Giấy khen không có giá trị trong tương lai của con, chỉ là thứ để các cha mẹ khoe nhau |
Con chị Giang học không giỏi, chị thừa biết năng lực của con. Thế nhưng, với cách thi ở trường tiểu học hiện nay, con chị vẫn có thể đạt điểm 9, 10. Môn Tiếng Việt, cho con chăm chỉ đọc hiểu, làm bài tập ngữ pháp, việc con đạt điểm cao là trong tầm tay. Môn Văn, chỉ cần mẹ làm sẵn cho con 4-5 bài cô giáo “khoanh vùng” và bắt con học thuộc, rồi bắt con viết đi viết lại để không sai lỗi chính tả, lỗi chấm câu, điểm tuyệt đối cũng khá dễ dàng. Với môn Toán, điểm 10 với con có vẻ khó, nhưng nếu luyện đi luyện lại những dạng đề đã học, những phiếu bài tập cô giao, những đề thi thử in trên mạng, con hoàn toàn có thể đạt 9 điểm. Với kết quả như vậy, con sẽ được nhận giấy khen: Hoàn thành xuất sắc nội dung học tập.
Dù trong lớp đa số học sinh có điểm cao như vậy, chị không muốn con đạt kết quả “ảo” ấy. Bởi, chị quá hiểu sức học của con. Bệnh thành tích của ngành giáo dục đã đồng hóa những học sinh có năng lực và những học sinh chưa giỏi như nhau.
Trong khi nhiều giáo viên cho học sinh học thuộc văn mẫu để các con đạt thành tích cao nhất thì chị khuyến khích con làm bài văn của chính mình. Những bài văn con làm có thể không hay, từ ngữ không chau chuốt, nhưng đó mới chính là bài văn viết từ cảm nhận của con. Chị biết chắc bài văn đó sẽ không đạt điểm cao nhưng chị hài lòng dù điểm số có như thế nào.
Chị biết, kết quả ảo không có giá trị gì cho tương lai của con, nó chỉ có giá trị với các ông bố, bà mẹ muốn khoe con. Chị hiểu rằng, con không học giỏi nhưng con vẫn có nguyên giá trị với những khả năng, thế mạnh khác của con. Nhiệm vụ của chị chính là nuôi dưỡng và phát huy khả năng ấy.
Trẻ con cần được chơi, được sáng tạo, vì tò mò mới là đặc tính quý giá nhất để con học tốt. Ảnh minh họa |
Chia sẻ về vấn đề này, nhà báo Thu Hà, tác giả cuốn sách “Con nghĩ đi, mẹ không biết!” cho biết: Rất tiếc là các kỳ thi vẫn diễn ra đúng thời hạn và con cái chúng ta vẫn mang về những điểm số khá đẹp, thậm chí rất đẹp, và chúng ta cũng... hài lòng!
Tôi biết những đứa trẻ chưa nắm chắc bài và nếu thả ra để làm lại từ đầu thì có thể sẽ làm sai. Tiếc là sự giúp sức của thầy cô nhiệt tình quá, không thể trật đường ray đi đâu được. Tri thức thầy cô đã đóng gói, xay nhuyễn và trở nên rất dễ nuốt. Giáo án dự tính việc này sẽ hoàn thành sau 2 tiết học, thì nó phải xong sau 2 tiết học! Học sinh ăn cháo xay hoài rồi nghiền luôn, bài khó xíu là nhăn, là bỏ...
Có phải vì chúng ta quá coi trọng cái đích đến không? Nên giữa đường, nếu hổng chỗ nào là thầy cô vội vã độn kê vào, học sinh không được dừng lại ngó nghiêng đủ lâu để tìm kiếm, để tò mò đặt câu hỏi, để tìm tòi khám phá, thậm chí nếm chút ít thất bại!
Cái cách ôn tập quá gọn để bé thuộc lòng, quy tắc làm tròn điểm... khiến học sinh và phụ huynh thỏa mãn hơn, tưởng là đã đủ, đã xong trách nhiệm rồi!
Tôi nhớ cảm giác gần như bàng hoàng khi nghe Giám đốc Sở giáo dục Israel nói: “Ở Israel, thầy cô không phải là người truyền thụ tri thức, nhiệm vụ của thầy cô là khiến trẻ tò mò. Nhiệm vụ của nhà trường là biến trẻ em thành những đứa trẻ tò mò!”.
Thế nên, trẻ con cần được chơi, chơi điên cuồng, chơi sáng tạo. Không phải là kỷ luật, không phải là trật tự, không phải là kèm cặp, mà là tò mò mới là đặc tính quý giá nhất để con học tốt.