Mạo danh người khác để quảng cáo bị xử lý ra sao?

20/04/2018 - 18:56
“Nếu sử dụng hình ảnh người khác khi chưa được sự đồng ý thì đối tượng vi phạm sẽ phải gỡ bỏ hình ảnh, bồi thường, cải chính và công khai xin lỗi”, bà Lê Thị Giang, Giảng viên Khoa Pháp luật Dân sự (Đại học Luật Hà Nội), cho biết.

 

Thời gian gần đây, nhiều người nổi tiếng hoặc các y bác sĩ đã bị một số đối tượng gắn ảnh và đưa lên mạng để quảng cáo các loại thuốc như hôi nách, vảy nến, mỹ phẩm,…

Mới đây nhất, nhà báo Lại Văn Sâm đã bị một trang mạng đăng bài phỏng vấn "ảo" để quảng cáo thuốc chữa... ngủ ngáy. Trong bài phỏng vấn, nhà báo Lại Văn Sâm đã chia sẻ về căn bệnh ngủ ngáy mà mình mắc phải, đồng thời quảng cáo loại thuốc chữa ngủ ngáy "xách tay" từ Nga.

Sau khi bài viết trên đăng tải, nhà báo Lại Văn Sâm rất bức xúc, thậm chí phải thốt lên: "Bọn nào đăng tải lợi dụng hình ảnh của tôi là đê tiện, không chấp nhận được!".

Thực tế, tình trạng những người nổi tiếng ở Việt Nam đã bị lợi dụng hình ảnh để quảng cáo cho các sản phẩm không phải là hiếm. Tuy nhiên, nhiều người làm ngơ, nhắm mắt cho qua,… Cũng vì thế, hành vi “phạm tội” này vẫn được nhiều đối tượng lạm dụng.

screenshot_20180418-164316_messenger.jpg
Nhà báo Lại Văn Sâm bị lợi dụng hình ảnh để quảng cáo thuố chữa ngủ ngáy

 Theo bà Lê Thị Giang, Giảng viên Khoa Pháp luật Dân sự (Đại học Luật Hà Nội), tại Việt Nam, luật đã quy định chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm khi sử dụng hình ảnh cá nhân bất hợp pháp. Cụ thể:

Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

“1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.

Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:
a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;
b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.” 

“Như vậy, nếu sử dụng hình ảnh người khác khi chưa được sự đồng ý  thì đối tượng vi phạm sẽ phải gỡ bỏ hình ảnh, bồi thường, cải chính và công khai xin lỗi”, bà Giang nói.

Theo Luật, nếu bị xâm hại hình ảnh, người bị xâm hại có thể kiện ra tòa yêu cầu gỡ bài, bồi thường uy tín, danh dự.

Tuy nhiên, nhiều người bị xâm phạm hình ảnh ngại kiện ra tòa bởi không có chứng cứ. Bà Giang cho rằng, một số trường hợp khi bị xâm hại có lưu được chứng cứ thì việc kiện đối tượng vi phạm sẽ dễ dàng. Đối với những trường hợp không lưu được chứng cứ, người bị xâm hại có thể làm đơn gửi đến Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50, Bộ Công an). Cơ quan CSĐT có thể dò tìm và xác định địa chỉ IP xuất phát từ máy tính nào, do ai tạo ra để xử lý.

“Để tránh bị lợi dụng hình ảnh những lần sau, người bị xâm hại cần hành động quyết liệt, kiện những người vi phạm ra tòa. Đó là biện pháp tốt nhất để răn đe những người có ý đồ xấu này”, bà Giang chia sẻ.  

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm