Mô hình kinh tế tổng hợp giúp phụ nữ vùng cao thoát nghèo

Linh Trần
14/12/2022 - 10:30
Mô hình kinh tế tổng hợp giúp phụ nữ vùng cao thoát nghèo

Mô hình kinh tế tổng hợp giúp gia đình chị Bình thoát nghèo

Sau khi kết hôn, cuộc sống của gia đình chị Lữ Thị Bình gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, từ khi làm mô hình kinh tế tổng hợp, kinh tế gia đình chị ngày càng ổn định.

Trong những năm qua, phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Bản Sen (huyện Mường Khương, Lào Cai). Thông qua các phong trào thi đua, đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc. Trong đó, chị Lữ Thị Bình (Na Vai, xã Bản Sen) là một điển hình. Chị là một trong những tấm gương tiêu biểu về phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng trên quê hương.

Mô hình kinh tế tổng hợp giúp người phụ nữ vùng cao thoát nghèo - Ảnh 1.

Đồi cây của gia đình chị Bình

Chị Bình sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông ở huyện vùng cao Mường Khương. Thu nhập  của gia đình chủ yếu từ chăn nuôi, trồng trọt nên cuộc sống cũng rất khó khăn. Vì thế, những năm đầu khi mới lập gia đình, cuộc sống vợ chồng chị gặp rất nhiều khó khăn. Vợ chồng đã phải xoay sở nhiều nghề để có tiền trang trải cuộc sống.

Không cam chịu với cái đói, cái nghèo, chị Bình luôn trăn trở, tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế nhằm cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, làm kinh tế theo hướng nào thì chị chưa nghĩ ra.

Mô hình kinh tế tổng hợp giúp người phụ nữ vùng cao thoát nghèo - Ảnh 2.

Ao cá của gia đình chị Bình

Hiểu được những khó khăn, trăn trở của chị Bình, cán bộ Hội LHPN xã đã đến động viên, chia sẻ những kiến thức phát triển kinh tế. Đồng thời, Hội mời chị tham gia các buổi tham quan mô hình trồng trọt, chăn nuôi thành công tại các địa phương khác để học tập.

Sau khi học tập, tìm hiểu chị Bình nhận thấy chăn nuôi, trồng rừng, phù hợp với địa hình, khí hậu địa phương. Vì thế, chị vay mượn người thân đồng thời cải tạo diện tích đất của gia đình để làm trang trại.

Nghĩ là làm, chị bàn với chồng đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi gà, nuôi cá. Ban đầu chăn nuôi với quy mô nhỏ, đến nay sau khi đã có vốn tiếp tục mở rộng thêm chuồng trại. 

Mô hình kinh tế tổng hợp giúp người phụ nữ vùng cao thoát nghèo - Ảnh 3.

Chị Bình cho đàn gà ăn

Ngoài chăn nuôi, chị Bình cũng trồng và chăm sóc vườn quế 4 năm tuổi với 7.000 gốc. Đặc biệt, chị cũng cập nhập công nghệ 4.0 với việc bán hàng online mang lại thu nhập từ kênh bán hàng trung bình 20 triệu đồng/tháng. Tổng cộng, thu nhập mỗi năm của gia đình chị thông qua các hoạt động sản xuất, kinh doanh được khoảng 400 triệu đồng.

Mô hình kinh tế tổng hợp giúp người phụ nữ vùng cao thoát nghèo - Ảnh 4.

Căn nhà khang trang của gia đình chị Bình

Để đạt được kết quả như ngày hôm nay, chị Bình cũng đã phải trải qua nhiều khó khăn, vất vả. Chị Bình cho biết, khi mới lập gia đình được 2 năm, thì chồng có thông báo đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Lúc chị, đang mang bầu bé thứ hai được gần 2 tháng. Sau khi cân nhắc thiệt hơn, gia đình quyết định để chồng đi lao động tại Hàn Quốc. Bởi lẽ, để được xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc làm việc không phải dễ, nếu không đi thì hầu như không còn cơ hội lần sau (vì chứng chỉ tiếng Hàn theo diện KLF chỉ có thời hạn 2 năm. Nếu hết hạn phải học và thi lại rất vất vả và tốn kém). Cũng vì thế, mọi công việc đối nội, đối ngoại của hai gia đình đều một tay chị gánh vác. 

"Những hôm mưa to, gió lớn, nhà dột mái tôi dù đang bụng mang dạ chửa vẫn phải tự sửa. Hoặc những khi con ốm, công việc lại bù đầu, tôi chỉ ước chồng ở bên để có thể chia sẻ một chút như trông và chăm con hay nhờ đi mua thuốc, mua đồ ăn", chị Bình chia sẻ.

Mô hình kinh tế tổng hợp giúp người phụ nữ vùng cao thoát nghèo - Ảnh 5.

Các cấp Hội Phụ nữ huyện Mường Khương đến thăm và chia sẻ kinh nghiệm với gia đình chị Bình

Trong sản xuất, ban đầu chị chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật  nên cây trồng cũng như con giống không lớn, còi cọc. Tuy nhiên, sau đó chị được tham gia các lớp tập huấn do Hội LHPN xã phối hợp tổ chức dạy nghề; tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhất là chăn nuôi thủy sản và trồng rừng. Từ đó, chị áp dụng Khoa học - Kỹ thuật vào chăn nuôi tại gia đình. Vì vậy, trong quá trình chăn nuôi, con giống luôn khỏe mạnh, ít bị dịch bệnh.

Mô hình kinh tế tổng hợp giúp người phụ nữ vùng cao thoát nghèo - Ảnh 6.

Đàn gà được gia đình chị Bình nuôi thả trên đồi

Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Bình còn là hội viên rất tích cực, năng động tham gia các phong trào thi đua của Hội. Ngoài ra, chị và gia đình luôn gương mẫu thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chị vận động tuyên truyền các thành viên trong gia đình và mọi người thân tham gia những phong trào của địa phương.

Với những nỗ lực khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, chị Lữ Thị Bình, tại địa phương chị Bình là tấm gương sáng cho nhiều chị em phụ nữ học tập và làm theo.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm