Nhà tù không thiếu những người mẹ. Mẹ của những đứa trẻ trưởng thành, những người thường đến thăm họ vào cuối tuần, thậm chí dẫn theo cháu. Mẹ của những đứa con đang được nhận nuôi. Mẹ của những đứa trẻ đang sống vất vưởng trong các trung tâm chăm sóc, có thể sẽ theo bước chân tội lỗi của mẹ mình bất cứ lúc nào.
Nhà tù cũng không thiết những bà mẹ tương lai. Thời gian mang thai dường như trôi qua nhanh hơn trong tù, khiến người ta chẳng kịp chuẩn bị gì.
Mang bầu trong tù là may mắn
Tôi làm việc trong nhà tù với tư cách là một giáo viên và trợ lý giáo sĩ trong 2 năm. Sau đó, tôi tiếp tục làm việc với những người phụ nữ mà tôi gặp phía bên kia cánh cổng. Tôi đã hỗ trợ điều hành một dự án tái hòa nhập, một con đường để tiếp cận với giáo dục hoặc việc làm cho những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, hành vi hoặc khuyết tật, những người không thể tham gia hệ thống giáo dục chính thống hoặc từng làm việc trong nhà bếp, vườn hoặc cửa hàng may như hầu hết phụ nữ trong tù. Chúng tôi là “thiên đường” cho những người lo lắng về mặt xã hội, bị chai lì cảm xúc, hậu chấn thương và những người mắc chứng rối loạn thiếu tập trung hoặc mới vào tù.
Trong tù, việc làm mẹ được tôn trọng theo một cách rất khác với bên ngoài. Tôi tưởng tượng nó giống quốc tịch vậy. Ngày qua ngày, mang quốc tịch Anh là một thực tế bình thường đối với tôi. Tôi chỉ chú ý đến điều đó nếu tôi ở một quốc gia khác mà thôi. Tương tự như vậy, việc làm mẹ ở trong tù liên tục được nhắc đến trong các cuộc trò chuyện, những chuyến thăm khám sức khỏe thường xuyên và khao khát làm mẹ cháy bỏng.
Do đó, nữ tù nhân mang thai được đối xử rất tôn trọng và sự thoải mái của họ trở thành vấn đề chung. Nếu các nữ tù nhân đều nghĩ người mang thai không được chăm sóc sức khỏe tốt, tất cả họ sẽ cùng bày tỏ sự phẫn nộ.
Theo một cách nào đó, nữ tù nhân mang thai có thể được coi là may mắn. Một trong những hình phạt chính của nhà tù là bị tách khỏi gia đình. Nhưng ít nhất khi mang thai, nữ tù nhân không cô đơn vì họ luôn mang theo con mình, gần như đó đã là gia đình của họ rồi. Hai mẹ con có thể ở bên nhau mà không bị giới hạn về không gian hay không cần sự cho phép của bất kỳ cơ quan nào.
Số phận mẹ và bé
Không phải nữ tù nhân nào cũng được ở bên con. Nếu bản án tù của nữ tù nhân mang thai ngắn, cô ấy có thể nộp đơn xin chuyển đến một đơn vị dành cho mẹ và bé. Nơi đó giống như một ký túc xá hơn là nhà tù. Nữ tù nhân có thể rời đi nhưng họ cũng có thể sống trong một môi trường được hỗ trợ với con của mình. Tuy nhiên, nơi đây rất chặt chẽ, vì vậy các nhà chức trách phải chắc chắn rằng người mẹ có thể cưu mang đứa bé vĩnh viễn sau khi được tự do.
Trong các trường hợp khác, thành viên trong gia đình nữ tù nhân có thể nhận nuôi đứa trẻ sau khi bé chào đời, còn người mẹ phải quay trở lại nhà tù để tiếp tục bản án.
Đối với những người mang bản án dài và không có gia đình, họ sẽ có thể lựa chọn tự nguyện cho con làm con nuôi hoặc đứa trẻ sẽ được chăm sóc tạm thời để chờ mẹ đưa ra quyết định.
Nhưng với những người phải đối mặt với việc cho con làm con nuôi không tự nguyện (lúc này, quyết định tách mẹ và con được thực hiện bởi các dịch vụ xã hội), mang thai chính là một "quả bom hẹn giờ". Nếu nữ tù nhân nghiện ngập, phải lĩnh một bản án tù dài hoặc đối mặt với bạo lực gia đình, thì đây không phải là… chuyện lạ. Với nhóm này, thời gian mang thai có thể là cơ hội lâu nhất mà họ có thể dành cho con mình.
Trong lớp của tôi cũng có một vài nữ tù nhân mang thai. Cả thai kỳ, Irene trải qua trong nhà tù, nhưng cô đã sinh một tuần trước khi được tự do. Dịch vụ chăm sóc tạm thời được áp dụng trước khi cô bắt đầu các thủ tục tố tụng chính thức với các dịch vụ xã hội sau khi được thả tự do.
Con của Zoe (một nữ tù nhân khác trong lớp học) đã được một người dì của cô nhận nuôi cho đến khi cô được thả tự do.
Nhưng Paige - một nữ tù nhân chỉ học trong lớp của tôi vài tuần - lại khác. Cô ấy thường vừa khâu vá, vừa nói về việc đặt tên cho con và kế hoạch đi đến một đơn vị dành cho mẹ và bé trong khoảng thời gian còn lại của bản án 2 năm. Với một số người, kế hoạch này có lẽ sẽ không xảy ra, song Paige là một trong những người tham gia chương trình kỹ năng nhằm khắc phục các vấn đề xoay quanh sức khỏe tâm thần, nghiện ngập và tìm hiểu các cơ chế đối phó. Điều này có nghĩa là việc cô được nhận vào một đơn vị dành cho mẹ và bé là vẫn có hy vọng.
Sau đó, Paige không học trong lớp tôi nữa và tôi không còn biết thông tin gì về cô ấy. Tôi tự hỏi liệu Paige có được phép giữ đứa con của mình không? Tôi chỉ biết cho đến khi đứa trẻ được sinh ra, nhân viên xã hội vẫn sẽ tiếp tục trả tiền cho các chuyến thăm Paige và cân nhắc quyết định khó khăn vô cùng đó.
Cũng như bên ngoài, thời gian nghỉ thai sản trong tù được đánh dấu bằng việc tạm dừng làm việc. Vì vậy, trong thời gian sắp sinh, nhà nguyện đã gửi những tờ giấy tô màu cho Paige để giúp cô vượt qua khoảng thời gian trống trải trong ngày. Tôi rất lạc quan về cơ hội được bên con của Paige, tuy nhiên, lúc đó tôi vẫn còn khá non và chưa từng thấy một người mẹ nào trở về tay không sau khi sinh.
Tôi để ý đến tin tức về Paige cũng như tôi chờ đợi Jo (đứa con đầu lòng của tác giả). Sau đó vài ngày, cô bất ngờ trở lại. Sam Sam, người đã học trong lớp của tôi cùng lúc với Paige, nói: “Cô ấy đã không giữ được con”. Sam từng chứng kiến việc này trước đó, chuyện xảy ra với Erica vào năm ngoái. Erica chỉ có vài ngày được bên con vì họ cần sữa của cô.
Mặc dù tôi không có quyền đặt mình vào hoàn cảnh và cảm nhận nỗi buồn của Paige, nhưng nó vẫn ám ảnh tôi. Tôi tự hỏi: Liệu tôi có nên hỏi cô ấy về đứa bé khi tôi gặp cô ấy hay không? Cô ấy đã đặt tên con là gì? Liệu những câu hỏi này có khiến cô ấy quá đau đớn khi nhớ đến con?
Một ngày sau, khi các nhân viên mở cổng nhà tù cho chúng tôi, đập vào mắt chúng tôi là một thông báo: Paige đã chết.
Đó là ngày tồi tệ nhất mà tôi có thể nhớ. Các nữ tù nhân khóc lóc dọc hành lang. Các sĩ quan thường thúc mọi người di chuyển nhanh chóng, hôm đó cũng để mọi người nán lại. Trong lớp, chúng tôi đã làm những bông hoa và phủ đầy hoa trước cửa phòng giam của Paige.
Gần đây, tôi lại nghĩ đến Paige. Tôi hy vọng, con của Paige biết được rằng mình cũng được yêu thương.