạn khi đang bước vào một giai đoạn phát triển mới với những cơ hội và thách thức từ cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình tự do dịch chuyển lao động trong khu vực; đòi hỏi sự liên kết hiệu quả, sự thống nhất trong đa dạng, phát huy thế mạnh của các tổ chức thành viên ASSA nhằm tạo nên sức mạnh cộng hưởng của cả Hiệp hội vì sự nghiệp an sinh xã hội bền vững cho mọi người dân trong Cộng đồng ASEAN.
Các thành viên ASSA cùng định hướng hợp tác với nhau và với các tổ chức an sinh xã hội quốc tế cùng hướng tới một hệ thống an sinh xã hội hiện đại, toàn dân, bền vững, tin cậy, minh bạch, toàn diện, đảm bảo tiếp cận cho mọi người dân thông qua quản trị tốt, hợp tác tốt sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; thúc đẩy kết nối, đổi mới sáng tạo, thu hẹp dần khoảng cách phát triển giữa các tổ chức an sinh xã hội trong khu vực và trên thế giới; nỗ lực hướng tới tạo dựng một Cộng đồng ASEAN “Thịnh vượng, tiến bộ, văn minh và phát triển” theo tinh thần Tuyên bố Tầm nhìn ASEAN 2025.