Mở ra tương lai tươi sáng hơn cho các nghệ sĩ đặc biệt

27/09/2018 - 11:50
24 tuổi, Văn Minh Đức khá cao lớn nhưng nhận thức của cậu chỉ như đứa trẻ lên 3, thậm chí không bằng. Có lẽ Đức sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình nếu không được tham gia quá trình đào tạo nghề và hướng nghiệp của Tòhe Fun cho trẻ đặc biệt (trẻ tự kỷ, khuyết tật về trí não hoặc vận động, trẻ em trong hoàn cảnh khó khăn).
vn-minh-c.jpg
Văn Minh Đức say mê với việc sáng tác - Ảnh: NVCC

Nghệ sĩ đặc biệt từ "không" đến "có"

Một buổi chiều nắng chói chang, mồ hôi mướt mải, tôi được tận mắt chứng kiến Văn Minh Đức say sưa vẽ lên một chiếc túi với những mảng màu sắc rực rỡ, tươi vui. Vừa vẽ Đức vừa hát… “piu, piu”, không theo bất kỳ đoạn nhạc hay lời hát quen thuộc nào, nhưng lắng nghe nó, bạn cũng có thể cảm nhận được người hát đang rất vui.

f6bb5ad296d5768b2fc4.jpg
Cô Nguyễn Thu Hằng, giáo viên đã kèm Đức “1 cô 1 trò” suốt 4 tháng liên tục bắt đầu từ tháng 9/2017 - Ảnh: B.N

Cô Nguyễn Thu Hằng, giáo viên đã kèm Đức “1 cô 1 trò” suốt 4 tháng liên tục bắt đầu từ tháng 9/2017, chia sẻ: “Thường những lúc Đức đang vui, cậu sẽ vừa vẽ vừa hát như thế! Đức vừa trở thành nhân viên bán thời gian của Tòhe sau gần 1 năm được đào tạo nghề và hướng nghiệp”.

Để Đức đi được đến chặng đường hôm nay là biết bao khó khăn. Cách đây 1 năm, ngày đầu mới tham gia, Đức chỉ vẽ màu sáp trên khổ giấy nhỏ, cậu thường xuyên dùng đầu ngón tay để di màu. Nếu khác đi, cậu sẽ cắn tay, cáu giận, thậm chí đập đầu vào tường. Có lẽ vì đó là vùng an toàn của Đức và cậu không muốn thoát ra.

Nhưng theo thời gian, với sự kiên nhẫn của giáo viên, từng chút một, giúp Đức cảm nhận được ở Tòhe cậu có một không gian an toàn để thoải mái vẽ và… chơi. Hiện tại, sau 1 năm Đức đã có thể sử dụng các loại màu khác nhau, khổ giấy vẽ cũng được nâng dần. Gần đây nhất, bức vẽ khổ lớn của Đức bằng màu acrylic được hoàn thành sau khoảng 5 buổi đã có khách hàng đặt mua, trước cả khi khai mạc triển lãm về “các thành tựu” của các thành viên trong nhóm sau 1 năm hoạt động.

Mẹ Đức bán xôi buổi sáng, 5 giờ đã rời khỏi nhà và gần trưa mới về. 1 tháng trước bố Đức qua đời. Có lẽ Đức, cậu thanh niên cao lớn, nhưng nhận thức chỉ như trẻ lên 3 sẽ trở thành gánh nặng cho mẹ nếu không tham gia lớp đào tạo nghề và hướng nghiệp ở Tòhe. Được biết, mới đây Đức vừa nhận vài chục triệu đồng tiền bản quyền tác phẩm được ứng dụng trên các sản phẩm của Tòhe. Cậu cũng trở thành nhân viên bán thời gian tại Tòhe, hàng ngày đều đặn đến làm việc từ 14h chiều đến 18h, 5 ngày mỗi tuần với sự hăng say ít ai bì kịp.

Cũng giống như Đức, các thành viên của lớp đào tạo này, mỗi em “đặc biệt” theo một cách khác, như Phạm Bình Minh (14 tuổi), cũng là trẻ tự kỷ, thân hình cao lớn và gặp khó khăn trong giao tiếp; Nguyễn Nhật Minh (18 tuổi), bị câm điếc; Hà Đình Chí (13 tuổi) bị tự kỷ…

phm-bnh-minh.jpg
Sở trường của Phạm Bình Minh là bồi giấy, cắt hình không cần vẽ trước - Ảnh: NVCC

Mỗi thành viên trong lớp học, được các giáo viên quan sát và phát hiện ra những khả năng đặc biệt của các em và tìm cách động viên, khích lệ để các em tự tin sáng tác. Như với Đức là khả năng vẽ tranh với các mảng màu sắc tươi sáng; với Bình Minh là khả năng cắt hình không cần vẽ trước, bồi giấy; Nhật Minh thì có sở trường với thể loại tranh xé giấy; Đình Chí sở hữu khả năng đặc biệt với những bức tranh nhiều chi tiết…

Những tác phẩm do các nghệ sĩ đặc biệt này sáng tác hiện được trưng bày tại số 8 Đỗ Quang (Cầu Giấy, Hà Nội) đến ngày 30/10/2018.

Mở lòng hơn, yêu con hơn vì con… đặc biệt

Là người đồng hành cùng các nghệ sĩ đặc biệt suốt 1 năm qua, nghệ sĩ Nguyễn Thu Hà không giấu nổi hạnh phúc khi ngắm nhìn thành quả của các học trò. “Người xem sẽ tự đánh giá được giá trị mà triển lãm mang lại qua cảm xúc của họ”.

Với cô Thu Hà, không phải chỉ ngày một ngày hai để các học trò có những tác phẩm này. Đây là cả quá trình dài với niềm mong mỏi phải làm được điều gì đó cho các em. Có thể, chính từ gia đình các em cũng chưa hiểu hết được rằng, mỗi người có một nghề, một ưu tiên, sở thích hay góc nhìn khác nhau. “Tôi đã quan sát các em, nhìn vào những gì các em thích nhất. Tôi cũng dùng nhiều phép thử, đôi khi có cả thử sai để tìm ra các giá trị. Mong mỏi lớn nhất của tôi là giữ được “màu nguyên chất” của các em và phải làm gì để mọi người thấy được tố chất của các em”.

img_0445.jpg
Giáo viên Nguyễn Thu Hà (áo hoa), Nguyễn Thu Hằng (áo trắng) chụp cùng các nghệ sĩ đặc biệt (từ trái qua): Văn Minh Đức, Phạm Bình Minh và Nguyễn Nhật Minh tại Triển lãm "Sao nữa?"- nơi trưng bày các tác phẩm sau 1 năm được đào tạo nghề và hướng nghiệp - Ảnh: NVCC

Là người có kinh nghiệm dạy học, cô Hà nói, cô không bao giờ phân biệt trẻ bình thường hay trẻ đặc biệt. Người bình thường cũng thấy vui vì làm được điều ý nghĩa nên trẻ đặc biệt cũng sẽ hạnh phúc khi biết mình đang làm việc có ích. “Thông qua hoạt động này, các bố mẹ cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc vì có những đứa con rất đặc biệt (tự kỷ, khuyết tật,…) nhưng vẫn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Dù với các học trò này có rất nhiều hành vi cản trở quá trình học, nhưng tôi cũng học được rất nhiều từ các em, được hạnh phúc, cảm thấy vui vì làm được việc ý nghĩa. Giúp các bạn, gia đình thừa nhận các bạn ấy là người đặc biệt, cha mẹ cần cởi mở hơn, mở lòng đón nhận con, không so sánh con mình với con nhà người ta. Vì con, yêu con hơn”.

Không giống như trẻ bình thường, với học trò đặc biệt, các giáo viên vừa hướng dẫn về chuyên môn, vừa như một người bạn, người chị dạy các em cả các kỹ năng sống, kỹ năng hòa nhập cuộc sống.

Chứng kiến cảnh giáo viên Nguyễn Thu Hằng ngồi cạnh, vừa hướng dẫn Đức cách phối màu, vừa liên tục nhắc nhở Đức, tôi hiểu với những học trò đặc biệt, các giáo viên cần rất nhiều sự kiên nhẫn, phải hiểu trò và yêu trò đến thế nào các cô mới có thể kiên trì với hoạt động này… Nhìn Đức vẽ, xem tranh Đức có thể cảm nhận được, tinh thần lạc quan và tâm hồn trong sáng, trí tưởng tượng bay bổng theo vào cả trong tranh- chắc chắn không dễ dàng để các giáo viên có thể giúp học trò làm được điều này.

Việc đào tạo, hướng nghiệp cho trẻ đặc biệt mới được Tòhe tiến hành ở quy mô nhỏ, nhưng kết quả bước đầu cho thấy hiệu quả của cách làm này. Trẻ đặc biệt hoàn toàn có thể bước ra thế giới nếu tìm ra điểm mạnh và trao cho các em cơ hội để phát huy…

* Anh Phạm Bình Đàm, bố Phạm Bình Minh: Đến xem triển lãm, tôi nhận thấy đây chính là thế giới nội tâm, là tâm hồn rất đẹp của con, biết yêu thương mọi người. Con đường lớn lên, trưởng thành của các con khó khăn hơn những người khác rất nhiều. Triển lãm kích hoạt được tấm lòng, sự nỗ lực, khích lệ được các nghệ sĩ đặc biệt, giúp các bạn bước ra xã hội. Xu hướng mà Tòhe làm là biến ý tưởng, tinh thần của các bạn ấy thành sản phẩm có thể phục vụ cho cuộc sống, đem lại giá trị thương mại- là bước khởi đầu giúp con có thể tự kiếm sống.

* Kiến trúc sư Lê Thị Thanh Hà: Tôi biết đến Tòhe đã 7 năm, có thể nói là “yêu từ cái nhìn đầu tiên” nên khi nào có thời gian là đến như thể những người bạn. Bởi mỗi lần đến, nhìn các sản phẩm cảm thấy vui. Còn tác phẩm của các nghệ sĩ đặc biệt khiến tôi mong muốn đưa những tác phẩm này ứng dụng vào các không gian, làm đồ trang trí có tính ứng dụng vào đời sống cao hơn. Là kiến trúc sư, tôi cũng mong có thể kết nối tác phẩm này đến với mọi người.

* Chị Trần Thanh Loan, Giám đốc phụ trách sáng tạo và hoạt động xã hội của Tòhe: Tòhe là một doanh nghiệp xã hội, ra đời đã hơn 12 năm, tạo những sân chơi sáng tạo miễn phí cho trẻ đặc biệt. Chương trình huấn luyện, hướng nghiệp và tiến tới tạo việc làm bền vững cho những nghệ sĩ đặc biệt được tiến hành vào tháng 9/2017. Mong muốn trong tương lai có thể mở rộng hoạt động này, với nhiều nghệ sĩ cùng tham gia…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm