pnvnonline@phunuvietnam.vn
Trong cuộc sống thanh bình, người thương binh vẫn lên đường vì tình cảm đồng đội thiêng liêng
Trải chiếc bản đồ thật to phủ hết mặt bàn với chi chít những đường nét ngoằn ngoèo và chi chít chữ, người thương binh tỉ mỉ dò tìm, đối chiếu với chiếc la bàn cũ kỹ rồi chấm tọa độ một cách cẩn thận…
Một công đoạn quen thuộc mà cựu chiến binh Phạm Đức Cường vẫn thường xuyên thực hiện trước mỗi hành trình trở lại các trận địa trước đây để mong tìm lại từng mảnh hài cốt đồng đội. Công việc mà ông tự nguyện dấn thân với cái tâm và tình cảm thiêng liêng của một người lính dành cho đồng đội đã hy sinh sau những ngày tháng khốc liệt.
Ông Phạm Đức Cường sống ở quận Phú Nhuận (TPHCM), trước đây là y tá Sư đoàn 7 Trung đoàn 165, là thương binh bị mất một phần bàn tay trong một trận máy bay oanh tạc vào căn cứ. Sau này hòa bình ông bắt đầu đi tìm đồng đội từ cuối những năm 1980. Ông thường tìm hài cốt liệt sĩ ở địa bàn tỉnh Bình Dương, từ lúc nghĩa trang Bến Cát còn chưa có hàng rào, những ngôi mộ liệt sĩ chỉ có bia mộ sơ sài là các mảnh tôn rỉ và nét sơn đã phai mờ gần hết.
Với những danh sách liệt sĩ chưa tìm được hài cốt dài dằng dặc, ngày qua ngày cựu chiến binh Phạm Đức Cường cứ lần lượt sàng lọc, kết hợp với mọi nguồn thông tin thu thập được rồi tự bỏ tiền túi lên đường.
Dù từng là người lính được tôi luyện qua chiến tranh ác liệt nhưng trong câu chuyện đôi lúc người thương binh vẫn không nén được sự xúc động khi nhắc đến sự hy sinh của đồng đội. Ông Cường cho biết mình vẫn kiên trì với công việc tìm hài cốt liệt sĩ vốn không ít khó khăn vì chứng kiến bao nhiêu sự hi sinh, có những trận đánh xong mất cả mấy chục mạng người.
Có những lần sau trận đánh anh nuôi mang cơm ra cho chiến sĩ mà thẫn thờ vì dư đến mấy chục nắm cơm, đồng nghĩa với bấy nhiêu người mãi mãi không về. Hoặc vào năm 1972 cùng xuống trận địa là 120 chiến sĩ, giao tranh ác liệt suốt 1 tháng trời thì chỉ còn lại 2-3 người…
Với tất cả công sức, gian khổ trong những hành trình xa xôi để tìm lại từng mảnh thân xác đồng đội hy sinh, người thương binh Phạm Đức Cường chỉ để mong cầu những khoảnh khắc thiêng liêng và dâng trào nhất. Đó là lúc xếp từng chiếc xương đồng đội vào mảnh vải rồi phủ lá cờ tổ quốc lên. Và có lẽ đó cũng là giây phút mà cái tâm ông lại nhẹ vơi đôi chút, khi đồng đội được về an nghỉ.