pnvnonline@phunuvietnam.vn
Minh bạch thông tin vì quyền lợi của người tiêu dùng
Ảnh minh họa
Quyền lợi của người tiêu dùng ngày càng được coi trọng
Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì người tiêu dùng có 8 quyền được bảo vệ như: an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền được cung cấp thông tin về tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ, quyền được đòi bồi thường thiệt hại hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn... Tuy nhiên, thực tế, quyền lợi người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm nhiều nơi, nhiều lĩnh vực.
Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (ngày 15/3 hằng năm) được tổ chức hàng năm nhằm khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội và đất nước; tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và các chính sách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tạo cơ sở để huy động, tập trung sự quan tâm, hưởng ứng, tham gia của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời góp phần xây dựng một môi trường tiêu dùng lành mạnh cho cả người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; giữ ổn định và tạo động lực phát triển, đổi mới, sáng tạo cho nền kinh tế đất nước.
Ngày Quyền của người tiêu dùng được tổ chức hằng năm cũng nhằm nâng cao trách nhiệm, khuyến khích sự hợp tác và phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Với chủ đề "Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn", hoạt động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2023 được thực hiện đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở với các hình thức phong phú, đa dạng, nhằm phát huy sức mạnh, khuyến khích, động viên sự tham gia tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam năm 2023
Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam - 15/3/2023, với chủ đề "Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn" bao gồm chuỗi hoạt động nhằm lan tỏa thông điệp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Cụ thể, Lễ phát động Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam được tổ chức vào 18h ngày 9/3 với chương trình khai mạc và công bố, phát động các hoạt động hưởng ứng "Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam" năm 2023.
Giải chạy "Vì Quyền lợi người tiêu dùng" - Race for Consumers diễn ra vào 6h30 ngày 11/3 dành cho đối tượng tham gia từ 18 tuổi trở lên với 3 cự ly thi đấu xung quanh hồ Bảy Mẫu.
Hội chợ "Hàng hoá, sản phẩm vì người tiêu dùng" được tổ chức từ ngày 9/3 đến 15/3/2023 với quy mô lớn cùng các gian hàng của các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, phân phối các sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ thuộc các lĩnh vực liên quan đến đời sống tiêu dùng như: đồ gia dụng, thời trang, thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng thiết yếu,… Hội chợ cũng có sự tham gia của một số địa phương như: Bắc Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Quảng Nam, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Nghệ An, Bắc Ninh, Nam Định, Thái Nguyên, Hải Phòng…
Cung cấp kỹ năng nhận diện hàng hóa cho người tiêu dùng
Trong dịp này, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cũng tổ chức Phòng trưng bày "Nhận diện hóa - mỹ phẩm trên thị trường". Tại đây trưng bày hơn 500 sản phẩm của trên 30 nhãn hiệu thuộc các nhóm ngành hàng như: dầu gội đầu, sữa tắm, nước hoa, thực phẩm chức năng... Phần lớn các sản phẩm được lực lượng quản lý thị trường phát hiện và thu giữ trong thời gian qua.
Ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết: Hóa - mỹ phẩm là những mặt hàng được người tiêu dùng lựa chọn, mua sắm nhiều, nhất là đối với chị em phụ nữ. Đáng chú ý, đây là những mặt hàng có nguy cơ bị làm giả rất nhiều tại thị trường Việt Nam. Vài năm trở lại đây, nhất là từ khi thương mại điện tử phát triển, mạng xã hội trở thành kênh bán hàng online phổ biến, thì việc quảng cáo, bán những mặt hàng này rất sôi động.
Tại Phòng trưng bày lần này, các sản phẩm hàng thật - hàng vi phạm được đặt cạnh nhau nhưng không có biển chỉ dẫn nhằm mục đích giúp người tiêu dùng cũng như khách tham quan có thể nhận diện, phân biệt hàng thật, hàng vi phạm bằng cảm quan, sau đó đối chiếu các dấu hiệu đã được các cơ quan chức năng đưa ra, từ đó tăng tính nhận diện, kiến thức để phân biệt, tránh mua phải những sản phẩm bị làm giả.
Phòng trưng bày "Nhận diện hóa - mỹ phẩm vi phạm trên thị trường" kéo dài đến 11/3/2023 tại 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội..