Việc tạo ra tác phẩm nghệ thuật đẹp từ những cục đất sét thô kệch đòi hỏi sự kiên nhẫn, cống hiến và sức sáng tạo. Ở Shauraya hội tụ tất cả yếu tố đó.
Sau nhiều năm học hỏi tại các quốc gia trên thế giới, bà Nina đã quyết định hỗ trợ con trai mở một phòng trưng bày nhỏ mang tên Banana Studio, nơi bà gọi là "thiên đường nhỏ của con", giúp con trai bà có thể thỏa sức thể hiện tài năng của mình.
Kể lại mối duyên giữa con trai và nghề gốm, bà Nina nói: “Shaurya là con trai duy nhất của vợ chồng tôi. Kể từ khi con chào đời, chúng tôi thường xuyên phải di chuyển từ nơi này qua nơi khác do công việc của chồng tôi. Vì thế, Shaurya được học tập tại nhiều trường học khác nhau. Nhưng cuối cùng, chúng tôi nhận ra rằng việc học đó không phù hợp với con. Khi con được 19 tuổi, chúng tôi bắt đầu nhận thấy sự quan tâm đặc biệt con dành cho môn nghệ thuật gốm. Khi chúng tôi ở Nam Phi, sự quan tâm mà con dành cho những cục đất sét ngày càng lớn. Tại nơi dành cho những đứa trẻ đặc biệt, chúng tôi đã gặp thợ gốm chuyên nghiệp Brenda”.
Từ đó, Brenda đã đào tạo Shaurya trong 3 năm và tình yêu Shaurya dành cho nghệ thuật gốm sứ ngày càng lớn.
Bà Nina cho biết, các chuyến đi đã giúp Shaurya học hỏi được nhiều phong cách và kỹ thuật làm gốm khác nhau. Tại Thái Lan, chính bà Nina cũng bắt đầu học nghệ thuật gốm cùng Shaurya và làm việc với con.
Năm 2013, cả gia đình Shaurya trở lại Ấn Độ và Banana Studio ra đời. Bà Nina mong muốn, phòng trưng bày này sẽ là một địa điểm lý tưởng cho các gia đình vui chơi, thư giãn. Shaurya cũng bắt đầu trưng bày các tác phẩm của anh ở những con đường khác nhau xung quanh thủ đô Delhi.
Bà Nina kể: “Mọi người bắt đầu chú ý đến công việc của con tôi và bình luận về những đặc điểm khác biệt trong công việc đó. Nó thực sự khiến người mẹ như tôi cảm thấy tự hào. Tôi luôn luôn xem các tác phẩm là tiếng nói và sự thể hiện của con”.
Theo bà Nina, mọi người nên thực hiện 4 điều sau để giúp những người có nhu cầu đặc biệt hòa nhập với cuộc sống:
1. Suy nghĩ cởi mở: Trẻ em có nhu cầu đặc biệt giống như bạn và tôi. Chúng ta cần ngừng mặc định và bắt đầu chấp nhận.
2. Thông cảm: Một chút lòng tốt sẽ giúp bạn đi một chặng đường dài.
3. Đừng sợ: Cho dù bạn là cha mẹ của một đứa trẻ có nhu cầu đặc biệt hay biết một đứa trẻ khác như vậy, đừng sợ chúng. Có thể có những ngày tốt và những ngày tồi, hãy học cách chấp nhận cả hai.
4. Hãy ở đó vì con của bạn: Làm cha mẹ, bạn phải đảm bảo rằng mình là chỗ dựa lớn nhất của con. Khi đó, các con sẽ cảm thấy rằng không có gì có thể ngăn chúng đạt được những gì chúng muốn.
Bà Nina cũng chia sẻ rằng, gia đình bà luôn đưa Shaurya đến tất cả các buổi tụ họp: “Chồng tôi và tôi đưa Shaurya đi khắp nơi, cho dù là đi xem phim hay gặp mặt mọi người. Điều đó giúp Shaurya đủ tự tin để đối mặt với tất cả mọi người”.