Mẹ ném tiền học xuống đất khiến con cả đời tổn thương

25/01/2018 - 14:12
Sự vô tình của cha mẹ đã khiến nhiều đứa trẻ bị tổn thương, ám ảnh trong suốt cuộc đời.
ts-phuong.jpg
Tiến sĩ Bùi Trân Phượng (trái) chia sẻ về cách giáo dục con 

Diễn giả, tiến sĩ Bùi Trân Phượng đã cùng các cha mẹ thảo luận về những điểm khác biệt trong cách giáo dục trẻ trước đây và ngày nay. Từ đó, có những bài học kinh nghiệm hữu ích giúp trẻ phát triển theo năng lực, khả năng vốn có và tôn trọng cảm xúc của trẻ.

Chia sẻ về những ám ảnh trong tuổi thơ, một bà mẹ ngậm ngùi: Có lần tôi xin tiền học, cùng với thái độ gắt gỏng, mẹ đã ném tiền xuống đất. Tôi đã phải cúi xuống nhặt. Thế nhưng, đến bây giờ, nghĩ đến chuyện đó, tôi vẫn còn nguyên cảm xúc đau khổ. Chắc chắn, tôi sẽ không bao giờ đối xử khiến con bị tổn thương như vậy.

Có bà mẹ lại ấm ức khi cha mẹ luôn yêu cầu phải học giỏi nhất lớp, phải là bí thư, lớp trưởng, phải mang về giải thưởng nọ, giải thưởng kia. Bà mẹ này cho biết, đây là ý muốn của bố mẹ không phải của con.

Cha mẹ không cần quan tâm xem con có thích và phù hợp với “chức tước” trong lớp học ấy không, khả năng của con có đạt được thành tích gì không? Việc phải cố gắng, gương mẫu khiến đứa trẻ là họ lúc đó cảm thấy ức chế vì không được sống rất áp lực. Vì thế, bà mẹ này cho biết, sẽ đồng hành cùng con để con được khám phá chính bản thân mình, không bắt con sống theo cách mà người khác mong muốn.

quat-mang.jpg
Có những ám ảnh, tổn thương tuổi thơ kéo dài suốt cuộc đời sau này. Ảnh minh họa

Không ít các phụ huynh thú nhận vẫn không quên được lời mắng chửi, xúc phạm từ ngày này sang tháng khác từ cha mẹ chỉ vì những “lỗi bé như con kiến”. Có phụ huynh lại hậm hực vì trước đó bị bố mẹ định hướng nghề nghiệp, không cần biết đó có phải là nghề con muốn hay không.

Từng tổn thương vì lối giáo dục áp đặt, các phụ huynh này luôn ý thức sẽ đồng hành cùng con, cùng ước mơ, cảm xúc của con. Họ cũng hiểu, giống như họ trước đây, tuổi teen khao khát sự chia sẻ cảm xúc của bố mẹ.

Theo TS. Bùi Trân Phượng, trên thực tế, trẻ em ngày nay có tính cá nhân nhiều hơn và ít đồng cảm hơn so với trẻ em ở thập kỷ trước. Thế nên, rất cần thiết phải khắc phục tình trạng quỹ thời gian hạn hẹp khiến các bậc phụ huynh không thể giáo dục trẻ theo những phương pháp cùng học, cùng làm, cùng chơi với trẻ.

Để lớn lên “thành đạt” thì trẻ phải được giáo dục cảm xúc từ nhỏ, trẻ phải hiểu về lòng biết ơn và cảm được lòng biết ơn với người khác. Giáo dục cảm xúc quan trọng không kém gì việc học Toán, học tiếng Anh… Thế nhưng, đa phần các cha mẹ chỉ đầu tư cho con học các môn học trên. Giáo dục cảm xúc, không phải là dạy con biết ơn người khác bằng lời nói mà phải bằng chính hành động của cha mẹ trong cuộc sống hàng ngày.

  • TS. Bùi Trân Phượng từng là Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen. Năm 2014, bà được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Bắc Đẩu bội tinh, bậc Hiệp sĩ vì những đóng góp của bà trong quan hệ hợp tác Việt - Pháp về văn hóa và giáo dục. Bà là 1 trong 20 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam do Tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn trong lĩnh vực giáo dục.
  • Sau khi rời cương vị Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen, TS. Bùi Trân Phượng đang triển khai thí điểm dự án “Cùng giáo viên thay đổi” tại một số trường học trong cả nước. Trường Marie Curie là trường đầu tiên ở Hà Nội tham gia dự án này.

 

 

 

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm