Mẹ bất lực khi con là đứa trẻ siêu vòi vĩnh

19/08/2019 - 06:35
Ngày con bé, chị Dương Thùy Trang (Trường Chinh, Hà Nội) chiều con vô điều kiện. Giờ đây, bước vào tuổi lên 10, con vẫn giữ thói quen vòi vĩnh, cần gì là đòi mẹ đáp ứng cho bằng được khiến chị Trang vô cùng lúng túng, mệt mỏi.

Nhiều người phê phán chị Trang không biết từ chối con. Từ nhỏ, chị Trang có thói quen mua sắm cho con đủ thứ, từ đồ chơi, quần áo, đến đồ ăn. Chỉ cần con lên tiếng đòi thì dù đắt mấy chị Trang cũng cố mua cho con bằng được. Lúc ấy, chị Trang nghĩ, bố mẹ đi làm ra tiền cũng chỉ để cho con. Tiếc làm gì để con thèm thuồng.

Dù biết bim bim không tốt nhưng thấy con nằng nặc đòi, chị Trang cũng vẫn mua cho con ăn với suy nghĩ, mỗi ngày ăn vài gói chắc chẳng sao. Đi vào siêu thị, giỏ đồ của mẹ con chị Trang luôn đầy ăm ắp mà trong đó 2/3 là của cô con gái. Chỉ cần bạn có đồ gì mới, cô con gái cũng đòi mẹ mua cho bằng được. Nếu chần chừ không mua, cô con gái sẽ giãy đành đạch, thậm chí nằm xuống đất ăn vạ.

voi-vinh1.jpg
Nhiều đứa trẻ sẵn sàng ăn vạ nếu không được đáp ứng nhu cầu. Ảnh minh họa

 

Lúc bé, chị Trang có thể thoải mái đáp ứng nhu cầu của con. Thế nhưng, giờ đây, khi con bước vào tuổi teen, nhiều đòi hỏi vô lý của con khiến chị Trang không biết từ chối thế nào. Nếu không mua, cô con gái sẽ giậm chân thình thịch, giận dỗi, nổi đóa với mẹ. Con càng lớn, chị Trang biết rằng mình không thể chiều chuộng con, đáp ứng mọi yêu cầu của con. Bởi như thế, con sẽ trở thành một đứa trẻ đua đòi, ích kỷ, chỉ biết đòi hỏi người khác. Nhiều lúc, chị Trang cảm thấy bất lực trước cô con gái siêu vòi vĩnh của mình.

Chị Trang ân hận vì trước đây đã quá nuông chiều con vì nghĩ rằng như thế mới là yêu con. Chị nhận ra, điều mà mình thiếu nhất, đó là kỹ năng từ chối con. Chỉ cần con khóc và ăn vạ dữ dội, chị không có cách nào nói “không” với con được.

voi-vinh-3.jpg
Biết cách từ chối con cũng là kỹ năng cần thiết của cha mẹ. Ảnh minh họa

 

Để giúp trẻ bớt vòi vĩnh, theo bác sĩ Anh Nguyễn (Vương quốc Anh), cha mẹ cần từ chối trẻ và dạy trẻ bài học “làm sao cần/để được cho”. Cha mẹ cần thực hiện theo những điều sau:

  1. Hãy cân bằng giữa từ chối và cho phép. Đừng luôn từ chối tất cả yêu cầu của trẻ, mà hãy lắng nghe và cho phép trẻ nếu điều đó thực sự trẻ có thể làm hoặc bạn có thể kiểm soát. Nhiều cha mẹ thường mắc sai lầm vô ý hay cố ý luôn luôn từ chối không cho phép trẻ làm bất cứ điều gì. Trẻ sẽ nhận ra rằng: Cha mẹ luôn từ chối mọi thứ, chỉ khi phản kháng mới thực sự giải phóng. Nếu bạn giải thích vì sao từ chối hoặc đồng ý đòi hỏi của trẻ nhưng dưới 1 điều kiện nào đó chắc chắn trẻ sẽ luôn tôn trọng sự từ chối của bạn và sẽ đưa ra những đòi hỏi sau khi trẻ đã suy nghĩ kỹ. Làm tốt điều này, bạn cũng đã dạy trẻ 1 phần bài học "Tại sao cần được cho phép", trẻ sẽ học cách suy nghĩ điều gì cần được cho phép khi đòi hỏi.
  2. Tìm cách nói từ chối bằng 1 lời đề nghị/lời giải thích ngắn gọn, hơn là chỉ nói "Không được". Có người mẹ nói với đứa trẻ đang vòi vĩnh đôi giầy màu xanh có hình siêu nhân mới ra bằng câu nói lớn tiếng: "Không được mua giầy nữa!". Điều này chỉ gửi 1 thông tin kém tích cực và không có thông điệp gì để trẻ nhận ra "tại sao không mua đôi giầy đó". Dĩ nhiên, phản ứng đáp trả của cậu bé là "Khóc đòi bằng được". Nếu người mẹ gửi thông điệp có thông tin hơn thì kết quả sẽ khác, ví dụ "Con nghĩ đôi giày này có giống đôi giày màu đỏ con có ở nhà không?, Chúng ta có thể tìm 1 loại khác có mẫu siêu nhân mới ở dịp khác nhé con!". Thông tin truyền đến trẻ rất rõ ràng và có lí do tại sao mà mẹ từ chối. Hãy cho trẻ thông tin, hơn là những lời từ chối suông. Làm tốt điều này sẽ giúp trẻ hiểu bài học "làm sao để được cho phép".
  3. Hãy dừng các hành động mắng chửi hoặc đe dọa trẻ vì điều này không mang 1 thông điệp nào giúp trẻ ngừng vòi vĩnh. Chỉ là 1 "ngòi nổ" giúp trẻ nhận ra cần làm dữ hơn, càng quyết tâm hơn để có được điều trẻ mong muốn. Chắc chắn rằng bạn không muốn trẻ học điều này đúng không?
  4. Đừng quá dễ dãi cho trẻ quá nhiều. Bài học cần thiết mà mọi đứa trẻ ngày nay cần học không phải là "chỉ nhận", mà chính là sự hiểu "tại sao được nhận". Khi hiểu bài học này, trẻ sẽ học được bài học quan trọng thứ 2 là "cho đi như thế nào?". Nếu "chỉ nhận" thì trẻ rất khó để học bài học thứ 2.
  5. Tâm thái của cha mẹ khi trẻ vòi vĩnh cũng quyết định sự thành công. Bạn được khuyên là giữ đúng quyết định của mình đến phút cuối cùng. Việc bạn đồng ý cho trẻ mua món đồ ngay từ đầu vẫn tốt hơn là sau 1 thời gian giằng co và la mắng, cuối cùng bạn vẫn chấp nhận mua món đồ đó. Do đó, quay lại ý số 1, luôn đánh giá cần hay không cần để đưa ra quyết định cho phép hoặc từ chối và giữ đúng quyết định này. Bạn sẽ truyền sự cương quyết cho trẻ và trẻ sẽ sớm nhận ra rằng: Vòi vĩnh không phải là cách hữu hiệu để đạt được điều mình muốn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm