“Mỗi câu chuyện về bố, tôi đều thuộc nằm lòng”

Anh Đào - Như Quỳnh
26/07/2023 - 12:09
“Mỗi câu chuyện về bố, tôi đều thuộc nằm lòng”

Thượng tá Lý Tiến Nam (bìa phải) đã tiếp bước cha mình, lựa chọn binh nghiệp để góp sức bảo vệ Tổ quốc

“Hiện tại, điều tôi hạnh phúc và tự hào nhất là giống như bố, khoác trên mình bộ quân phục để tiếp nối sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Tôi luôn tâm niệm, mình phải cố gắng để bảo vệ từng tấc đất mà cha chú đã đánh đổi bằng xương máu để giữ gìn”. Đó là chia sẻ của thượng tá Lý Tiến Nam, Chính trị viên Ban chỉ huy Quân sự huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai), con trai liệt sĩ Lý A Tờ, người đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc 1979.
Động lực trên mỗi bước quân hành

Tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam từ năm 1968, đến năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, ông Lý A Tờ chuyển công tác sang lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang. Năm 1978, ông làm Đồn phó Đồn Biên phòng Nậm Mít (nay là Đồn Biên phòng A Mú Sung), huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. 

Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc diễn ra, ông Lý A Tờ là một trong những người lính đã ngã xuống vào đúng đêm 17/2/1979. Trên tấm bia tưởng niệm ở Đồn Biên phòng A Mú Sung hiện nay, tên của liệt sĩ Lý A Tờ được ghi ngay hàng đầu.

Bố hy sinh khi anh Lý Tiến Nam mới lên 4 tuổi. Cả cuộc đời bố gắn với những cuộc hành quân vào Nam ra Bắc nên những ký ức về bố đối với anh Nam đều rất mơ hồ. Anh Nam chỉ biết về bố mình qua những câu chuyện kể của mẹ và đồng đội của bố, qua tấm ảnh thờ và một vài di vật mà ông để lại. 

Thế nhưng từ khi còn nhỏ, anh Nam đã nuôi ý chí sẽ nối nghiệp bố, tham gia bảo vệ Tổ quốc. "Mỗi câu chuyện về bố được kể lại tôi đều thuộc nằm lòng. Sự hy sinh anh dũng của bố và đồng đội nơi mảnh đất biên cương này đã trở thành động lực cho tôi trên mỗi bước quân hành", thượng tá Lý Tiến Nam cho biết.

Khi khoác lên mình bộ quân phục, anh càng hiểu hơn những sự hy sinh, gian khổ mà những người lính đã phải trải qua để bảo vệ từng tấc đất biên cương. Đến hiện tại, 33 năm trong quân ngũ, mỗi ngày, thượng tá Lý Tiến Nam đều luôn tự nhủ phải hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, phải sống xứng đáng với bộ quân phục mình đang mang, xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha anh. 

Anh thường xuyên kể cho các con, cũng như những chiến sĩ trẻ nghe về câu chuyện của bố và đồng đội năm ấy chỉ với một tâm niệm: "Điều tôi mong muốn nhất là đất nước mãi mãi được hoà bình, nhà nhà đều ấm no, hạnh phúc. Tôi mong thế hệ trẻ ngày nay nhớ đến công lao của thế hệ đi trước, có họ thì mới có cuộc sống hoà bình, yên ấm như bây giờ".

Mong bố mẹ sống lâu để thấy đất nước phát triển

Ông Tạ Đức Mai (sinh năm 1940) từng tham gia chiến đấu tại Chiến trường miền Đông Nam bộ 9 năm và tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam khoảng 4 năm. Trước khi nghỉ hưu, ông Đức Mai là Trung đoàn phó của Quân khu 7.

Ở tuổi ngoài 80, ký ức về những ngày chiến đấu hào hùng vẫn hằn sâu trong tâm trí ông. Ông Mai luôn canh cánh trong lòng về những người đồng đội của mình. Người con gái lớn của ông là chị Tạ Thị Phương Đông (sinh năm 1976). Cái tên Phương Đông được ông Mai đặt theo tên của một người đồng đội cũ. 

Suốt 4 năm ông tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam và ở lại chiến trường Campuchia, vợ ông đã gồng gánh gia đình, nuôi dưỡng các con. Đến giữa năm 1982, ông Mai trở về nhưng đã là thương binh, bị nhiễm chất độc màu da cam. Sức khỏe của ông Mai từ đó cũng yếu dần. Hiện nay, một phần do tuổi tác, phần khác vì ảnh hưởng từ chiến tranh nên ông mắc nhiều bệnh.

Với truyền thống của gia đình, từ nhỏ, chị Đông cùng các em đã được giáo dục về tình yêu đất nước, sống tử tế, ngay thẳng. Năm 21 tuổi, chị Đông trở thành đảng viên trẻ tuổi nhất của quận Bình Thạnh (TPHCM) thời điểm đó. 

"Sau khi nghỉ hưu, bố tôi về địa phương tiếp tục tham gia công tác xã hội. Tên tuổi cùng cách nói chuyện ngay thẳng khiến bố được nhiều người quý mến. Chị em tôi rất tự hào khi có bố mẹ theo cách mạng. Tôi chọn theo nghề giáo cũng từ niềm đam mê với ngành giáo dục mà mẹ truyền lại. 

Chiến tranh đã để lại nhiều mất mát, không ít đồng đội của bố mẹ tôi đã hy sinh trong cuộc chiến. Thành quả mà thế hệ cha anh để lại không gì có thể đong đếm được. Tôi chỉ mong bố mẹ luôn mạnh khỏe, sống thật lâu để thấy đất nước ngày càng phát triển", chị Phương Đông tâm sự.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm