Mô hình "tôm - lúa" giải bài toán ngập mặn ĐBSCL

28/03/2016 - 19:00
Nuôi trồng thủy sản trên diện tích bị xâm nhập mặn là giải pháp hữu hiệu để "cứu" ĐBSCL vào thời điểm hiện nay. Cách làm này vừa thích ứng được với tình trạng biến đổi khí hậu vừa nâng cao thu nhập cho bà con nông dân nhưng phải được kiểm soát chặt.

Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) dự báo, tình hình xâm nhập mặn có khả năng kéo dài đến đầu tháng 6, muộn hơn cùng kỳ trung bình nhiều năm, khoảng gần 2 tháng. Từ tháng 3 trở đi, các vùng cách biển 30 – 45 km, gần như không có nước ngọt; Các vùng cách biển từ 45 – 65 km, có khả năng bị xâm nhập mặn cao, lớn hơn 4 phần ngàn.

Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, khẳng định vai trò quan trọng của lĩnh vực nuôi trồng thủy sản (NTTS) vùng ĐBSCL. Sản phẩm thủy sản vùng ĐBSCL chiếm 80% sản lượng của cả nước. Trong đó, tôm nước lợ là thế mạnh của vùng. Từ thực trạng nắng nóng kéo dài gay gắt nhất từ trước tới nay, đã tác động đến NTTS. Chúng ta cần đánh giá cụ thể để đưa ra các giải pháp nhằm tiếp tục duy trì thế mạnh, lợi thế của vùng, trọng tâm là tôm nước lợ nhằm bảo bảo sản lượng phục vụ cho chế biến, xuất khẩu thủy sản.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng mô hình "tôm - lúa" cũng cần có sự kiểm soát, quy hoạch chặt chẽ mới mang lại hiệu quả cao

Trước thực trạng này, tại Hội nghị Bàn giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản (trọng tâm là tôm nước lợ) ướng phó với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn tại các tỉnh ĐBSCL, do Bộ NN&PTNT tổ chức tại Cà Mau cũng đã bàn và đưa ra nhiều giải pháp để cứu ĐBSCL. Trong đó, các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh đến mô hình nuôi tôm trong ruộng lúa. 

Giải pháp cấp bách ngay lúc này đây là phải tăng cường quan trắc cảnh báo môi trường để thông báo kịp thời cho người dân chủ động ứng phó. Kể cả các giải pháp cục bộ, xác định vùng ngập mặn để nạo vét kênh rạch. Việc phân vùng để phát triển thủy sản để không ảnh hưởng đến sản xuất lúa theo đúng quy hoạch. Tăng cường các biện pháp kỹ thuật, giúp ngư dân thả giống phát triển bằng các ao ương (miền Nam gọi là gièo) trước khi đưa ra nuôi đại trà. Vậy thì chúng ta không chờ đến tháng 6 có mưa rồi mới thả giống mà phải chuẩn bị trước đó từ tháng 4. Cùng với đó tăng cường diện tích tôm lúa. Tôi thấy hiệu quả kinh tế mô hình tôm lúa ở vùng ĐBSCL đang rất tốt. Đồng thời chú trọng đến diện tích tôm quảng canh, tôm sinh thái vì qua đi thực tế, tôi thấy hoàn toàn có triển vọng. Hiện nay tôm quảng canh chỉ có khoảng 300kg/ha. Nếu áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật thì có thể nâng lên tôm quảng canh đạt 400kg/ha. Vậy với hơn 200.000ha tôm quảng canh hiện nay thì chúng ta có thể nâng cao và bù đắp được sản lượng thiếu hụt so với những tháng cuối năm vừa qua.

Ruộng sản xuất theo mô hình tôm – lúa ở Bạc Liêu. Ảnh: Phan Thanh Cường


Để mô hình "tôm - lúa" mang lại hiệu quả cao, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng lưu ý, chúng ta chỉ đạo đúng với quy hoạch đã được xác định, tức là có kiểm soát. "Về lâu dài và tính bền vững thì càng phải tăng cường các giải pháp về khoa học công nghệ để chúng ta thích ứng với biến đổi khí hậu. Chẳng hạn tới đây nghiên cứu các giống tôm, giống cá chịu mặn như tôm thẻ chân trắng, cá tra… nghiên cứu các loại cây trồng trên vùng đất bị xâm nhập mặn mà hiện nay đang quảng canh để tạo ra môi trường cho tôm quảng canh được nâng cao năng suất lên hay việc nghiên cứu giống lúa có sức chịu đựng độ mặn trên 5 phần nghìn. Do đó, không nên để người dân tự phát mà từ các kết quả quan trắc, dự báo, chúng ta chỉ đạo việc phát triển đó theo quy hoạch đã được xác định", ông Tám cho biết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm