Marie Curie: Người phụ nữ duy nhất giành 2 giải Nobel và thành tích nuôi con khiến bao người nể phục

Thạch Anh
03/10/2022 - 14:19
Cả thế giới nhớ đến Marie Curie như khoa học gia đại tài, người phụ nữ duy nhất giành 2 giải Nobel danh giá. Nhưng ít người biết rằng bà cũng là một người mẹ vĩ đại với vai trò khởi xướng "truyền thống" giành giải Nobel của cả gia đình.

Marie Curie (1867-1934) được biết đến là một trong những khoa học gia vĩ đại nhất mà loài người từng biết đến trong giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu 20. Sự nghiệp của bà chói sáng trong địa hạt vật lý, hóa học và là nhà tiên phong trong các nghiên cứu về phóng xạ.

Thành tựu nổi bật nhất trong sự nghiệp khoa học của bà được đánh dấu bằng 2 giải Nobel danh giá ở 2 lĩnh vực khác nhau: Nobel Vật lý năm 1903 cùng chồng; và Nobel Hóa học năm 1911.

Marie Curie: Người phụ nữ duy nhất giành 2 giải Nobel và điều ít biết về thành tích nuôi con vô tiền khoáng hậu - Ảnh 1.

Tranh khắc Marie Curie đang giảng dạy tại Đại học Sorbonne.

Bà "sinh nghề tử nghiệp" cùng nguyên tố hóa học có tính phóng xạ Radium suốt cả cuộc đời, nghiên cứu các tính chất cũng như tiềm năng trị liệu của nó. Đáng tiếc, chính sự say mê với phóng xạ đã dẫn đến căn bệnh suy tủy xương cướp đi cuộc sống của bà.

Là nhà khoa học, nhưng những thành công và phát kiến của Marie Curie không chỉ có tầm vóc đối với lĩnh vực nghiên cứu và thúc đẩy nền văn minh, mà bản thân bà chính là một ví dụ chói sáng cho việc phụ nữ hoàn toàn có thể làm khoa học "ngang cơ" với đàn ông - phá bỏ định kiến giới vốn tồn tại trước đó. 

Một cuộc đời phi thường

Marie Curie (tên khai sinh là Marya (Manya) Salomee Sklodowska) ra đời ngày 7/11/1867 tại Warsaw, Ba Lan. 
Marie Curie: Người phụ nữ duy nhất giành 2 giải Nobel và điều ít biết về thành tích nuôi con vô tiền khoáng hậu - Ảnh 2.

5 anh chị em bà Marie Curie.

Là con út trong gia đình có 5 người con, bà có 3 chị gái và 1 anh trai. Cha mẹ bà - Wladislaw và Bronislava - là những nhà giáo dục tiên phong khi đảm bảo rằng con gái được giáo dục ngang bằng như con trai. Gia đình bà có hoàn cảnh khá khó khăn, cha mẹ bà để lại cho các con chẳng gì ngoài vốn kiến thức và tinh thần học tập.

Mẹ của Curie qua đời vì bệnh lao vào năm 1878. Trong cuốn sách của Barbara Goldsmith "Ám ảnh thiên tài: Thế giới bên trong của Marie Curie", tác giả lưu ý rằng cái chết của mẹ có ảnh hưởng sâu sắc đến bà, thúc đẩy một cuộc chiến kéo dài cả cuộc đời với căn bệnh trầm cảm và định hình quan điểm của bà về tôn giáo. Curie là một nhà vô thần sẽ không bao giờ "tin vào lòng nhân từ của chúa", Goldsmith viết.

Năm 1883, ở tuổi 15, bà hoàn thành chương trình giáo dục trung học, là thủ khoa tốt nghiệp của lớp. Curie và chị gái của bà, Bronya, đều mong muốn theo đuổi con đường học vấn cao hơn, nhưng Đại học Warsaw không chấp nhận phụ nữ. 


Để có được nền giáo dục như mong muốn, họ phải rời khỏi đất nước. Năm 17 tuổi, Curie trở thành một nữ gia sư để lo tiền cho chị gái mình theo học tại trường y ở Paris. Bà tiếp tục tự học và cuối cùng lên đường đến Paris vào tháng 11 năm 1891.
Marie Curie: Người phụ nữ duy nhất giành 2 giải Nobel và điều ít biết về thành tích nuôi con vô tiền khoáng hậu - Ảnh 4.

Marie Curie năm 25 tuổi, 1892.

Khi Curie vào học tại Đại học Sorbonne danh giá ở Paris, bà được đánh giá là một sinh viên tập trung, siêng năng và luôn đứng đầu lớp. Như bằng chứng tài năng của mình, bà đã được trao Học bổng Alexandrovitch dành cho sinh viên Ba Lan du học. 

Học bổng đã giúp Curie chi trả cho các lớp học cần thiết để hoàn thành song bằng về vật lý và khoa học toán học vào năm 1894.

Định mệnh với Pierre Curie

Một trong những giáo sư của bà đã sắp xếp một khoản trợ cấp nghiên cứu để bà nghiên cứu các tính chất từ tính và thành phần hóa học của thép. Dự án nghiên cứu đó đã giúp bà ấy liên hệ với Pierre Curie, cũng là một nhà nghiên cứu thành công. Hai người kết hôn vào mùa hè năm 1895.

Marie Curie: Người phụ nữ duy nhất giành 2 giải Nobel và điều ít biết về thành tích nuôi con vô tiền khoáng hậu - Ảnh 5.

2 vợ chồng nhà Curie trong kỳ trăng mật.

Pierre đã nghiên cứu lĩnh vực tinh thể học và phát hiện ra hiệu ứng áp điện, đó là khi các điện tích được tạo ra bằng cách ép, hoặc áp dụng ứng suất cơ học lên các tinh thể nhất định. Ông cũng thiết kế một số công cụ để đo từ trường và điện.

Duyên nghiệp với phóng xạ

Curie bị hấp dẫn bởi báo cáo về khám phá ra tia X của nhà vật lý người Đức Wilhelm Röntgen và báo cáo của nhà vật lý người Pháp Henri Becquerel về "tia Becquerel" do muối uranium phát ra. 

Theo Goldsmith, Curie đã phủ một lớp mỏng muối uranium lên một trong 2 tấm kim loại. Sau đó, bà đo cường độ của các tia do uranium tạo ra bằng dụng cụ do chồng bà thiết kế. Các thiết bị phát hiện ra các dòng điện mờ tạo ra khi không khí giữa hai tấm kim loại bị bắn phá bằng tia uranium. Bà phát hiện ra rằng các hợp chất uranium cũng phát ra những tia tương tự. Ngoài ra, độ mạnh của các tia vẫn được giữ nguyên, bất kể các hợp chất ở trạng thái rắn hay lỏng.


Curie tiếp tục thử nghiệm thêm các hợp chất uranium. Bà đã thử nghiệm với một loại quặng giàu uranium có tên là pitchblende và nhận thấy rằng ngay cả khi uranium bị loại bỏ, thì pitchblende cũng phát ra các tia mạnh hơn các tia do uranium nguyên chất phát ra. Bà nghi ngờ rằng điều này cho thấy sự hiện diện của một nguyên tố chưa được khám phá.

Vào tháng 3/1898, Curie đã ghi lại những phát hiện của mình trong một bài báo nhỏ, nơi bà đặt ra thuật ngữ "phóng xạ". Curie đã thực hiện 2 quan sát mang tính cách mạng trong bài báo này, Goldsmith lưu ý. Bà tuyên bố rằng việc đo độ phóng xạ sẽ cho phép phát hiện ra các nguyên tố mới, và tính phóng xạ chính là một thuộc tính của nguyên tử.


Hai vợ chồng đã làm việc cùng nhau để kiểm tra vô số các quặng pitchblende. Marie Curie thường làm việc đến khuya để khuấy những chiếc vạc lớn bằng một thanh sắt cao gần bằng mình.

Cuối cùng, họ phát hiện ra rằng 2 trong số các thành phần hóa học - một thành phần tương tự như bitmut và thành phần kia giống như bari - là chất phóng xạ. Vào tháng 7/1898, nhà Curie công bố kết luận của họ: hợp chất giống bitmut chứa một nguyên tố phóng xạ chưa được phát hiện trước đây, mà họ đặt tên là polonium, theo tên quê hương của Marie Curie, Ba Lan.

Cuối năm đó, họ đã phân lập được một nguyên tố phóng xạ thứ 2, mà họ gọi là radium, có nguồn gốc từ "radius", từ tiếng Latinh có nghĩa là tia. Năm 1902, gia đình Curie đã công bố thành công của họ trong việc chiết xuất radium tinh khiết.

Tháng 6/1903, Marie Curie là người phụ nữ đầu tiên ở Pháp bảo vệ luận án tiến sĩ. Vào tháng 11 năm đó, nhà Curie cùng với Henri Becquerel cùng được vinh danh là người đoạt giải Nobel Vật lý vì những đóng góp của họ trong việc tìm hiểu "các hiện tượng bức xạ". 

Ban đầu ủy ban đề cử phản đối việc đưa một phụ nữ là người đoạt giải Nobel, nhưng Pierre Curie khẳng định rằng nghiên cứu ban đầu là của vợ ông.

Năm 1906, Pierre Curie qua đời trong một tai nạn thảm khốc khi bước ra đường cùng lúc với một chiếc xe ngựa. Marie Curie sau đó đã đảm nhiệm vị trí giáo sư vật lý đại cương của chồng mình tại Khoa khoa học tại Sorbonne và là người phụ nữ đầu tiên đảm nhiệm vai trò đó.

Năm 1911, Marie được trao giải Nobel Hóa học lần thứ 2 nhờ phát hiện ra các nguyên tố polonium và radium. Để kỷ niệm 100 năm ngày nhận giải Nobel của bà, năm 2011 đã được tuyên bố là "Năm Quốc tế về Hóa học".

Cuối đời

Khi nghiên cứu của bà về phóng xạ ngày càng căng thẳng, các phòng thí nghiệm của Curie trở nên thiếu thốn. Chính phủ Áo đã nắm bắt cơ hội tuyển dụng Curie và đề nghị thành lập một phòng thí nghiệm tiên tiến, theo Goldsmith. 

Curie đã thương lượng với Viện Pasteur để xây dựng một phòng nghiên cứu phóng xạ. Đến tháng 7 năm 1914, Viện Radium ("Institut du Radium", tại Viện Pasteur, nay là Viện Curie) gần như hoàn thành. Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra vào năm 1914, Curie tạm dừng công việc nghiên cứu của mình và tổ chức một đội máy chụp X-quang di động cho các bác sĩ ngoài mặt trận.

Sau chiến tranh, bà đã làm việc chăm chỉ để gây quỹ cho Viện Radium của mình. Tuy nhiên, đến năm 1920, bà bị các vấn đề về sức khỏe, rất có thể là do tiếp xúc với chất phóng xạ. Vào ngày 4/7/1934, bà qua đời vì suy tủy xương - một tình trạng xảy ra khi tủy xương không thể sản xuất các tế bào máu mới. 

Bác sĩ của Curie kết luận rằng "tủy xương của bà ấy không thể phản ứng có lẽ vì nó đã bị thương do tích tụ lâu ngày các bức xạ".

Curie được chôn cất bên cạnh chồng ở Sceaux, một xã ở phía nam Paris. Nhưng vào năm 1995, hài cốt của họ đã được di chuyển và an táng tại Điện Pantheon ở Paris cùng với những công dân vĩ đại nhất của Pháp. Curies nhận được một vinh dự khác vào năm 1944 khi nguyên tố thứ 96 trong bảng tuần hoàn các nguyên tố được phát hiện và được đặt tên là "curium".

Một di sản bền vững

Giải Nobel Hóa học năm 1911 nhờ phát hiện ra radium, polonium và sự phân lập radium, cung cấp cho khoa học phương pháp cô lập và tinh chế các đồng vị phóng xạ.

Polonium đã được sử dụng như chất sưởi trong các tàu thăm dò không gian và có liên quan đến vũ khí hạt nhân, nhưng radium, với ánh sáng màu xanh lục quyến rũ của nó, đã trở thành nguyên tố "ngôi sao điện ảnh".

Nó nhanh chóng được đưa vào sử dụng trong một loạt các ứng dụng nổi tiếng như chiếu sáng mặt đồng hồ và được các bác sĩ thu nhận như một loại vũ khí trị liệu đa năng chống lại mụn trứng cá, giãn tĩnh mạch, động kinh và hơn thế nữa.

Trong khi phần lớn điều này là sai lầm, các bác sĩ đã "trúng mỏ vàng" khi áp dụng trong điều trị ung thư. Bức xạ có thể thu nhỏ các khối u, trong khi các mảnh radium, được áp dụng trực tiếp trong một phương pháp được gọi là cận xạ trị, cũng có thể làm được điều tương tự.

Các kỹ thuật này, ở dạng tinh chế, ngày nay được phổ biến rộng rãi, cùng với y học hạt nhân, việc thu nhận hình ảnh các khối u bằng các chất được gắn nhãn đồng vị phóng xạ.

Tiến sĩ Spencer Weart, cựu giám đốc Trung tâm Lịch sử Vật lý ở Maryland, Hoa Kỳ, cho biết: "Tất cả các loại thuốc dựa vào phóng xạ - chiếu xạ người - đều bắt nguồn từ Marie Curie. Bà ấy đã tạo ra khám phá mà hàng triệu người sử dụng kể từ đó".

Việc giảng dạy của bà cũng để lại một tác động lâu dài. Bà đã đào tạo các giáo viên nữ, đảo ngược cách học vẹt trong chương trình giảng dạy khoa học của họ để chuyển sang các thí nghiệm thực hành. Nhiều học sinh của bà đã trở thành bác sĩ, nhà khoa học và giáo viên khoa học. 

Marie Curie: Người phụ nữ duy nhất giành 2 giải Nobel và điều ít biết về thành tích nuôi con vô tiền khoáng hậu - Ảnh 9.

Hình ảnh say mê nghiên cứu của Marie Curie đã truyền cảm hứng cho hàng triệu phụ nữ.

Vì vậy, ảnh hưởng của bà trong việc giáo dục phụ nữ về khả năng sống cùng khoa học - rồi kể cả đóng góp của phái đẹp cho sự nghiệp khoa học của nhân loại - là rất sâu sắc.

Tiến sĩ Patricia Fara, một nhà sử học khoa học tại Đại học Cambridge, Vương quốc Anh, có bằng đầu tiên về vật lý, cho biết: "Di sản về mặt thu hút phụ nữ đến với khoa học là rất lớn. Bà ấy là một hình mẫu tuyệt vời đối với tôi khi tôi còn đi học".

Người mẹ "toàn năng", tự nuôi dạy 2 con giành Nobel

Bà Curie không chỉ là một nhà khoa học lỗi lạc, mà còn là một người mẹ "toàn năng".

Nhà Curie có 2 người con gái. Irene, người chị cả, sinh năm 1897, 2 năm sau khi Pierre và Marie kết hôn. Con gái Eve được sinh ra 7 năm sau đó. Pierre qua đời bi kịch khi con gái thứ 2 vừa sinh ra. Điều này khiến Marie trở thành mẹ đơn thân và hoàn toàn phải nuôi 2 cô con gái một mình.

Cuộc đời của Madame Curie gần giống như một phiên bản phiêu lưu trong truyện tranh về chủ nghĩa anh hùng nữ quyền, một câu chuyện truyền cảm hứng cho phụ nữ toàn cầu, kể cả các con gái bà suốt nhiều thập kỷ sau này. 

Marie không hài lòng với việc học ở Paris vào thời điểm đó và dành thời gian dạy con gái tại nhà. Từng có lúc, bà tham gia vào một nhóm các học giả xuất sắc thay phiên nhau giảng dạy chuyên môn của họ cho các con, khi bà dạy vật lý. Bà cũng đảm bảo rằng các cô gái vẫn khỏe mạnh và tham gia vào tất cả các hoạt động thể chất, từ đi bộ đường dài đến nhào lộn.

Và công thức của bà đã hiệu quả. Irene tiếp bước mẹ mình. Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, ở tuổi mười bảy, cô gái trẻ đã giúp mẹ thiết lập thiết bị chụp X-quang tại hiện trường để hỗ trợ những người lính bị thương, một hoạt động mà sau này sẽ giúp bà nhận được phần thưởng quân sự. 

Sau chiến tranh, bà hoàn thành nghiên cứu sau đại học trong khi làm việc với mẹ tại Viện Radium. Ở đó, bà đã gặp chồng tương lai của mình, Frédéric Joliot. Nhiều năm sau, Irene và Frédéric Curie-Joliot nhận giải Nobel cho nghiên cứu của họ (cũng về phóng xạ). Và đó mới chỉ là bề nổi những thành tựu khoa học và nhân đạo của cặp đôi.

Marie Curie: Người phụ nữ duy nhất giành 2 giải Nobel và điều ít biết về thành tích nuôi con vô tiền khoáng hậu - Ảnh 10.

Irene và Frédéric có cuộc hôn nhân khoa học theo bước cha mẹ.

Đam mê của cô con gái thứ 2 Eve lại nghiêng về nghệ thuật và viết lách. Bà đã được đề cử cho giải thưởng Pulitzer về tin tức chiến tranh, và sau đó là "đệ nhất phu nhân" của UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc). Vào năm 1965, bà đã cùng chồng lên sân khấu, với tư cách là giám đốc điều hành của UNICEF, ông đã thay mặt tổ chức nhận giải Nobel Hòa bình. 

Sau khi mẹ qua đời, Eve đã viết một cuốn tiểu sử đầy ấm áp về bà. Một nhà phê bình cho tờ New York Times đã viết rằng nó "khuấy động trái tim và trí óc nhờ sự cân bằng tuyệt vời của lý trí và tình cảm".

Thật khó để tưởng tượng cuộc sống hàng ngày của Marie Curie với tư cách là một người mẹ, phần vì sự xuất sắc không tưởng của lĩnh vực này bên cạnh khoa học. Bà gần như cống hiến trọn đời cho sự nghiệp, mà bằng cách nào đó vẫn nuôi dạy 2 người con đáng tự hào khi không có chồng.

Theo tính chất công việc, bà không phải lúc nào cũng ở bên con gái và phải dựa vào sự chăm sóc của người khác. Nhưng 2 con gái của bà thực sự yêu thương bà, đích thân chăm sóc cho người mẹ đang hấp hối của họ khi bà trở nên ốm yếu vì nhiễm phóng xạ. Thật khó để nghĩ ra một minh chứng tốt hơn cho tình cảm giữa họ.

Nguồn: Tổng hợp
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm