Mẹ và con cùng vượt bệnh hiểm nghèo

22/05/2018 - 16:41
Cách đây hơn 1 năm, nhà chị Minh rối tung như canh hẹ. Cậu con trai vừa tốt nghiệp đại học ở nước ngoài bỗng dưng rơi vào trầm cảm nặng. Trong lúc đưa con đi khám lại ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), chị thấy “đèn đỏ” khác thường nên kiểm tra và được chẩn đoán bị u tử cung, có dấu hiệu lạ.
Những thay đổi chóng mặt của con trai
Sau khi tốt nghiệp chương trình đại học Nha khoa ở Trung Quốc về Việt Nam, hình ảnh chàng trai hồn nhiên, hay cười của Tuấn - con chị Minh - bỗng nhiên biến mất. Thay vào đó là anh chàng e dè, không muốn gặp gỡ mọi người, thậm chí còn hay cáu kỉnh, nổi khùng.
teen.jpg
Ảnh minh họa

 

Chị Minh lựa những lúc con đỡ căng thẳng nhất để hỏi xem con có vấn đề gì nhưng Tuấn chỉ bảo một câu: “Con không sao”. Nhưng đến khi con trai trằn trọc không ngủ mỗi đêm và các bữa từ chối ăn với bố mẹ, chị Minh thấy cần phải hỏi bác sĩ.
 
Và chị rụng rời khi người bạn bác sĩ bảo con có dấu hiệu trầm cảm. Chị tức tốc liên hệ với khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai để đưa con đến khám. Sau khi thăm khám và thực hiện các bước cần thiết, các bác sĩ chẩn đoán con chị bị trầm cảm giai đoạn 2.
 
Chị Minh được các bác sĩ tư vấn trước về hành trình điều trị trầm cảm cho con nhưng không hình dung ra nó lại phập phồng, nhiều thót tim đến vậy. Thuốc tác động vào thần kinh không phải dùng cho mọi bệnh nhân giống nhau. Mỗi người tiếp nhận thuốc và chịu sự tác động của thuốc khác nhau.
 
Chị xin nghỉ không lương ở bên con từng giây từng phút nên chứng kiến mọi thay đổi của con. Lúc thằng bé ngủ li bì như uống nhầm thuốc ngủ. Lúc lại kích động, đạp phá cốc chén. Lúc con ngoan hiền như một chú cừu non, mẹ nói gì cũng vâng ạ lễ phép.
 
Lúc bị ngứa ngáy, bồn chồn như có cái gì cắn rứt bên trong. Có lần, vừa uống thuốc xong, thằng bé lên cơn co giật, làm cho mẹ không kịp xoay xở, đưa thẳng tay vào miệng cắn đến tứa máu.
 
Nhưng chị chỉ tâm niệm một điều: “Không thể thay đổi được việc con bị ốm nhưng nếu mình căng thẳng, lo lắng thì con sẽ bị kích động, càng lâu khỏi hơn”. Sau gần 3 tháng vừa điều trị ngoại trú, vừa điều trị nội trú, con được về nhà ăn Tết, uống thuốc duy trì trong niềm vui tột cùng của cả gia đình.
 
8b-copy.jpg

 

Không đầu hàng số phận
Sau Tết 1 tháng, chị Minh đưa con vào viện khám lại để điều chỉnh thuốc. Thấy cơ thể thay đổi khi đến kỳ kinh nguyệt, chị Minh tranh thủ kiểm tra sức khỏe. Và kết quả của hai mẹ con lại kéo cả nhà vào một đợt căng thẳng mới. Con trai tiếp tục vào viện điều trị, còn mẹ chuẩn bị tinh thần mổ u tử cung.
 
Chồng, các bạn thân đều tá hỏa. Ai gặp chị cũng cố gắng tránh nói về bệnh tật. Nhưng chính chị lại chủ động động viên mọi người. Lúc nào chị cũng vui vẻ, chỉ một câu nằm lòng: “Không ai tránh được số phận, chỉ có điều mình không đầu hàng mà vui vẻ chấp nhận và cố gắng vượt lên”.
 
Chị cũng chủ động nói chuyện với Tuấn về bệnh tình của mình. Và đến giờ, chị thầm cám ơn ông trời cho mình biết về bệnh thời điểm đó. Sự căng thẳng vì hai mẹ con cùng bệnh nặng đã chuyển thành động lực cho Tuấn nỗ lực tập cho cơ thể dẻo dai và có sức bền tác động tới thần kinh.
 
Mỗi lần căng thẳng, con thường bảo mẹ hát ru cho con nghe, kể chuyện ngày xưa của con, nói về sự đau đớn của mẹ... Như có một sợi dây kết nối đặc biệt, con đã dần dần bình phục cùng với mỗi lần mẹ mổ, kiểm tra.
 
Một người bạn của chị Minh giới thiệu Tuấn với một Nha khoa thẩm mỹ tháng 3 vừa rồi. Sau 1 tháng thực tập, Tuấn đã được nhận vào làm việc chính thức. Còn chị, sau 2 lần mổ cách nhau có 3 tuần, kết quả xét nghiệm sinh thiết hoàn toàn không có tế bào lạ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm