Mặt tự nhiên bị đau là bị gì? 9 nguyên nhân tưởng quen mà không phải ai cũng biết

Châu Anh
18/09/2023 - 12:24
Mặt tự nhiên bị đau là bị gì? 9 nguyên nhân tưởng quen mà không phải ai cũng biết

Ảnh minh họa

Mặt bị đau là cụm từ chung chỉ cảm giác đau ở bất kì vị trí nào trên gương mặt, có thể là mũi, má, hốc mắt,... Nguyên nhân thường là do chấn thương nhưng đau ở mặt cũng có thể là kết quả của một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng.

Theo Medical News Today thì mặt tự nhiên bị đau có thể bắt nguồn từ một vùng đau cụ thể trên khuôn mặt hoặc có thể lan ra từ một bộ phận khác ở đầu. Các bác sĩ phân loại cơn đau ở mặt thành nhiều loại, chủ yếu là:

- Đau răng: Cơn đau liên quan tới vấn đề về răng và nướu chẳng hạn như đau răng, sâu răng, áp xe nướu, viêm nướu

- Đau dây thần kinh: Cơn đau liên quan tới các tình trạng ảnh hưởng tới các dây thần kinh ở mặt

- Đau khớp thái dương - hàm: Cơn đau liên quan tới khớp thái dương hàm và các cơ hàm

- Đau mạch máu: Cơn đau xảy ra do các vấn đề về mạch máu và lưu thông máu.

Nguyên nhân khiến mặt tự nhiên bị đau và cách khắc phục

Loại đau mặt chính xác mà bạn gặp sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra cơn đau là gì.

1. Đau đầu

Có nhiều loại đau đầu khác nhau, một trong số đó có thể gây đau ở mặt, bao gồm:

- Đau đầu do chườm đá gây ra cảm giác đau nhói như bị chích. Những cơn đau này thường kéo dài khoảng 3 giây với các vùng ảnh hưởng bao gồm thái dương, hốc mắt và hai bên đầu.

- Đau đầu từng cơn thường xảy ra rất đột ngột và cực kì đau đớn. Cảm giác thường là đau nóng vùng quanh mắt và thái dương, đôi khi cơn đau sẽ lan ra phía sau đầu. Các triệu chứng khác có thể kèm theo bao gồm sổ mũi và sưng đỏ mắt.

- Chứng đau nửa đầu khá phổ biến và xảy ra quanh năm, đặc biệt khi thời tiết giao mùa hoặc do căng thẳng thường xuất hiện đột ngột và chỉ ảnh hưởng tới một bên đầu cùng các rối loạn thị giác, cảm giác dẫn tới tê nhức ở một bên mặt hoặc cả hai,...

Mặt tự nhiên bị đau là bị gì? 9 nguyên nhân tưởng quen mà không phải ai cũng biết - Ảnh 2.

Có nhiều loại đau đầu khác nhau có thể gây ra cơn đau ở mặt (Ảnh: ST)

2. Chấn thương

Mặt bị đau có thể liên quan tới các chấn thương hiện tại hoặc trong quá khứ, đặc biệt là những chấn thương có liên quan tới tổn thương dây thần kinh ở mặt. Hiếm khi những phẫu thuật ở mặt chẳng hạn như phẫu thuật thẩm mỹ có thể gây tổn thương dây thần kinh dẫn tới mặt bị đau.

Các triệu chứng tổn thương dây thần kinh ở mặt cũng có thể bao gồm ngứa ran, tê và thậm chí liệt các vùng mặt bị ảnh hưởng.

3. Rối loạn khớp thái dương - hàm

Rối loạn khớp thái dương - hàm là tình trạng đau nhức xảy ra ở các cơ nhai, khớp thái dương hàm với các triệu chứng phổ biến bao gồm:

- Cơn đau ở hàm lan lên mặt, đầu hoặc cổ

- Cơ hàm bị cứng

- Khó mở và ngậm miệng (hàm), đau đớn và khó chịu khi mở miệng nói chuyện hay nhai thức ăn hoặc ngay cả khi không di chuyển cơn đau vẫn rất tồi tệ.

Các phương pháp điều trị rối loạn khớp thái dương - hàm tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng mà người bệnh gặp, chúng có thể bao gồm: thuốc giảm đau không kê đơn hoặc thuốc giảm đau theo đơn, các kỹ thuật giảm căng thẳng, đeo nẹp miệng hoặc miếng bảo vệ khớp cắn, phẫu thuật chỉnh sửa hàm khi các biện pháp vật lý không có tác dụng,...

4. Đau dây thần kinh sọ não V (dây thần kinh sinh ba - Trigeminal neuralgia)

Đau dây thần kinh sọ não V (trigeminal neuralgia) là tình trạng rối loạn đau mãn tính xảy ra ở một hay nhiều vùng chi phối cảm giác của dây thần kinh số V bao gồm da đầu, trán, gò má, môi trên, mũi và lan xuống xương hàm dưới. Cơn đau có xu hướng xuất hiện đột ngột như bị điện giật hoặc vật nhọn đâm vào mặt.

Đau dây thần kinh sinh ba có thể kéo dài nhiều ngày tới hàng tuần và nghiêm trọng hơn theo thời gian nếu không được can thiệp.

Mặt tự nhiên bị đau là bị gì? 9 nguyên nhân tưởng quen mà không phải ai cũng biết - Ảnh 3.

Đau dây thần kinh sọ não V (trigeminal neuralgia) là tình trạng rối loạn đau mãn tính (Ảnh: ST)

5. Áp-xe răng

Áp-xe răng là sự tích tụ mủ phát triển do vi khuẩn tại mô mềm của răng. Những nhiễm trùng này có thể xảy ra khi răng bị sâu hoặc các tổn thương răng, nướu tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào tủy răng. Khi chân răng bị nhiễm trùng, nước bọt có tính sát khuẩn nhẹ không thể tác dụng đến, các mô nướu cũng có xu hướng rút hết chất lỏng nhiễm bệnh. Vì thế dịch mủ không thoát được ra ngoài qua đường nướu mà tích tụ trong chân răng, hình thành nên ổ áp-xe.

Áp-xe răng có thể là cảm giác đau nhói lan xuống hàm, mặt và cổ cùng các triệu chứng khác như sốt, nướu sưng đỏ, răng lung lay, sưng tấy ở mặt, miệng có mùi hoặc vị khó chịu.

Những người có ổ áp-xe răng cần được điều trị càng sớm càng tốt vì nhiễm trùng nghiêm trọng có thể xảy ra lan tới hàm và các phần khác của miệng. Các điều trị áp-xe có thể là thuốc kháng sinh, dẫn lưu ổ áp-xe, nhổ răng hoặc điều trị tủy răng.

6. Viêm xoang

Viêm xoang xảy ra khi xoang (nằm ở sau mũi, xương gò má và trán) bị viêm. Viêm xoang thường bắt đầu sau cảm lạnh nhưng dị ứng như viêm mũi dị ứng kéo dài cũng có thể khiến xoang bị viêm dẫn tới tích tụ chất nhầy cùng các triệu chứng khác như đau, nặng các xoang ở mặt, đặc biệt là quanh mũi, má và trán. Dịch mũi màu xanh lá cây hoặc vàng chảy ra từ mũi hay nghẹt mũi; giảm khứu giác,...

Mặt tự nhiên bị đau là bị gì? 9 nguyên nhân tưởng quen mà không phải ai cũng biết - Ảnh 4.

Viêm xoang xảy ra khi xoang (nằm ở sau mũi, xương gò má và trán) bị viêm (Ảnh: ST)

Mặc dù viêm xoang có thể không cần điều trị nhưng nếu viêm xoang kéo dài trên 12 tuần có thể là viêm xoang mãn tính. Các lựa chọn điều trị có thể là thuốc giảm đau không kê đơn, thuốc xịt mũi steroid và xịt rửa mũi bằng nước muối sinh lý. Nếu viêm xoang do vi khuẩn, kháng sinh có thể được bác sĩ chỉ định. Với viêm xoang mãn tính, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để mở các xoang và tạo điều kiện cho việc dẫn lưu dịch nhầy được thuận lợi hơn.

7. Viêm tuyến nước bọt

Viêm tuyến nước bọt là một tình trạng hiếm gặp khi tuyến nước bọt trong miệng bị nhiễm trùng và sưng tấy. Nhiễm trùng này thường ảnh hưởng tới tuyến mang tai ở phía trước tai hoặc tuyến dưới hàm và cằm. Người bị viêm tuyến nước bọt có thể bị đau ở một bên miệng hoặc mặt - vị trí gần với tuyến nước bọt bị nhiễm trùng.

Các triệu chứng ngoài đau mặt khi tuyến nước bọt bị nhiễm trùng có thể bao gồm sốt, ớn lạnh, có mủ ở miệng, da sưng đỏ gần tuyến bị nhiễm trùng hoặc sưng tấy một bên mặt. Những người bị khô miệng thường xuyên hoặc tuyến nước bọt bị tắc cũng có nhiều nguy cơ bị viêm tuyến nước bọt hơn. Tuy nhiên không phải lúc nào tình trạng này cũng có nguyên nhân rõ ràng.

Bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng sinh cho những trường hợp viêm do nhiễm khuẩn, kèm theo đó là lời khuyên uống nhiều nước, hạn chế những thực phẩm cay nóng, ưu tiên những thực phẩm kích thích sản xuất nước bọt như ngậm kẹo, đồ chua hay nước chanh.

Mặt tự nhiên bị đau là bị gì? 9 nguyên nhân tưởng quen mà không phải ai cũng biết - Ảnh 5.

Viêm tuyến nước bọt là một tình trạng hiếm gặp khi tuyến nước bọt trong miệng bị nhiễm trùng và sưng tấy (Ảnh: ST)

8. Ung thư miệng

Ung thư miệng có thể ảnh hưởng đến môi, nướu, lưỡi, vòm miệng, niêm mạc má hoặc sàn mềm của miệng. Các khối u ở những khu vực này có thể gây áp lực, lở loét, sưng tấy và đau đớn ảnh hưởng đến vùng da mặt của bạn và sẽ không biến mất sau các điều trị giảm nhẹ tại nhà.

Bạn có nhiều nguy cơ bị ung thư miệng hơn nếu có thói quen hút thuốc lá hoặc sinh hoạt kém lành mạnh.

9. Viêm động mạch tế bào khổng lồ (Giant Cell Arteritis)

Các động mạch ở đầu và da đầu của bạn bị viêm. Điều này có thể gây đau nghiêm trọng quanh thái dương ở hai bên mặt. Bạn cũng có thể bị đau quai hàm, sốt và tụt cân kèm theo đau quai hàm cuối cùng là mờ mắt hoặc mất thị lực đột ngột/vĩnh viễn ở một mắt.

Nguyên nhân gây ra tình trạng này vẫn chưa được xác định tuy nhiên bệnh thường phát triển ở sau tuổi 50.

Ngoài các nguyên nhân phổ biến trên thì bạn có thể tự nhiên bị đau mặt do bệnh zona thần kinh, virus herpes simplex 1 (HSV-1) gây ra các vết loét,...

10. Khi nào mặt tự nhiên bị đau là trường hợp khẩn cấp?

Theo Healthline, nếu bạn đột nhiên bị đau mặt và lan ra từ ngực hoặc cánh tay trái thì cần di chuyển tới cơ sở y tế hoặc gọi cấp cứu ngay lập tức bởi đây có thể là dấu hiệu của một cơn đau tim sắp xảy ra.

Ngoài ra, nếu bạn bị đau ở mặt nghiêm trọng, dai dẳng hoặc có các dấu hiệu nhiễm trùng bao gồm sốt, sưng đỏ bừng, sưng tấy mặt, mệt mỏi không rõ nguyên nhân cũng cần thăm khám bác sĩ sớm để được chẩn đoán và điều trị.

Nhìn chung mọi người có thể tự điều trị khi mặt bị đau ở nhà chẳng hạn như:

- Chườm đá lên vùng bị đau trong 10 - 20 phút, lưu ý cần bọc đá trong túi vải mỏng hoặc túi chườm chuyên dụng để tránh bị bỏng lạnh

- Dùng thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen, naproxen hoặc acetaminophen

- Gối đầu cao hơn khi ngủ để chất nhầy không bị bít nghẽn gây khó chịu do viêm xoang

- Súc miệng bằng nước muối 3 lần mỗi ngày nếu sưng mặt do đau răng,..

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau mặt là gì sẽ có các biện pháp điều trị đặc thù như châm cứu, phẫu thuật chỉnh hình, thay đổi lối sống lành mạnh,...

Nguồn: Medical News Today, Healthline
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm