pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mẹ nên thay đổi trước khi quá muộn
Chăm sóc và nuôi dạy con là một hành trình dài, đòi hỏi nỗ lực từ cả cha mẹ lẫn con cái. Ở mỗi độ tuổi, con lại có sự thay đổi về tính cách, suy nghĩ nên rất cần sự quan tâm, bảo ban từ phụ huynh. Tuy nhiên, phương pháp giáo dục đúng cách rất quan trọng, quyết định tương lai sau này của trẻ, thế nên nếu thấy bản thân có những biểu hiện dưới đây thì cha mẹ nên thay đổi ngay trước khi quá muộn.
1. Người mẹ can thiệp quá mức vào cuộc sống của con
Hầu hết các bậc phụ huynh đều cho rằng việc quản lý, kiểm soát con cái là cực kỳ cần thiết để trẻ phát triển theo hướng tốt, tránh nhiễm các thói hư xấu. Tuy nhiên, cha mẹ kiểm soát con cái quá mức đôi khi gây ra nhiều hậu quả vô cùng nghiêm trọng đến tâm lý, cuộc sống của trẻ.
Nếu quản lý con cái một cách quá mức, không tiết chế, không tạo cho bé không gian riêng sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường sau: Trẻ trở nên nhút nhát, thiếu tự tin, ỷ lại vào bố mẹ, không dám tự mình đương đầu với khó khăn.
Sống với bố mẹ kiểm soát quá mức sẽ xây dựng nên tính cách tự ti ở trẻ. Nguyên nhân là vì con chưa bao giờ chủ động đưa ra các quyết định, lựa chọn trong suốt quá trình trưởng thành.
Bên cạnh đó, trẻ cũng cần trang bị thêm về các kỹ năng xã hội. Các nhà tâm lý học cho biết, kỹ năng xã hội thường được hình thành từ cách ứng xử, mối quan hệ trong gia đình và trường học. Ở những trẻ có đầy đủ các kỹ năng sẽ biết cách thể hiện năng lực, kiểm soát tốt các vấn đề trong cuộc sống, công việc và mở rộng mối quan hệ hơn...
Việc cha mẹ kiểm soát con cái quá mức lại vô tình khiến trẻ thiếu đi các kỹ năng cần thiết khi bước vào xã hội, dễ mắc các vấn đề về tâm lý Nếu tình trạng này diễn ra trong thời gian dài, bé có thể gặp các vấn đề tâm lý như: rối loạn lo âu, stress, tự ngược đãi bản thân, trầm cảm...
2. Coi trẻ như một "chiến lợi phẩm" để khoe mẽ với mọi người
Nếu con học giỏi, người mẹ sẽ cảm thấy tự hào, hạnh phúc, ngược lại nếu con không nghe lời, thành tích kém sẽ bị mẹ chỉ trích. Mẹ cần phải hiểu rằng mỗi đứa trẻ có sự khác biệt riêng và khả năng không giống nhau, thế nên điều bố mẹ cần làm là quan sát, tìm ra và phát huy thế mạnh của con. Những người mẹ có tính cách thích khoe mẽ, coi con là "chiến lợi phẩm" sẽ không thể dạy dỗ một đứa trẻ giỏi giang, ngoan ngoãn.
Bên cạnh đó, hiện nay "cơn nghiện" khoe hình ảnh con ngày càng trở nên nặng nề hơn. Từ chỗ khoe điều tốt (học giỏi, biết làm việc nhà...), nay người lớn đang khoe cả những điều chưa tốt: con khóc, con đòi, con ngủ gục, con lý sự với ông bà... Thậm chí trong thời đại dữ liệu quý hơn vàng, những điều cha mẹ đăng lên mạng đó trở thành "miếng mồi ngon" cho những kẻ trục lợi.
Trong tương lai xa hơn, khi con muốn xóa bỏ những ký ức đó cũng chẳng phải dễ. Hình ảnh trẻ em bây giờ không chỉ là để khoe, để giải khuây mà còn trở thành bức tường để người lớn trút cảm xúc tiêu cực lên đó. Đã có nhiều câu chuyện phụ huynh dùng hình ảnh, câu chuyện của con mình để chê trường, phụ huynh nói xấu thầy cô trên mạng, trong đó họ lấy cớ "vì con cái mình"... Người lớn bất đồng nhau cũng dùng hình ảnh trẻ để "nói chuyện" với nhau... Lắm khi những hình ảnh được đăng lên cùng ý đồ của người lớn, được chia sẻ, dẫn dắt bởi các bài viết, bình luận từ vô tâm đến ác ý. Hình ảnh, clip chúng ta đăng lên hôm nay có thể sẽ ám ảnh tương lai đứa trẻ sau này.
3. Luôn tiêu cực, bi quan trước mọi vấn đề trong cuộc sống
Cha mẹ "độc hại" (toxic parents) là những phụ huynh dạy con theo khuôn mẫu hành vi tiêu cực, kiểm soát con bằng lời nói, bạo hành... Phụ huynh với cách sống, suy nghĩ tiêu cực có thể ảnh hưởng lớn tới sự phát triển, hình thành tính cách, con người sau này của con trẻ. Song, không phải ai cũng biết mình đang trong trạng thái đáng báo động, bởi ranh giới giữa làm điều tốt cho con và những hành vi độc hại rất nhỏ.
Để thoát khỏi tình trạng tiêu cực với con cái, phụ huynh cần có cái nhìn thẳng thắn hơn về cách cư xử của bản thân. Các hành vi độc hại sẽ khiến con ngày càng xa cách với cha mẹ, trẻ phát triển thiên lệch. Chúng ta cần liệt kê hành động khiến con khó chịu hoặc né tránh. Nếu những điều này liên quan quyền riêng tư của trẻ, phụ huynh nên có cái nhìn cởi mở hơn và tôn trọng con.
Thay vì quát mắng, giận dữ, cha mẹ nên trò chuyện, tâm sự với con nhiều hơn để cả hai mở lòng, hiểu nhau. Hai bên có thể cùng nhau lên kế hoạch và thỏa thuận ranh giới. Đây là bước đầu cho thấy bạn đang lắng nghe và tôn trọng con. Các hoạt động như đọc sách, thiền... sẽ giúp giải tỏa tâm lý, khiến bạn bớt hành động theo cảm tính hay giận dữ.
4. Dùng đòn roi, chỉ trích để giải quyết vấn đề
Việc đánh con để dạy con không chỉ đem lại đau đớn về mặt thể xác mà còn cả mặt sức khoẻ tinh thần, dễ khiến trẻ mắc chứng rối loạn hành vi xã hội, rối loạn tinh thần, căng thẳng và bất ổn về mặt cảm xúc. Từ đó dẫn đến việc trẻ luôn có những suy nghĩ tiêu cực, tâm trạng buồn bã, chán nản không muốn làm gì. Suy giảm khả năng nhận thức cũng là một trong những hậu quả mà bậc phụ huynh cần chú ý đến.
Những nhà nghiên cứu đã quan sát rằng não của trẻ có sự thay đổi khi thường xuyên bị đánh đòn. Những đứa trẻ này thường có ít chất xám ở một số khu vực nhất định ở vỏ não ảnh hưởng chỉ số IQ của trẻ. Vậy nên hãy tìm những phương pháp hợp lý, khoa học nhất để nuôi dạy trẻ một cách tốt nhất.